Một khúc quanh của Đà Lạt

04/04/2023 926 0
Trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, Đà Lạt - một đô thị di dưỡng, đặc khu giáo dục, thành phố trí thức và văn hóa trong quá khứ - đã có sự biến đổi từ dấu mốc 3.4.1975 (ngày giải phóng Đà Lạt). Điều này được thể hiện trên những tờ báo có mặt từ rất sớm sau ngày đất nước thống nhất.

Ngôn từ khác, tinh thần khác

Lược đồ lịch sử văn hóa của Đà Lạt được định vị bởi những bước chuyển tiếp về chính trị nội tại và ngoại tại. Nhưng có thể tóm tắt thành các dấu mốc khá rõ ràng: đô thị kiểu Pháp từ khởi tạo thành phố hồi đầu thế kỷ 20 đến 1954; thành phố mang đậm dấu ấn nhân văn phương Tây do người Việt làm chủ, phát triển dưới thời chính quyền miền Nam (1954 - 1975) và thời kỳ đô thị hòa bình sau 1975. Theo sau các dấu mốc lịch sử đó, có thể nhận thấy sự thay đổi nhất định về khuynh hướng chức năng thành phố.

Ký họa trên báo Đà Lạt Giải phóng. Ảnh: N.V.N chụp lại

Nếu như trước 1975, Đà Lạt đã có những tờ báo đóng góp rất lớn vào đời sống thị dân như Đà Lạt tuần san (giai đoạn 1957 đến khoảng 1964), tờ Đặc san Cao Nguyên do Ty Thông tin Đà Lạt chủ trương cộng với các giai phẩm của giới văn nghệ, trí thức, đại học thực hiện như: Chiều hướng mới, Tri Thức, Giai phẩm Tuyên Đà..., thì sau sự kiện lịch sử thống nhất đất nước, Đà Lạt xuất hiện những tờ báo của chính quyền mới làm nhiệm vụ tuyên truyền trong một giai đoạn mới, hình thành những diễn ngôn mới.

Có thể thấy trong số này là tờ báo Đà Lạt của Cơ quan Thông tin Văn hóa Đà Lạt; tòa soạn đặt ở số 44 Hồ Tùng Mậu (38 Nguyễn Trường Tộ cũ). Tờ báo này nguyên là Bản tin Đà Lạt, chính thức ra mắt vào ngày 15.7.1975 với 3 - 5 ngày/kỳ. Cùng với Bản tin Đà Lạt, thì tờ Đà Lạt Giải phóng đồng thời ra mỗi tháng 2 kỳ. Bản tin Đà Lạt chủ yếu tập trung các thông tin vắn mang tính tuyên truyền cho các chính sách của chính quyền cách mạng ở Đà Lạt và các phong trào thanh niên, phụ nữ, nông dân thi đua sản xuất, lao động học tập của các cơ sở trong thành phố cùng các sinh hoạt văn nghệ quần chúng. Riêng tờ Đà Lạt Giải phóng thì có những số báo dày dặn hơn, có sáng tác thơ văn (không ngoài nội dung ca ngợi hòa bình, cảnh sắc địa phương và niềm vui giải phóng). Có thể thấy trên số báo kỷ niệm 30 năm Cách mạng tháng 8 và thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của tờ báo này bên cạnh các bài viết nhắc về Đà Lạt những ngày tháng 8 năm 1945, còn có bản nhạc ngợi ca đời sống mới của Xuân Bái (Đà Lạt mến yêu) và các bài thơ cũng không ngoài đường lối cảm xúc trên của Xuân Hoàng và Nguyễn Lương.

Trong bài thơ ghi thời điểm viết là tháng 8.1975 của Xuân Hoàng, có những câu gần với một bài vè tả cảnh, mang màu sắc ngợi ca hiện thực của thơ ca cách mạng giai đoạn 1954 - 1975: "Ở đây bát ngát cao nguyên/Lâng lâng nắng nhẹ mây viền đồi thông/Hồ như ngủ giữa không trung/Suối quanh quất hiện, đường thong thả chìm/Rất nhiều là những tiếng chim/Rất say là sắc mầu riêng của đèo/Hoa vườn sẵn có tay gieo/Hoa rừng cũng dập dìu theo với đời/Núi xa thác đổ trắng ngời/Thung gần, mát mẻ bao lời của rau" (Bài thơ Đà Lạt). Rõ ràng hơn, bài thơ của Nguyễn Lương là tiếng reo mừng chuyển tải một tinh thần lạc quan rất trực tiếp: "Đà Lạt đổi đời! Đà Lạt vào xuân!/Sương lấp lánh trên từng chiếc lá/Ngồi bên mẹ nghe đất trời êm ả/Nghe bước quê mình vui đến tương lai! (Đôi lời về mẹ).

Văn nghệ, thông điệp và mối quan tâm trên những tờ báo sau 1975 đã khác hẳn tinh thần văn nghệ học thuật và tư tưởng trên những tờ báo cũng tại Đà Lạt trước 1975.

Sau khi tiếp quản Nha Địa dư

N.V.N chụp lại từ Tập san Nha địa dư (08/1975)

Cái nhìn thành phố đổi khác

Trên các mặt báo, cũng thể hiện một cái nhìn đổi khác về một "Đà Lạt thời kỳ mới", hay cụ thể hơn, đưa ra một cách tiếp cận thành phố này khác ngày hôm qua. Trong số Xuân Bính Thân (1976) của tờ Đà Lạt, có bài ghi nhanh Đà Lạt vào xuân của Kim Oanh, được xem là bài đinh của kỳ báo đặc biệt.

Bài viết trên thuật lại một cái tết trong thời bình đầu tiên ở Đà Lạt với một ngôn ngữ bình dân, dễ đọc. Bằng một bút pháp hiện thực lạc quan, tác giả đi qua chỗ bán thiệp, khu bán hoa, ca ngợi chợ trời Đà Lạt đã được ban quản lý chợ sắp xếp lại chỗ ngồi "đi vào quy củ", những người nghèo (giai cấp vô sản) có vị trí ở trong các hoạt động buôn bán, "làm rạng rỡ những khuôn mặt lâu nay đã mất cả sắc xuân": "Năm nay không còn cảnh chị bán hàng rong phải ngồi xúp núp bên những hàng thịt, hàng tạp hóa, hoặc rải rác chiếm cứ chỗ nào trống như trước kia". Tác giả Kim Oanh dừng chân tả cảnh xếp hàng mua nếp, đường, sữa, thuốc lá, diêm quẹt, trà, nước mắm, nước ngọt, đậu xa, xà phòng và bột ngọt... tại một cửa hàng mậu dịch quốc doanh số 25 đường Phan Bội Châu. "Ở đây, từ anh công nhân, viên chức, những chị buôn thúng bán bưng, tất cả như rạng lên niềm hoan hỉ, mua sắm những mặt hàng Chính quyền phục vụ trong ngày tết", tác giả viết.

Phương thức mua bán kiểu mậu dịch quốc doanh được ca ngợi hết lời; đời sống tinh thần mở mang lại được minh chứng bằng việc những trụ đèn đường ở trung tâm, bờ hồ được lắp lại, chiếu sáng, các chương trình văn nghệ quần chúng do Ty Thông tin Văn hóa tổ chức sẽ diễn ra ở nhà hát Lâm Viên...

Trong một số báo Đà Lạt Giải phóng năm 1976, ông Mai Xuân Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Quân quản Đà Lạt, có bài diễn văn ca ngợi những phong trào cách mạng "quật cường" của các tổ chức cách mạng Đà Lạt và đưa ra quan điểm về một thành phố đi đến tương lai bằng sự hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển thành phố từ những cánh đồng, kinh tế từ du lịch đến buôn bán tiếp cận mô hình hợp tác xã và văn hóa lý tưởng hóa tập thể.

Nhìn về quá khứ, những gì làm nên giá trị văn hóa, giáo dục "thời hoàng kim" của một Đà Lạt gắn với trung lưu, thượng lưu đã tạm khép lại nhường chỗ cho những bài học mới, thực tế mới và một lịch sử mới của đô thị. Có những điều cho thấy hệ hình văn hóa thành phố được đặt lại ở một xuất phát điểm khác biệt với hôm qua.

Theo thanhnien.vn

 

 

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu