Du lịch canh nông hấp dẫn du khách

27/04/2018 4802 0

Với công nghệ hiện đại và sản phẩm mang tính đặc thù, hoạt động sản xuất nông nghiệp tại Lâm Đồng đang cung cấp cho ngành du lịch địa phương sản phẩm mới nhiều triển vọng, đó là du lịch canh nông.

Vài năm trở lại đây, nhiều nhà vườn và trang trại tại Lâm Đồng đã trở thành điểm đến yêu thích của du khách. Nếu khu vườn của gia đình ông Lê Hữu Phan trên đường Hồ Xuân Hương, phường 9, TP Đà Lạt hút khách bởi những loại củ, quả độc đáo như bí ngô khổng lồ, cà chua đen, củ cải đỏ, su hào tím... thì khu trải nghiệm của Công ty NTHH trang trại Langbiang (Langbiang Farm) tại Phường 7, TP Đà Lạt lại hấp dẫn khách bởi mô hình “Đà Lạt thu nhỏ”. Tại đây, khách có thể vừa uống cà phê, mua sắm đặc sản Đà Lạt, vừa tham quan các mô hình trồng rau, hoa công nghệ cao tại chỗ. Những vạt dâu tây, cà chua, rau, hoa ở đây được trồng bằng các công nghệ hiện đại nhất như khí canh, thủy canh, auto box…cho năng suất, chất lượng cao cùng mẫu mã vô cùng đẹp mắt. Chị Nguyễn Thị Hoa, du khách đến từ TP Hồ Chí Minh cho biết: “Khi tới thăm Langbiang Farm, chúng tôi rất bất ngờ bởi ngoài tham quan, mua sắm những sản phẩm rau, hoa độc đáo, mới lạ chúng tôi còn tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất và được hướng dẫn kĩ thuật trồng và chăm sóc rau, hoa công nghệ cao. Đó là điều rất lí thú, bổ ích”.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh khẳng định, du lịch canh nông đang là sản phẩm du lịch đầy triển vọng, trong những nhân tố góp phần kích cầu cho ngành du lịch địa phương. Năm 2017, lượng du khách đến với Lâm Đồng-Đà Lạt tăng 7,8% so với năm 2016, ước đạt 6 triệu lượt. Thành tích này có được chính là nhờ ngành du lịch địa phương không ngừng nỗ lực đổi mới, đa dạng hóa sản phẩm, trong đó có đầu tư, phát triển du lịch canh nông.

Theo ông Trần Duy Thắng, Giám đốc công ty Thiên Nhân Travel, đơn vị chuyên về du lịch lữ hành có trụ sở tại số 42 đường Quang Trung, TP Đà Lạt, du lịch canh nông tại Đà Lạt-Lâm Đồng hấp dẫn bởi các mô hình đều ứng dụng công nghệ hiện đại. Sản phẩm đặc thù, mới lạ. Các khâu chăm sóc được thực hiện bằng công nghệ tự động, điều khiển bằng máy tính. Sản phẩm cho năng suất cao, mẫu mã đẹp và an toàn đối với sức khỏe con người. Trong bối cảnh thực phẩm "bẩn” xuất hiện nhiều thì các mô hình sản xuất theo công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường có sức hấp dẫn lớn đối với du khách.

Theo thống kê, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có hơn 50.000ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó riêng TP Đà Lạt có gần 5000ha rau, hoa và diện tích nhà kính đạt hơn 1.500ha. Đà Lạt hiện có 3 làng hoa đã được công nhận làng nghề truyền thống, gồm: Vạn Thành, Hà Đông, Thái Phiên; có nhiều công ty sản xuất rau, hoa quy mô lớn, công nghệ hiện đại như: Công ty Hasfarm, Langbiang Farm, Công ty Cổ phần công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt, Hợp tác xã Anh Đào cùng hằng trăm doang nghiệp, nhà vườn… Đây chính là nguồn lực to lớn để phát triển mô hình du lịch canh nông. Đặc biệt, Đề án số 2644/QĐ-UBND về "Thí điểm xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh" với 2 mô hình: Khu phố Hồ Xuân Hương và Khu du lịch nông nghiệp công nghệ cao Trại Mát được coi là cú hích trực tiếp đầu tiên đối với loại hình du lịch này. Đề án giao trách nhiệm cho các ngành chức năng địa phương đề xuất cơ chế, chính sách để phát triển mô hình, xây dựng bộ tiêu chí về mô hình du lịch nông nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ đầu tư hạ tầng, quảng bá sản phẩm, cung cấp nguồn tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp và cá nhân tham gia. Đây chính là cơ hội để du lịch canh nông của địa phương ngày càng trở nên chuyên nghiệp, hấp dẫn.

Nguồn: Dalatinfo

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu