Đà Lạt sẽ là đô thị phát triển du lịch quốc gia, có đặc trưng về di sản

22/03/2023 1147 0
Theo Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung TP. Đà Lạt và vùng phụ cận đến 2045, TP. Đà Lạt là đô thị phát triển du lịch quốc gia và đô thị có đặc trưng về di sản.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung TP. Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045. Theo đó, phạm vi ranh giới lập quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính thành phố Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần huyện Lâm Hà (gồm thị trấn Nam Ban và các xã: Mê Linh, Đông Thanh, Gia Lâm, Nam Hà) với cao trình 850 m trở lên. Tổng diện tích tự nhiên khoảng 335.930 ha.

Còn phạm vi nghiên cứu là vùng bán kính ảnh hưởng của thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận, bao gồm thành phố Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà và Đam Rông, với cao trình 850 m trở lên.

Đồng thời, phạm vi nghiên cứu mở rộng, gồm vùng Thành phố Hồ Chí Minh, vùng duyên hải Nam Trung Bộ, vùng Tây Nguyên và vùng tỉnh Lâm Đồng. Thời hạn quy hoạch đến năm 2045.

Mục tiêu của Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045 nhằm cụ thể hoá những chiến lược, định hướng phát triển của Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng, Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa - không gian đô thị - kiến trúc cảnh quan trên địa bàn TP. Đà Lạt và vùng phụ cận; tạo điều kiện khả thi để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề trong phát triển đô thị hiện nay như dân số, nhà ở, hạ tầng, giao thông, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo quốc phòng - an ninh; kế thừa, tiếp tục triển khai thực hiện các định hướng cơ bản, các nội dung của Quy hoạch chung hiện hành vẫn còn phù hợp; khai thác hiệu quả điều kiện tự nhiên, hệ sinh thái đặc trưng của Đà Lạt để phát triển thành phố hiện đại, có bản sắc, tạo sức hấp dẫn của đô thị, từng bước nâng cao chất lượng đô thị.

Bên cạnh đó, Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045 cũng đặt ra mục tiêu phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; hướng tới sự đồng bộ giữa xây dựng mới và cải tạo, chỉnh trang đô thị; làm cơ sở để chính quyền địa phương và các tổ chức, đơn vị triển khai quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu vực, lập các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận theo quy định và là công cụ pháp lý để chính quyền các cấp quản lý, kiểm soát các hoạt động đầu tư xây dựng và sự phát triển của thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận theo quy hoạch được duyệt; bảo tồn và phát triển Đà Lạt thành đô thị đặc thù về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, lịch sử, cảnh quan tự nhiên; xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị phát triển du lịch - văn hóa - khoa học, xanh và hiện đại có đẳng cấp quốc tế; phát triển đô thị đồng thời phát triển theo hướng bền vững; đáp ứng yêu cầu phát triển mới của thành phố Đà Lạt phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng, vùng Tây Nguyên và của đất nước; trong đó, đón đầu những dự án sắp tới của Đà Lạt như đường cao tốc, hàng không… tỉnh Lâm Đồng đang triển khai.

Điều chỉnh lần này còn để đáp ứng hiện tại và tương lai của thành phố; nhằm giải quyết những vấn đề hạn chế và ách tắc về giao thông, không gian đô thị đang bị phá vỡ đặc biệt là vùng lõi của Đà Lạt.

Về tính chất đô thị, Đà Lạt sẽ là trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế - văn hóa, khoa học - kỹ thuật của tỉnh Lâm Đồng; trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa di sản tầm quốc gia, khu vực và quốc tế; trung tâm nghiên cứu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cấp quốc gia và quốc tế; trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục - đào tạo và chuyển giao công nghệ đa ngành cấp quốc gia; trung tâm bảo tồn rừng cảnh quan và đa dạng sinh học cấp quốc gia; trung tâm thương mại dịch vụ, hội chợ triển lãm; trung tâm văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao và giải trí cấp vùng và quốc gia; có vị trí quan trọng về quốc phòng và an ninh đối với khu vực Tây Nguyên và cả nước. Đặc biệt, TP. Đà Lạt là đô thị phát triển du lịch quốc gia và đô thị có đặc trưng về di sản.

Theo dự báo phát triển sơ bộ mà Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Đà Lạt và vùng phụ cận đến 2045 đặt ra, đến năm 2035, quy mô dân số đạt khoảng 1.100.000 - 1.150.000 người (trong đó dân số đô thị khoảng 850.000 - 900.000 người, dân số nông thôn khoảng 250.000 người); đến năm 2045 khoảng 1.900.000 - 1.950.000 người (trong đó dân số đô thị khoảng 1.500.000 - 1.550.000 người, dân số nông thôn khoảng 400.000 người).

Về quy mô đất xây dựng đô thị, dự báo đến năm 2035 khoảng 25.500 - 27.000 ha (trong đó đất dân dụng khoảng 6.800 - 7.200 ha); đến năm 2045 khoảng 45.000 - 46.500 ha (trong đó đất dân dụng khoảng 12.000 - 12.400 ha).

Triển khai thực hiện Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung TP. Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045, UBND tỉnh Lâm Đồng ngày 20/3 đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị liên quan lập dự toán chi phí tổ chức thực hiện, trình thẩm định phê duyệt theo quy định; đồng thời xây dựng kế hoạch, iến độ tổ chức thực hiện các bước tiếp theo theo quy định của pháp luật; báo cáo, đề xuất UBND tỉnh trước ngày 25/3.

Theo baodautu.vn

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu