Sân bay Liên Khương đã đón rất nhiều chuyến bay quốc tế từ năm 2016
• LIÊN KHƯƠNG - ĐIỂM KHAI THÁC BAY TIỀM NĂNG...
Theo báo cáo của Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, sau khi đại dịch COVID-19 dần phục hồi, các hoạt động bay cũng dần trở lại bình thường, hiện tại, sân bay Liên Khương đang khai thác 5 tuyến bay nội địa (Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vinh, Hải Phòng) và 3 tuyến bay quốc tế (Bangkok - Thái Lan; Incheon, Muan - Hàn Quốc; Kuala Lumpur - Malaysia) và tổ chức thí điểm một số chuyến bay charter quốc tế phục vụ du lịch (Thái Lan, Hàn Quốc,...).
Với nhiều nỗ lực từ chính quyền, hãng bay và doanh nghiệp, từ năm 2018 đến nay, Cảng hàng không Liên Khương đã thiết lập nhiều đường bay quốc tế thu hút khách đến Lâm Đồng; đặc biệt là từ các quốc gia châu Á, như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia... Trong đó, Hàn Quốc luôn là thị trường đóng góp lượng khách quốc tế đến Lâm Đồng lớn nhất, chiếm bình quân khoảng 11,8% tổng lượt khách quốc tế trong giai đoạn 2018 - 2022.
Tuy nhiên, từ ngày 27/3/2023, Hãng hàng không Thai Vietjet Air khai thác chặng bay thương mại Bangkok - Đà Lạt vào các ngày thứ 2,4,6 và Chủ nhật, tạm dừng khai thác. Các chuyến bay thuê chuyến giữa Đà Lạt và Muan - Hàn Quốc đang tạm dừng. Hãng hàng không Air Asia cũng tạm dừng đường bay thương mại giữa Đà Lạt và Kuala Lumpur - Malaysia vào thứ 6, Chủ nhật hàng tuần; dự kiến đến ngày 2/7/2023 mới khai thác trở lại. Hãng hàng không Korean Air tạm ngưng khai thác các chuyến bay thuê chuyến giữa Đà Lạt và Incheon - Hàn Quốc với tần suất 2 chuyến/tuần.
Trong thời gian tới, Hãng hàng không Vietjet Air dự kiến khai thác các chặng bay Trung Quốc - Đà Lạt từ ngày 25/4/2023, với tần suất 3 chuyến/tuần (vào thứ 3, 5, 7). Đồng thời, Hãng hàng không Vietjet Air mở bán vé thương mại cho chặng bay giữa Đà Lạt và Incheon - Hàn Quốc với tần suất 4 chuyến/tuần; dự kiến tháng 6/2023 sẽ khai thác hàng ngày.
Đại diện các hãng bay khai thác khách trực tiếp đến sân bay Liên Khương, cho biết: Do tình hình dịch COVID-19, đường Hàng không gần như bị tê liệt một thời gian dài; sau đại dịch, vẫn còn có những quy định liên quan đến xuất nhập cảnh và hàng không, nên cần có thêm thời gian để du khách nắm bắt thông tin và lên kế hoạch du lịch cho mình...
Theo đại diện VietnamAirlines: Việc quan tâm đến sản phẩm du lịch, đường bay, thị trường khách..., cho thấy quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về phục hồi ngành du lịch khi dịch COVID-19 được kiểm soát. VietnamAirlines luôn bám sát nhu cầu, sự kiện và các bước phát triển của tỉnh Lâm Đồng để vừa đồng hành, thể hiện sự quan tâm của Hãng hàng không quốc gia, vừa là cơ hội hợp tác kinh doanh để phát triển giữa địa phương và Hãng hàng không.
Hiện tại, do nhu cầu mở lại đường bay quốc tế, đặc biệt là đường bay kết nối với thị trường du khách Trung Quốc và lịch bay mùa hè, VietnamAirlines đang thực hiện 4 chặng bay kết nối Đà Lạt với Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng và Huế; các đường bay mà Hãng rất kỳ vọng là Phú Quốc, Hải Phòng phải tạm ngưng khai thác và đang đề xuất điều chỉnh trong thời gian sắp tới để phục vụ nhu cầu của Nhân dân và góp phần cùng địa phương phát triển sau đại dịch...
Quang cảnh đón chuyến bay thẳng đầu tiên từ Hàn Quốc cuối năm 2017
• NHỮNG VẤN ĐỀ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KHAI THÁC BAY
Ông Lê Tăng Trọng Nghĩa - Giám đốc Vietravel chi nhánh Đà Lạt, cho biết: Vietravel đã tham gia các chuyến charter cùng VietnamAirlines đi Jeju (Hàn Quốc). Sau dịch thì Hãng đang xúc tiến đường bay đi Busan. Nhưng qua khai thác các đường bay quốc tế từ Đà Lạt, ông Nghĩa và đại diện các hãng lữ hành đều nhận thấy, việc mở đường bay chưa có sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, hãng bay trực tiếp khai thác khách và doanh nghiệp lữ hành; chưa có sự cân bằng đối lưu khách giữa 2 điểm đi và đến; vì phải có một lượng khách tương ứng ở cả hai chiều mới duy trì được đường bay.
Để các đường bay quốc tế qua Cảng hàng không Liên Khương hoạt động hiệu quả, bền vững, ông Nghĩa đề xuất, cần có chủ trương hợp tác 3 bên về chính sách quảng bá không chỉ ở Đà Lạt, mà cả khu vực Lâm Đồng, nhất là ở các khu vực trung tâm, như: Bảo Lộc, Đức Trọng, Lạc Dương, Đơn Dương... để người dân nắm được lịch trình đường bay và có đủ thời gian thẩm thấu thông tin, sắp xếp công việc và có kế hoạch cho các chuyến du lịch của mình. Vietravel sẵn sàng tham gia khi có thông tin đầy đủ về các đường bay, chính sách giá của các hãng bay...
Theo ông Trần Duy Thắng - Giám đốc Công ty Giáo dục Thiên Nhân: Thiên Nhân từng là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong khai thác khách đi Hàn Quốc. Nhưng do gặp khó khăn trong việc làm visa Hàn Quốc (cho khách vào và nhân viên đối tác, do không làm được tại Lâm Đồng mà phải ra Hà Nội), nên sau một thời gian không giữ được đối tác. Sắp tới, Thiên Nhân cũng có kế hoạch hợp tác khai thác thị trường khách Trung Quốc, nhưng nhận thấy cũng bị cản trở vì vấn đề visa. Thiên Nhân hoạt động chủ yếu ở Đà Lạt và Nha Trang, nhưng phải mở văn phòng tại Hà Nội để tiện giải quyết các thủ tục liên quan đến visa...
Về vấn đề an ninh, đại diện Công an Lâm Đồng, khẳng định: Đơn vị luôn nỗ lực trách nhiệm trong đảm bảo an ninh cho tất cả các chuyến bay kể cả nội địa và quốc tế, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách và các chuyến bay trong suốt thời gian qua. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, khi Cảng hàng không Liên Khương bắt đầu gia tăng các đường bay quốc tế dưới dạng thuê chuyến, Công an Lâm Đồng đã chủ động thực hiện nhiệm vụ đảm bảo hoạt động xuất nhập cảnh.
Tuy nhiên, thực tế tại sân bay Liên Khương là trang thiết bị chưa đồng bộ (chưa có máy soi để phát hiện ra giấy tờ giả, chỉ phát hiện bằng mắt thường); đường truyền tại sân bay chưa ổn định; sân bay Liên Khương chưa có khu vực cách ly đối với khách không đủ điều kiện nhập cảnh, không có nơi lưu giữ khách trước khi phải trở về nơi xuất phát. Ngoài ra, Cảng hàng không Liên khương chưa được công nhận là cảng hàng không quốc tế, nên không được trang bị hệ thống giải quyết visa điện tử (evisa), đã phải từ chối khách nhập cảnh bằng visa điện tử.
Ông Văn Bạch Anh Tuấn - Phó Giám đốc Cảng hàng không Liên Khương, giải đáp các thắc mắc của các doanh nghiệp và địa phương: Nguyên tắc chung phải tuân thủ các quy định của hàng không. Liên Khương là sân bay nội địa nhưng có các chuyến bay quốc tế. Do chưa được công nhận là cảng hàng không quốc tế, nên cơ sở vật chất và một số cơ chế chưa đáp ứng được nhu cầu như các đơn vị chỉ ra trong hoạt động xuất nhập cảnh, hải quan, y tế, lưu trữ khách... Ông Tuấn đề nghị, tỉnh đề xuất lên Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và Cục Hàng không xúc tiến công nhận Liên Khương là cảng hàng không quốc tế, thì các vấn đề này sẽ dần được giải quyết...
Theo baolamdong.vn