Du lịch Camping: Cần tăng cường công tác quản lý, đảm bảo điều kiện đón khách

11/07/2022 1862 0
Loại hình du lịch camping (cắm trại) đã và đang là xu thế mới, nếu được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp thì đây sẽ là hướng phát triển đầy triển vọng, góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có về thiên nhiên, kỳ quan của xứ Thanh. Tuy nhiên, loại hình du lịch 'hot' này hiện nay chủ yếu mang tính tự phát, chưa được cấp phép. Từ đó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, khó khăn trong công tác quản lý khách lưu trú.

Núi Các (thị xã Nghi Sơn) - một địa điểm tuyệt vời để tổ chức hoạt động camping.

Khác với cảm giác khi ở những khu nghỉ dưỡng sang trọng, tiện nghi, du lịch cắm trại mang đến cho du khách những trải nghiệm mới mẻ, độc đáo khi được tự do hòa mình, cảm nhận thiên nhiên trong một không gian rộng lớn, để nạp vào cơ thể nguồn năng lượng trong lành, tươi mát của đất trời. Gắn liền với hình thức du lịch này thường là những hoạt động như: dựng trại, đốt lửa trại, đi bộ, leo núi, tắm biển, câu cá, nấu ăn, tổ chức tiệc nướng, các hoạt động vui chơi, giải trí... Song, thực tế đằng sau những chuyến dã ngoại, những bữa tiệc tràn đầy niềm vui, nếu không cẩn trọng trong quá trình lưu trú, bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy nổ... sẽ dẫn đến những hệ lụy và hậu quả đáng tiếc.

Khi loại hình du lịch camping bắt đầu rộ lên ở các tỉnh, thành và xuất hiện ở Thanh Hóa, anh Trịnh Bảo Thanh (TP Thanh Hóa) đã thành lập một nhóm chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê vật dụng trang trí lều trại và thiết kế, dựng trại cho du khách. Bằng sự năng động, sáng tạo của những người trẻ cùng kinh nghiệm du lịch nhiều năm, Camping 3D đã dần thu hút nhiều khách trong và ngoài tỉnh. Các địa điểm cắm trại mà Camping 3D chọn có lúc là bên bờ biển, trên rừng thông, bên bờ suối; có lúc lại dừng chân ở một ngọn đồi nhỏ có cảnh sắc đẹp, gần nguồn nước và không gian đủ rộng, phù hợp cho các bạn trẻ vui chơi, khám phá.

Anh Trịnh Bảo Thanh, trưởng nhóm Camping 3D (TP Thanh Hóa) cho rằng: Đa số những người yêu thích thiên nhiên, thích cắm trại đều có ý thức bảo vệ môi trường. Họ còn tổ chức thu dọn rác, hướng dẫn trẻ em tham gia. Tuy nhiên, cũng có một số người hoặc trẻ nhỏ quên thu lượm rác hoặc bẻ cành cây... Chính vì vậy, trước khi trải nghiệm dịch vụ, bên mình đều thông báo đến du khách về những quy định như: không sử dụng loa kéo, bỏ rác đúng nơi quy định, không gây tiếng ồn... để giữ an ninh trật tự và bảo vệ môi trường sinh thái.

Cũng theo anh Trịnh Bảo Thanh, để bảo đảm an toàn cháy nổ và giữ vệ sinh môi trường ở những địa điểm cắm trại, nhóm Camping 3D cũng chú trọng đầu tư các vật dụng, thiết bị ít ảnh hưởng đến môi trường nhất có thể. Chúng tôi cung cấp cho khách một bếp chuyên dụng, vừa dễ sử dụng, vừa tránh vương vãi ra môi trường. Đồng thời, cũng nhắc nhở khách phải chú ý giữ vệ sinh môi trường và hạn chế tối đa việc làm ảnh hưởng tới hệ sinh thái và thiên nhiên xung quanh. Sau khi khách kết thúc chuyến trải nghiệm, chúng tôi đều dọn sạch sẽ khu vực lều trại, không để lại bất cứ rác thải gì.

Tại Thanh Hóa, loại hình du lịch này mới được “nhen nhóm” trong thời gian gần đây, song tại một số địa phương như Đà Lạt, Đà Nẵng... loại hình này đã phát triển vài năm về trước. Và tình trạng một số nhóm khách du lịch ý thức kém, tổ chức cắm trại tự phát khiến thành phố du lịch Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) lãnh hậu quả “khách đi, rác ở lại với Đà Lạt”. Mặc dù tỉnh Lâm Đồng đã quy hoạch cụ thể một số khu, điểm du lịch cắm trại, có sự quản lý của ban quản lý và chính quyền địa phương, song một số nhóm du khách, công ty lữ hành vẫn cố tình dựng lều bạt để cắm trại dã ngoại (thậm chí cắm trại qua đêm) ở một số địa điểm không cho phép. Điều này đã gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; gây khó khăn trong công tác quản lý khách lưu trú ở địa phương.

Trước thực trạng này, Sở VH,TT&DL tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, xử phạt, tuyệt đối nghiêm cấm đối với những trường hợp tự ý tổ chức hoạt động cắm trại dã ngoại tại những khu vực công cộng (không thuộc quản lý của các khu, điểm du lịch) theo quy định. Đối với các tổ chức, cá nhân, nếu muốn kinh doanh loại hình du lịch cắm trại dã ngoại này, đề nghị các địa phương hướng dẫn thực hiện thủ tục hồ sơ để kiểm tra đủ điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với bãi cắm trại theo quy định.

Có thể nói, camping đang trở thành xu hướng du lịch thu hút không riêng gì giới trẻ mà còn thu hút sự quan tâm của đa dạng các tầng lớp khách hàng. Tại Thanh Hóa, xu hướng này bắt đầu manh nha từ đầu năm 2022, hiện chưa có bất cứ khu cắm trại riêng biệt nào được cấp phép, chủ yếu mang tính tự phát. Trong khi đó, đặc thù địa điểm tổ chức của loại hình du lịch này thường gần sông, suối, rừng, biển, nơi có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ... những nơi mà môi trường tự nhiên rất dễ bị “tổn thương”, hoặc rất dễ dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc nếu không có sự quản lý chặt chẽ. Điều này đòi hỏi ở mỗi du khách, mỗi đơn vị cung cấp dịch vụ ý thức hơn nữa về du lịch có trách nhiệm, đặc biệt là sự vào cuộc của các cấp, ngành, chính quyền địa phương trong công tác quản lý.

Bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Thanh Hóa cho biết: Nhằm bảo đảm công tác đón và phục vụ khách du lịch nói chung, quản lý hoạt động camping nói riêng, sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo về tăng cường công tác quản lý đối với các khu vui chơi, giải trí có các trò chơi mạo hiểm trên địa bàn tỉnh. Đồng thời chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác hướng dẫn, quản lý, kiểm tra các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh đảm bảo các điều kiện theo Luật Du lịch như: có đăng ký kinh doanh; đáp ứng an ninh trật tự, an toàn phòng cháy chữa cháy; bảo vệ môi trường; an toàn thực phẩm... đáp ứng các điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách.

Theo baomoi.com

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu