Đà Lạt nỗ lực quảng bá và xây dựng thương hiệu điểm đến cùng TPO

05/04/2024 311 0
Hội nghị khu vực của Tổ chức Xúc tiến du lịch các thành phố toàn cầu (TPO - Tourism Promotion Organization for Global Cities) năm 2024 dành cho các thành viên Việt Nam vừa được tổ chức tại TP Đà Lạt, với chủ đề “Tăng cường quảng bá và xây dựng thương hiệu điểm đến”; là dịp để tăng cường liên kết, giới thiệu Đà Lạt đến với các tỉnh, thành của Việt Nam; cũng như đẩy mạnh hợp tác du lịch Đà Lạt với Hàn Quốc và các quốc gia thành viên; từ đó góp phần thúc đẩy du lịch Đà Lạt phát triển xứng tầm...

Những chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc càng trở nên độc đáo hơn trong không gian Đà Lạt

TP Đà Lạt nằm trên cao nguyên Lang Biang, với độ cao 1.500 m so với mực nước biển, được thiên nhiên ban tặng khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, từ lâu đã trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế. Du lịch Đà Lạt trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, hàng năm đón trên 6 triệu lượt khách; cơ cấu giá trị sản xuất ngành thương mại dịch vụ - du lịch chiếm trên 68% cơ cấu kinh tế của địa phương. Đà Lạt 2 lần được công nhận là “Thành phố Du lịch sạch ASEAN” và là một trong những điểm đến lãng mạn của châu Á. 

Xác định mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ưu tiên phát triển du lịch chất lượng cao, phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, lấy chất lượng sản phẩm, dịch vụ làm động lực thu hút du khách...; TP Đà Lạt chú trọng công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu điểm đến; cơ sở vật chất phục vụ du lịch ngày càng tăng về số lượng và chất lượng; văn hóa trong du lịch chuyển biến tích cực đem lại sự hài lòng cho du khách, phát huy phong cách người Đà Lạt “Hiền hòa - Thanh lịch và Mến khách”...

Đà Lạt là nguồn cảm hứng bất tận cho thơ và nhạc

Đà Lạt đã và đang thực hiện chiến lược quảng bá trên nhiều phương tiện truyền thông với hình thức phong phú và đa dạng để du khách có thể dễ dàng tiếp cận các sản phẩm du lịch của địa phương, thu hút lượng khách tăng đều qua các năm, thông qua các trang thông tin điện tử trực tuyến, như: dalat.lamdong.gov.vn, dalat.vn, dalatcreativecity.com, ứng dụng dalatflowercity, dalat trực tuyến, Đà Lạt ngày mới và nhiều trang mạng xã hội khác...

Việc sử dụng Ứng dụng thông minh phù hợp với mục tiêu quảng bá điểm đến du lịch Đà Lạt để hỗ trợ khách du lịch trong quá trình tìm kiếm địa điểm phù hợp... Số lượt truy cập các thông tin điện tử du lịch thành phố không ngừng tăng lên và có hàng ngàn lượt chia sẻ, phản hồi đã tạo dấu ấn trong sự tìm kiếm của du khách, như trang dalat.vn (được xây dựng từ năm 2018, đạt trên 30 triệu lượt truy cập mỗi năm); dalat.lamdong.gov.vn (200 ngàn lượt truy cập/năm),...

Hàng năm, Lâm Đồng phát hành hơn 20 loại ấn phẩm với số lượng gần 30 ngàn bản quảng bá du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng, thông qua nhiều kênh; cung cấp thông tin du lịch, hướng dẫn và định hướng xây dựng các video chuyên đề quảng bá về du lịch Đà Lạt; tổ chức đón các đoàn phóng viên báo chí, các công ty lữ hành trong và ngoài nước đến trao đổi thông tin về du lịch, giao lưu văn hóa, thể thao kết hợp với tham quan, khảo sát sản phẩm dịch vụ du lịch...

Việc kết hợp giữa công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch và tổ chức các chương trình, sự kiện, lễ hội để thu hút khách đã tạo hiệu ứng tốt, giúp thương hiệu du lịch Đà Lạt trong những năm qua được khẳng định, củng cố, tiêu biểu như: Tuần lễ Vàng du lịch Lâm Đồng, Festival Hoa Đà Lạt... 

Thông tin về chiến lược phát triển du lịch thành phố, bà Trần Thị Vũ Loan - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, cho biết: Trong thời gian tới, để công tác quảng bá và xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch Đà Lạt hiệu quả, đột phá hơn, thành phố đang xây dựng chương trình hành động nhằm đánh giá lại hình ảnh, thế mạnh cạnh tranh, định vị thương hiệu và các thông điệp chuyển tải giá trị du lịch đặc thù của thành phố thu hút hơn, độc đáo hơn trong lòng du khách; song song với công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm nhiệm vụ xúc tiến đầu tư, du lịch; cải cách hành chính trong giải quyết các thủ tục về đầu tư, kinh doanh du lịch...

Chuyển đổi số trong xúc tiến, quảng bá phát triển du lịch cũng được tích cực thực hiện bằng việc số hóa dữ liệu hướng dẫn viên du lịch, doanh nghiệp lữ hành, hệ thống các cơ sở lưu trú du lịch, ăn uống, vui chơi giải trí, mua sắm du lịch, tham quan du lịch...; thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo, trợ lý du lịch ảo và các công nghệ tiên tiến trong xúc tiến, quảng bá du lịch...; đặc biệt là tăng cường liên kết hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong nước và quốc tế...

Ngày 31/10/2023, TP Đà Lạt chính thức là thành viên tiếp theo của Việt Nam gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo toàn cầu của UNESCO trong lĩnh vực Âm nhạc. Festival Hoa Đà Lạt được Hiệp hội Festival và Sự kiện quốc tế - khu vực châu Á trao tặng giải thưởng “Festival Hoa đẹp nhất châu Á” năm 2024. Cùng với các danh hiệu khác, như: Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang; Di sản tư liệu Mộc bản Triều Nguyễn; Không gian Văn hóa cồng chiêng, TP Đà Lạt đang phát huy niềm tự hào, nhưng cũng đề cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị danh hiệu và các di sản văn hoá... để thực sự trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn trong khu vực, ở Việt Nam và quốc tế...

TPO được thành lập từ năm 2002 với vai trò quảng bá, thông tin, liên lạc giữa các thành phố thành viên. Đến nay, tổ chức này đã có hơn 130 thành viên, đến từ các thành phố của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Riêng Việt Nam đang có 8 tỉnh, thành là thành viên, gồm: Đà Lạt, Vũng Tàu, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bắc Ninh và Long An. TP Đà Lạt là thành viên chính thức của TPO từ năm 2019, đang phát huy tích cực vai trò thành viên, nỗ lực quảng bá, giới thiệu du lịch thông qua việc đồng hành cùng TPO tham gia các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch của tổ chức...

 

 

Theo dalat.lamdong.gov.vn

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu