Bước vào khuôn viên Miền Ký Ức, du khách phải di chuyển trên những con dốc nhỏ, mang dáng dấp “rất Đà Lạt”, đi qua mấy tầng hồ cá koi và nhiều góc nhỏ xinh dưới những giàn hoa hay bên tán hồng cổ thụ và lý tưởng nhất là chụp những tấm ảnh check-in trước khi chọn được view thưởng thức cà phê sạch và nguyên chất hay những thức uống chọn lọc khác, rồi thong thả làm việc hay tung những tấm ảnh “sống ảo” vừa chụp lên.
Khi đã thoả mãn với màn sáng tác kiểu “ở đâu còn lâu mới nói”... du khách sẽ sớm tò mò khi nhìn thấy bên ngoài một căn phòng treo đầy những món đồ mây tre trông thì cũ kỹ, nhưng lạ mắt. Đó là Phòng Trưng bày văn hoá di sản sẽ “hớp hồn” du khách với hàng ngàn món đồ cổ có niên đại, hoặc đồ xưa cũ có niên đại từ thế kỷ 8 - thế kỷ 20, thậm chí có những công cụ bằng đá có cách đây hơn 2.000 năm...
Ông Nguyễn Quốc Dũng - chủ nhân không gian cà phê Miền Ký Ức, cho biết: “Nói chung đây là bộ sưu tập gần như liên hoàn về cuộc sống của các dân tộc ở Tây Nguyên qua nhiều thời kỳ. Đối với nhiều người có thể là đồ cũ kỹ, rẻ tiền và mau hỏng. Nhưng chúng càng cũ kỹ càng khiến chúng tôi mong muốn sưu tầm và gìn giữ; bởi chúng là những món đồ mang tính chất mau hỏng do môi trường, côn trùng và tính thất truyền của nghề đan lát thủ công... nhưng chúng lại mang một giá trị liên thành cho văn hoá và bảo tồn không gì đo đếm được”.
Miền Ký Ức là nơi du khách đến thư giãn, thưởng thức cà phê, ngắm cảnh, lắng lòng với di sản về một thời xa xưa của chính mình, hay cha mẹ, ông bà mình; đặc biệt, là những món “Giáo cụ trực quan” cho những ai có mục đích nghiên cứu, tìm hiểu và giao lưu văn hoá gồm các hạng mục: đá, gốm, sứ, đồng, sắt, vàng, bạc, thủy tinh núi lửa, hổ phách, ngọc trai, ngà - sừng, nhựa, song mây tre, thổ cẩm...
Theo chủ nhân, đây là những món đồ được ông sưu tập liên tục hơn 20 năm nay; và đã được ra mắt lần đầu tiên vào Festival Hoa Đà Lạt năm 2013, là không gian trưng bày cổ vật nhỏ tại Ga Đà Lạt. Ông Dũng cũng không giải thích được vì sao lại theo món “đồ cổ” lâu đến vậy, nhưng là du khách thì ai cũng có thể hiểu vì yêu cái đẹp, yêu “hồn xưa nét cũ” và nói vui thì “chắc là cái nghiệp đam mê đồ cổ”...
Theo baolamdong.vn