Trong mục tiêu chung xây dựng Ðà Lạt trở thành thành phố thông minh, đòi hỏi con người, hệ thống phải được kết nối bằng các phương tiện, công cụ tiện ích. Và tất nhiên, du lịch là một phần không thể thiếu. Một ứng dụng du lịch thông minh sẽ giúp du khách, người dân, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước được kết nối với nhau trong một thể thống nhất.
Chính xác, tiện ích
Du lịch thông minh là một thành phần của đô thị thông minh mà TP Đà Lạt đang đặt mục tiêu xây dựng, sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông để hình thành hệ sinh thái du lịch và tạo lợi ích tương hỗ giữa 3 đối tượng chính là du khách, chính quyền và doanh nghiệp. Đặc biệt, với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự phổ biến của thiết bị đầu cuối (các thiết bị di động thông minh) và sự sẵn sàng về hạ tầng viễn thông CNTT, nếu các giải pháp du lịch thông minh được triển khai đồng bộ sẽ phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin, hỗ trợ du khách trong hành trình trải nghiệm du lịch rất hiệu quả. Từ đó, góp phần xây dựng du lịch chất lượng cao phục vụ du khách, đóng góp vào việc phát triển kinh tế bền vững.
Trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác về Đề án “Xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh (Smart City)” của UBND tỉnh Lâm Đồng và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), đội ngũ kỹ sư của VNPT vừa hoàn thành triển khai cung cấp giải pháp du lịch thông minh. Hiện nay, ứng dụng này cũng đã và đang được triển khai tại 12 tỉnh, thành phố như Ninh Bình, Phú Quốc (Kiên Giang), Sa Pa (Lào Cai), Vũng Tàu... và sắp tới sẽ là nhiều thành phố khác, trong đó dự kiến có Hà Nội, TP Hồ Chí Minh,...
Thạc sỹ Hoàng Thế Đăng - Giám đốc Trung tâm CNTT VNPT Lâm Đồng, Trưởng nhóm giải pháp cho biết, ứng dụng được hoàn thành sau khoảng thời gian hơn 18 tháng nghiên cứu và nhiều lần thử nghiệm. Khi đưa vào sử dụng, với sự quản lý của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thì chắc chắn đây sẽ là nguồn thông tin chính thống và có độ chính xác cao, giúp du khách có thể dễ dàng tra cứu thông tin mình mong muốn.
Với định hướng xây dựng du lịch thông minh lấy con người (nhà quản lý, doanh nghiệp, người dân và khách du lịch) làm trọng tâm, việc triển khai ứng dụng CNTT cần căn cứ vào trải nghiệm thực tế của khách du lịch và sự tương tác giữa ba đối tượng trong hệ sinh thái du lịch thông minh.
Theo đó, chỉ với một vài thao tác đơn giản, người dùng, đặc biệt là du khách có thể dễ dàng tra cứu, tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng và chính xác nhất. Toàn bộ thông tin cần tìm kiếm của du khách về địa điểm nổi tiếng, cơ sở lưu trú du lịch, địa điểm ăn uống... sẽ được trả lời chỉ với 1 chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet hoặc những cú nhấp chuột đơn giản - giống như một hướng dẫn viên du lịch luôn đồng hành bên cạnh.
Lợi ích “3 trong 1”
Một trong những ưu tiên hàng đầu mà ứng dụng hướng đến là du khách. Trước khi đến các địa điểm du lịch, du khách có thể tra cứu đầy đủ, chi tiết thông tin về điểm đến, tự tạo lịch trình theo sở thích cá nhân. Trong hành trình khám phá Đà Lạt, du khách sẽ được hỗ trợ bởi ứng dụng thông minh trên thiết bị di động với tính tương tác cao, tăng cường tính trải nghiệm, khám phá của du khách. Kết thúc chuyến đi, du khách sẽ có một nhật ký hành trình được sắp xếp, lưu lại một cách khoa học và thông minh, giữ lại những khoảnh khắc đẹp trong lòng mỗi du khách. Đặc biệt, du khách còn nhận được những thông báo về sự kiện mới; thông tin khuyến mãi, giảm giá; dịch vụ mới;... để giới thiệu cho bạn bè, người thân hoặc chính mình có kế hoạch quay trở lại Đà Lạt trong tương lai.
Tiếp theo, chính quyền thành phố sẽ quản lý được tài nguyên du lịch như điểm đến, khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; theo dõi liên tục các hoạt động lễ hội, sự kiện trong tỉnh; quản lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch như lưu trú, cơ sở ăn uống, giải trí, vận tải, các nhận xét, đánh giá, cảm nhận của du khách về các sản phẩm du lịch của tỉnh... Ngoài ra, chính quyền có thể thấy được bức tranh tổng thể về du lịch tỉnh và có những dự báo quan trọng về xu hướng du lịch trong tương lai để có thể ra những quyết định và đầu tư đúng hướng.
Đối với các doanh nghiệp, cơ hội quảng bá sản phẩm dịch vụ gần hơn với khách hàng trở nên dễ dàng hơn, qua đó thể hiện trách nhiệm cũng như ý thức xây dựng thương hiệu dịch vụ riêng. Đồng thời, các doanh nghiệp có thể liên kết tạo ra chuỗi cung ứng dịch vụ: vận tải, lưu trú, ăn uống, mua sắm,...; mở ra môi trường hợp tác phát triển lành mạnh, bền vững.
Ghi nhận tại các địa phương mà VNPT đã triển khai, ứng dụng giải pháp du lịch thông minh được đánh giá là công cụ hỗ trợ hữu hiệu, cung cấp thông tin đa dạng, chính xác cho du khách, doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Cũng theo nhóm tác giả, trước những cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với xã hội nói chung, với ngành du lịch nói riêng; cùng với việc tham chiếu các mô hình ứng dụng thành công của các nước trên thế giới như Tây Ban Nha, Đài Loan, Hàn Quốc... sẽ giúp Đà Lạt có thể áp dụng và triển khai nhanh ứng dụng du lịch thông minh này. Qua đó, góp phần định hướng xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh để thu hút, nâng cao chỉ số hài lòng của du khách, kết nối các doanh nghiệp dịch vụ du lịch và nâng cao năng lực quản lý của cơ quan nhà nước.
Nguồn: baolamdong