Giữ gìn và phát huy phong cách người Đà Lạt

06/04/2023 616 0
Song song với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thời gian qua, TP Đà Lạt còn tập trung đẩy mạnh thực hiện giữ gìn và phát huy phong cách người Đà Lạt “Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách”. Trọng tâm của chương trình này là xây dựng “Quy tắc ứng xử văn hóa người Đà Lạt” để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, hình thành thói quen, thái độ, ứng xử văn minh, lịch sự với du khách, định hướng thái độ trong việc đón tiếp và phục vụ khách du lịch của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn thành phố.

Vẻ đẹp lãng mạn của hoa phượng tím Đà Lạt

Công tác giữ gìn và phát huy phong cách người Đà Lạt nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND TP Đà Lạt và sự phối hợp triển khai chặt chẽ của Ủy ban MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và các phòng, ban, đơn vị, UBND các phường, xã trên địa bàn. Thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo và đã xây dựng, đề ra lộ trình cụ thể, xác định rõ vai trò, trách nhiệm từng phòng, ban, đơn vị, đoàn thể, địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến và thực hiện có hiệu quả giữ gìn và phát huy phong cách người Đà Lạt “Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách”; ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo. Trên cơ sở thống nhất về nội dung, định hướng hoạt động, Ban Chỉ đạo đã hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố triển khai các nhiệm vụ giữ gìn và phát huy phong cách người Đà Lạt lồng ghép chặt chẽ với việc thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động như: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; các chương trình phát triển - kinh tế xã hội của thành phố, các nhiệm vụ chuyên môn của các cơ quan, đơn vị... Mục tiêu là từng bước thay đổi nhận thức của người dân, cộng đồng địa phương trong hoạt động giao tiếp và kinh doanh, góp phần xây dựng TP Đà Lạt ngày càng văn minh, thân thiện và phát triển toàn diện.

UBND thành phố phối hợp cùng Trường Đại học Đà Lạt tổ chức Hội thảo khoa học về giữ gìn và phát huy phong cách người Đà Lạt “Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách”. Hội thảo đã có rất nhiều bài viết, tham luận chất lượng, thông qua đó nhiều ý tưởng, giải pháp cho quá trình xây dựng, giữ gìn, phát huy giá trị thương hiệu và phong cách con người Đà Lạt được các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp và cư dân thành phố chia sẻ, gợi mở, kiến nghị, đề xuất. Đây cũng đã trở thành cơ sở để Ban Chỉ đạo tiếp tục tham mưu triển khai có hiệu quả nhiệm vụ giữ gìn và phát huy phong cách người Đà Lạt.

Và để nâng cao nhận thức của cán bộ, các tầng lớp Nhân dân về vai trò, mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát huy phong cách người Đà Lạt, công tác tuyên truyền, vận động được xem là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, đã được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện nhằm chuyển đổi hành vi theo hướng tích cực thể hiện qua những việc làm, nghĩa cử, hành động cụ thể vì thành phố thân yêu, thành phố đáng sống. Các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên triển khai công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, dễ nhớ, dễ hiểu như: in ấn và cấp phát bản tập gấp Quy tắc ứng xử văn hóa người Đà Lạt; xây dựng chuyên mục và đăng tải hàng chục lượt tin, bài trên Trang thông tin điện tử thành phố; các trang mạng xã hội như zalo, facebook, các fanpage của các cơ quan, đơn vị, địa phương; thực hiện tuyên truyền bằng pano cổ động trực quan tại các đơn vị trường học và các vị trí trung tâm trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, còn tổ chức lồng ghép tuyên truyền trong sinh hoạt các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, trong các buổi sinh hoạt tại thôn, tổ dân phố; chương trình ngoại khóa ở các trường học… Nội dung chủ yếu tập trung vào tuyên truyền Quy tắc ứng xử văn hóa người Đà Lạt, xây dựng “gương người tốt, việc tốt”, biểu dương những hành động, cử chỉ đẹp; các mô hình hoạt động hiệu quả như: Mô hình kinh doanh “Người Đà Lạt Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách” tại chợ Đà Lạt, Mô hình trường học mang phong cách người Đà Lạt tại Trường Đại học Đà Lạt, Trường Chuyên Thăng Long và Trường Tiểu học Lê Quý Đôn...

Vẻ đẹp Đà Lạt trong nắng sớm

Đặc biệt, Ban Chỉ đạo cũng đã tham mưu UBND thành phố ban hành Quy tắc ứng xử văn hóa người Đà Lạt với 9 nhóm đối tượng cụ thể phù hợp với đặc điểm tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương, đáp ứng mục tiêu xây dựng và phát triển TP Đà Lạt trong bối cảnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, là nội dung cốt lõi, có ý nghĩa quan trọng để triển khai giữ gìn và phát huy truyền thống người Đà Lạt “Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách” trong hoạt động kinh doanh, quan hệ xã hội và gia đình. Cụ thể: Quy tắc ứng xử đối với cán bộ, công chức, viên chức; Quy tắc ứng xử đối với học sinh, sinh viên; Quy tắc ứng xử đối với người bán hàng; Quy tắc ứng xử đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú; Quy tắc ứng xử đối với cơ sở kinh doanh nhà hàng, ăn uống; Quy tắc ứng xử đối với các cơ sở kinh doanh khác; Quy tắc ứng xử đối với cộng đồng dân cư, Quy tắc ứng xử đối với các hộ gia đình; Quy tắc ứng xử đối với khách du lịch.

Sau khi bộ Quy tắc ứng xử văn hóa người Đà Lạt được ban hành, thành phố cũng đã đẩy mạnh truyền tải nội dung Quy tắc ứng xử đến toàn thể các tầng lớp Nhân dân. Đồng thời, đã cụ thể hóa thiết kế nội dung Quy tắc ứng xử thành các hình ảnh tuyên truyền dễ hiểu, dễ nhận biết; xây dựng, tích hợp nội dung Quy tắc ứng xử vào mã QR đọc bằng giọng nói người Đà Lạt, để giúp người dân tiếp cận bằng hình thức nghe, tạo sự hấp dẫn được tuyên truyền trên các hệ thống pano của thành phố, các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử thành phố,… Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai công tác kiểm tra liên ngành của các cơ quan đơn vị, đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn về các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh, trong đó chú trọng việc thực hiện Quy tắc ứng xử văn hóa người Đà Lạt, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, hàng đặc sản, nhà hàng, ăn uống; riêng đối với ngành hàng đặc sản, đã tổ chức cho trên 120 cơ sở kinh doanh ký cam kết về thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, thực hiện văn hóa kinh doanh văn minh, lành mạnh, phát huy phong cách người Đà Lạt. Thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra giám sát, theo dõi, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh có sử dụng tiếp thị không lành mạnh (cò) tại một số khu vực trọng điểm như chợ đêm Đà Lạt, Khu du lịch Thung lũng Tình yêu, Vườn hoa thành phố và các cơ sở kinh doanh ngành hàng đặc sản tại địa bàn Phường 8.

Kết quả bước đầu triển khai Quy tắc ứng xử văn hóa người Đà Lạt đã nhận được sự đồng thuận, tích cực tham gia, ủng hộ của cộng đồng dân cư, của học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức, người bán hàng... Nhìn chung thông qua hoạt động triển khai đã tạo được sự chuyển biến rõ nét trong ý thức của người dân trên địa bàn về giữ gìn và phát huy phong cách người Đà Lạt “Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách”. Đặc biệt, các cơ sở kinh doanh, người dân đã dần nhận thức, tự chấn chỉnh và thay đổi thực hiện văn minh trong hoạt động kinh doanh như: Thân thiện, lịch sự hơn trong giao tiếp; bán hàng hóa đảm bảo chất lượng; tình trạng nâng ép giá, chèo kéo khách hàng, bán hàng giả, gian lận thương mại có xu hướng giảm so với trước. Đặc biệt, người bán hàng đã để lại cho khách hàng ấn tượng đẹp về con người Đà Lạt.

Theo baolamdong.vn

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu