Để nâng cao giá trị hoa Lâm Đồng

14/03/2023 1145 0
Hoa Đà Lạt nói riêng và hoa tỉnh Lâm Đồng nói chung những năm gần đây tiếp tục tăng diện tích, sản lượng với chủng loại đa dạng theo nhu cầu sử dụng của khách hàng. Tuy nhiên, với vùng đất cao nguyên ôn hòa thì hoa Lâm Đồng - Đà Lạt cần có thêm nhiều giải pháp để nâng cao hơn nữa giá trị tương xứng với tiềm năng và lợi thế so sánh của mình.

Ngành Hoa Lâm Đồng cần tiếp tục nhân rộng diện tích sản xuất các giống hoa mới đạt năng suất, chất lượng và giá trị cao trên địa bàn

• XUẤT KHẨU HOA MỚI ĐẠT KHOẢNG 10-11% TỔNG SẢN LƯỢNG

Thống kê từ năm 2015 đến nay, cây hoa các loại toàn tỉnh tăng diện tích từ gần 7.761,5 ha lên gần 9.740 ha, tương ứng với sản lượng từ hơn 2,4 tỷ cành tăng lên gần 3,9 tỷ cành. Kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, diện tích hoa cúc, lay ơn, hoa hồng chiếm tỷ lệ lần lượt 38,7%; 16,1% và 9,6%. Hoa hồng môn, lili, đồng tiền, cẩm chướng chiếm tỷ lệ từ 1,3% đến 7,7%. Các loại hoa khác chiếm tỷ lệ 21,5%. Những vùng sản xuất hoa chủ lực địa bàn TP Đà Lạt chiếm 62,3% diện tích và 64,5% sản lượng. Huyện Lạc Dương chiếm 20,9% diện tích và 22% sản lượng. Còn lại 16,7% diện tích và 13,5% sản lượng hoa TP Bảo Lộc và các huyện Cát Tiên, Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà, Đơn Dương, Đức Trọng. 

“Sản phẩm hoa được xác định là một trong những ngành hàng chủ lực, tỉnh Lâm Đồng hàng năm xây dựng mô hình điểm công nghệ sản xuất giống mới của các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản..., công nghệ nhà kính hiện đại của Isarel, Pháp, Hà Lan; công nghệ IoT cảm biến nhiệt độ, độ ẩm, dinh dưỡng, ánh sáng của các nước châu Âu, Nhật Bản…”, ông Nguyễn Hà Lộc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết.

Cụ thể, toàn tỉnh đã quy hoạch 3 vùng sản xuất hoa công nghệ cao hơn 388 ha tại TP Đà Lạt và huyện Đức Trọng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã công nhận 3 doanh nghiệp sản xuất hoa công nghệ cao 201 ha. Hiện, toàn tỉnh đáp ứng các tiêu chí nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với 3.035 ha hoa. Trong đó, công nghệ nhà kính 2.435,5 ha (50 ha nhà kính nhập khẩu trên 20 tỷ đồng/ha) và 288,6 ha nhà lưới; ứng dụng hệ thống tưới phun tự động, tưới nhỏ giọt kết hợp châm phân 2.901 ha. 

Tính đến nay, có 305 tổ chức, cá nhân được cấp chứng nhận sử dụng nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” với diện tích 181,5 ha hoa. Ngoài ra, còn xây dựng 7 chuỗi hoa với 376 hộ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ hơn 218 ha. 

Thị trường tiêu thụ hoa của Lâm Đồng chiếm hơn 89% tại các tỉnh, thành lớn trong nước như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ... Còn lại tỷ lệ 10-11% sản lượng xuất khẩu sang Nhật Bản, Úc, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Bỉ, Thái Lan, Hà Lan, Philippines, Singapore, Pakistan, Nga, Campuchia… Tỷ lệ hoa xuất khẩu gồm: Cây giống 61,7%; cúc 24,9%, cẩm chướng 4%, hồng 2,4%, cát tường 1,2%... 

Với tỷ lệ xuất khẩu mới chỉ đạt khoảng 10-11% tổng sản lượng nêu trên cho thấy, ngành Hoa Lâm Đồng chưa có một hệ thống quản lý, phân phối, logistics hiện đại, đồng bộ để hình thành nên chuỗi cung ứng hiệu quả; phương thức bán ký gửi vẫn còn phổ biến; đa phần sản phẩm chưa đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt về số lượng và chất lượng của thị trường quốc tế và các quy định liên quan.

Hiện nay, ngành Hoa Lâm Đồng vẫn chưa chủ động nguồn giống sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng và hình thức cho thị trường xuất khẩu. Trong khi đó cơ sở vật chất và trình độ canh tác của nông dân không đồng đều, không điều phối hợp lý giữa cung - cầu, làm giá cả sản phẩm hoa không ổn định. Nhiều doanh nghiệp sản xuất hoa còn thiếu chuyên gia tư vấn kỹ thuật, thiếu hiểu biết về thị trường quốc tế, chưa có kinh nghiệm trong quản lý, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, chiến lược quảng bá thương hiệu, tiếp thị sản phẩm còn hạn chế. Đặc biệt, đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ với nền tảng cơ sở hạ tầng còn thấp để thiết lập hệ thống tự động hóa kết nối với internet; thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao để vận hành công nghệ thông minh trong sản xuất, sơ chế, chế biến, vận chuyển cung ứng sản phẩm hoa đảm bảo chất lượng, số lượng, thời gian cho đối tác hợp đồng trong và ngoài nước.

• TẠO ĐIỀU KIỆN DOANH NGHIỆP LAI TẠO, NHẬP KHẨU GIỐNG HOA MỚI

Để nâng cao hơn nữa giá trị hoa thương phẩm Lâm Đồng trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng Nguyễn Hà Lộc nhấn mạnh, các nhóm giải pháp tiếp tục hỗ trợ các cơ quan, doanh nghiệp đào tạo nguồn lực chuyển giao quy trình sản xuất, bảo quản hoa sau thu hoạch, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng trên địa bàn. 

Đồng thời hỗ trợ về trang thiết bị thực hành, thực tập phục vụ nhu cầu học tập và nghiên cứu chuyên sâu kỹ thuật trồng, chăm sóc, công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch hoa để chuyển giao, nhân rộng mô hình.

Đặc biệt, tạo điều kiện doanh nghiệp lai tạo, sản xuất, nhập khẩu các giống hoa cắt cành có năng suất, chất lượng cao kết hợp với chuyển giao quy trình kiểm soát dịch hại trong trồng trọt bằng các chế phẩm sinh học, thân thiện với môi trường…

Theo baolamdong.vn

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu