NGÀY HỘI VĂN HÓA - THỂ THAO VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TỈNH LÂM ĐỒNG LẦN THỨ V - Khơi mạch nguồn văn hóa tuôn chảy đến muôn sau

01/04/2022 1310 0
Đơn Dương những ngày cuối tháng Ba, hơn 300 nghệ nhân Mạ, K’Ho, Churu từ 12 huyện, thành trong toàn tỉnh tụ hội về đây trong Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ V. Cái nắng mùa khô được xoa dịu bởi không gian lễ hội hòa trong thiên nhiên xanh mát nằm trên đồi cao của vạt rừng ở thôn Sao Mai, xã Ka Đơn. Nhìn xuống xung quanh đồng rộng mênh mông không gian sinh tồn của người Churu.

Hội thi diễn tấu cồng chiêng là hoạt động tạo dấu ấn của ngày hội.

Đám rước vật thiêng của người Churu mở đầu đêm hội.

• ÂM VANG CAO NGUYÊN

Với chủ đề “Âm vang cao nguyên” trong tiếng cồng chiêng ngân vang, đêm khai mạc như một bản hòa tấu đại ngàn. Đám rước vật thiêng với những cây nêu được tạo tác công phu từ cây rừng, tre nứa, họa văn, họa tiết được đẽo gọt công phu gửi gắm ước vọng của con người đến thế giới thần linh. Đi cùng cây nêu là kiến trúc nhà sàn mô phỏng - nơi sinh sống bao đời của đồng bào các dân tộc và những biểu tượng tô tem, những vật dụng gắn bó với đời sống vật chất, tinh thần như đầu trâu, tù và, cồng chiêng, trống, khèn bầu… đều hiện diện dưới sự nâng niu, trân trọng. Màn đại hòa tấu cồng chiêng của hơn 300 nghệ nhân ngân lên muôn điệu. Vũ điệu xoang hòa quện, cùng tay trong tay, bước chân trần bước nhịp nhàng. Tiếng cồng chiêng như tiếng gió hú, tiếng suối chảy, len vào lá cây, ngọn núi, con sông, sâu lắng, trữ tình. Tiếng chiêng như vọng lên trời, ngấm vào đất, ăn sâu vào từng huyết mạch của những con người được sinh ra, tắm gội trong không gian văn hóa thấm đẫm chất men say.

Cồng chiêng là tiếng nói kết nối con người với thần linh, trong không gian ấy, các nghệ nhân Churu đến từ xã Lạc Xuân - Đơn Dương đã tái hiện lễ hội Bơmung - cúng thần đập nước của người Churu. Với đồng bào các dân tộc Nam Tây Nguyên, lễ hội là dịp sinh hoạt cộng đồng, phô diễn mọi nét đẹp văn hóa. Lễ cúng thần Bơmung là một trong những lễ hội cổ truyền của người Chu ru ở Đơn Dương. Nghệ nhân ưu tú Ma BiO cho biết: Người Chu Ru là dân tộc đã định canh định cư và làm ruộng từ lâu đời nên thường làm những đập, mương để dẫn nước từ sông, suối vào ruộng. Trong phong tục tập quán của người Churu có nhiều nghi lễ nông nghiệp như: cúng thần mương nước, cúng thần lúa khi gieo hạt, cúng ăn mừng lúa mới, cúng sau mùa gặt... trong các lễ nghi cổ truyền đó, đáng chú ý nhất là lễ cúng thần đập nước (Bok Bơmung) có công giữ nước để con nước luôn ăm ắp đầy, tưới cho cây lúa lên xanh. Lễ hội cúng thần Bơmung ở nơi này diễn ra trong 3 ngày, bắt đầu từ sáng sớm tinh mơ, đồng bào đã tụ tập đông đảo tỏ lòng thành kính. Sau 3 hồi tù và báo lễ hội, già làng thành kính xin thần linh cho buôn làng tổ chức lễ hội, già làng cất tiếng gọi: “Ơi Yàng… Hỡi dân làng, sau một năm vất vả với ruộng nương, hôm nay lúa đã về đầy kho, rượu cần đã đến ngày thấm men, chúng ta cùng tụ hội về đây để tạ ơn Yàng Bơmung đã cho buôn làng một năm mưa thuận gió hòa, con nước ăm ắp đầy, tưới cho cái ruộng tốt tươi, cho lúa nặng hạt, cho nhà nhà no đủ, cho đàn heo nhiều như con kiến đen, đàn trâu nhiều như con ốc dưới suối. Hỡi dân làng, ơi Yàng, chúng ta cùng về đây mở hội”. Già làng xin Yàng cho hạ dàn chiêng: “Ơi Yàng… Hỡi thần chiêng linh thiêng đang ngụ trong chiêng to, chiêng nhỏ, chiêng mẹ, chiêng con. Buôn làng có cái ăn, cái để, biết nói, biết nghe, biết làm theo điều phải là nhờ thần chiêng, xin mời thần về dự hội Bok Bơmung cùng buôn làng, có gà, có dê tế lễ, có rượu cần ngon để cúng Yàng. Xin cho hạ dàn chiêng xuống và đánh lên vang dậy núi rừng, rộn rã lòng người, tưng bừng lễ hội”. Sau khi làm lễ hiến sinh là một con gà trống, già làng lấy máu con vật bôi lên cây nêu, mặt chiêng, các vật dụng và trán các thành viên tham dự cầu mong sự may mắn, sức khỏe cho mọi người, đoàn kết thương yêu lẫn nhau, mùa màng tươi tốt, cuộc sống no đủ. Trong bập bùng ánh lửa, chuếnh choáng men rượu cần và tiếng cồng chiêng trầm hùng đan cài vào tiếng khèn bầu, tiếng trống cùng vũ điệu arya của các chàng trai, cô gái.

Ngày hội đã phô diễn hết vẻ đẹp văn hóa đặc sắc của các dân tộc anh em. Hội thi ẩm thực dân gian với 12 mâm cỗ thịnh soạn. Không phải sơn hào hải vị, tất cả  được chế biến từ những sản vật từ núi rừng do thiên nhiên ban tặng gắn bó đời sống ăn rừng, nuôi lớn bao thế hệ. Đó là những món ăn dân dã như rau dớn rừng nấu tép suối, cá khô, thịt trâu gác bếp, gỏi cá trê bắp chuối rừng, đọt mây chấm muối ớt, cơm nướng ống tre, da trâu cà đắng, chả lá lốt thịt trâu nướng, thịt gà, cá, thịt heo nướng trui trên bếp lửa… Tất cả những vị thơm, bùi, đắng, cay, chua, ngọt hòa quện cùng vị ám khói mà nuôi mỗi người lớn lên khiến không thể quên khi xa buôn làng.  

Hội thi các trò chơi dân gian nâng cao sức khỏe tầm vóc, để những chàng trai gân cơ săn chắc như hươu, nai trong rừng, khéo léo như con sóc trên cây, nhanh nhẹn như con cá dưới nước. Nếu kéo co, đẩy gậy thể hiện sức nhanh, sức mạnh, sự dũng mãnh của các chàng trai trong chinh phục thiên nhiên. Thì của các mẹ, các chị lại phô diễn vẻ đẹp, sự đảm đang trong lao động sản xuất, chăm sóc bữa cơm gia đình trong trò chơi giã gạo. Các cuộc thi đã tạo nên sự đua tài sôi nổi của các nghệ nhân tạo thêm không khí vui tươi cho ngày hội. 

Hội thi diễn tấu cồng chiêng là điểm nhấn để lại dấu ấn mạnh mẽ. 12 đoàn nghệ nhân đã mang đến 12 bài chiêng với những phong cách diễn tấu khác nhau, đi cùng những vũ điệu xoang khác nhau. Mỗi bài chiêng là một câu chuyện kể về tích xưa chuyện cũ, vẽ lên bức tranh đẹp đẽ của cộng đồng các dân tộc bản địa lao động, sản xuất, sinh hoạt cộng đồng được che chở bởi đại ngàn. Đoàn nghệ nhân nữ Lâm Hà diễn tấu cồng chiêng mời khách với phong thái yểu điệu, mềm mại, các chị là những người phụ nữ K’Ho đầu tiên học đánh chiêng. Nghệ nhân Ka Phen kể, ngày xưa người K’Ho ở buôn Bồ Liêng (Đinh Văn) chỉ con trai mới được truyền dạy cồng chiêng. Tục “bắt chồng” làm cho những người đàn ông biết đánh chiêng rồi lấy vợ đi làng khác, tiếng chiêng thưa vắng dần. Để Bồ Liêng luôn vang tiếng chiêng, già làng K’Bát đã truyền dạy cách thức diễn tấu cho con gái, cháu gái mình và những chị em phụ nữ trong buôn. Đoàn nghệ nhân Cát Tiên kể một câu chuyện về bộ chiêng 6 của người Mạ, như một gia đình, phải có đủ cha mẹ, các con mới tấu lên thành giai điệu. Ấn tượng nhất là đội cồng chiêng Bảo Lộc với những chàng trai, cô gái trẻ và kỹ thuật diễn tấu cuốn hút, xứng đáng là chủ thể văn hóa, chủ nhân kế tục nắm di sản không gian văn hóa cồng chiêng.

Rước cây nêu.

Những đôi chân trần hòa nhịp cồng chiêng.

• KHƠI MẠCH NGUỒN VĂN HÓA KHÔNG NGỪNG TUÔN CHẢY

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 14/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “Văn hoá là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc của Dân tộc; Văn hoá còn thì Dân tộc còn”, hơn 75 năm qua chúng ta đã làm tốt việc kế thừa, bảo tồn và phát triển “các giá trị văn hoá truyền thống và di sản văn hoá của dân tộc”; và khẳng định cần tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc, các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc; để văn hóa thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển", và "soi đường cho quốc dân đi"; “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…”. 

Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ V là ngày hội lớn mà các dân tộc anh em cùng tụ hội và tôn vinh di sản văn hóa cồng chiêng của đồng bào K’Ho, Churu, Mạ - một bộ phận không thể thiếu của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO ghi nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”; đồng thời, tiếp tục duy trì, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc của địa phương. Hơn 300 nghệ nhân dân gian mang đến nhiều tiết mục biểu diễn chọn lọc, đặc sắc, đậm đà bản sắc dân tộc. Ngày hội là minh chứng sống động nhất cho cái hay, cái đẹp cho những giá trị văn hóa đặc sắc của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Trên vùng đất Đơn Dương hôm nay; âm vang cồng chiêng - Âm vang cao nguyên chính là sự nối kết giữa truyền thống và hiện đại, giữa quá khứ và tương lai. Ngọn lửa được đốt lên, rượu cần khai ché, những vòng xoang và âm điệu cồng chiêng nối dài mãi nắm chặt tay trong tình đoàn kết các dân tộc anh em.   

Bản đại hòa tấu cồng chiêng sẽ mãi ngân vang, văn hóa cồng chiêng vẫn đang được các thế hệ người K’Ho, người Churu, người Mạ và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên ở Lâm Đồng lưu giữ, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Điều khiến không ít người băn khoăn là trong các buôn làng hiện nay, số lượng người biết đánh cồng chiêng không nhiều như trước, tuổi tác phần lớn đã cao và quan trọng hơn cả là những dịp để diễn tấu cồng chiêng ngày càng ít đi. Thế hệ tương lai, con cháu đang lớn lên giữa một cuộc sống hiện đại hơn, đầy đủ hơn cả về cái ăn, cái mặc và những phương tiện hiện đại, cả về vật chất lẫn tinh thần. Sự thay đổi đó là điều đáng mừng và là tất yếu của sự phát triển. Nhưng điều làm nên sự khác biệt và đáng tự hào của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên lại không chỉ có những của cải, vật chất; quan trọng hơn cả là bản sắc văn hóa, là di sản không gian văn hóa cồng chiêng. Đó chính là “những tài sản vô cùng quý báu do Tổ tiên, Cha ông ta mấy nghìn năm để lại, chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

Giữa bộn bề công việc, dịch COVID- 19 chưa kết thúc, thật đáng quý tinh thần, trách nhiệm và tình yêu lớn lao của các nghệ nhân đối với tinh hoa văn hóa cồng chiêng, văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Họ tự thân, tự nhân lên ý thức góp phần tích cực bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống các dân tộc Lâm Đồng. Đến chung vui với các nghệ nhân trong ngày hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Trí Dũng mong muốn các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục quan tâm đầu tư hơn nữa cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh, đặc biệt là đội ngũ nghệ nhân dân gian tiếp tục kế thừa, trao truyền di sản văn hóa quý báu của cha ông để lại; không chỉ trong Ngày hội này mà trong cuộc sống thường nhật ta, các giá trị văn hóa ấy vẫn tiếp tục được gìn giữ, phát huy gắn với khai thác phát triển du lịch, dịch vụ; để không gian văn hóa cồng chiêng thực sự là một cầu nối văn hóa, trở thành một điểm nhấn gắn liền với niềm tự hào của mỗi người dân vùng đất Nam Tây Nguyên, để di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên không ngừng tuôn chảy.

Kết thúc Ngày hội, Ban Tổ chức đã trao 54 giải thưởng cho các đoàn nghệ nhân ở các nội dung thi: 4 môn thể thao, trò chơi dân gian (kéo co, đẩy gậy, nhảy bao bố, giã gạo); hội thi đám rước vật thiêng, trang trí không gian lễ hội, ẩm thực, diễn tấu cồng chiêng.

Theo baolamdong.vn

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu