“Thành phố thông minh” sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ số trong nhiều lĩnh vực. Ảnh: Nguyễn Hiếu
Khi đại dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện vào cuối năm 2019 và diễn biến phức tạp trong suốt hai năm vừa qua đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, vào tháng 4/2021, đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 và diễn biến phức tạp cùng với chính sách giãn cách xã hội được thực hiện trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong cả nước đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch, gây nên những tổn thất nặng nề về kinh tế, xã hội và đời sống dân sinh. Thành phố du lịch Đà Lạt cũng bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là du lịch dịch vụ. Trong năm 2021, lượng khách du lịch đến Đà Lạt giảm mạnh, chỉ đạt 1.970 ngàn lượt khách, giảm 44% so cùng kỳ năm 2020, lượng khách quốc tế đạt 17 ngàn lượt, chưa bằng 1/10 kết quả của giai đoạn 2016-2019.
Tuy nhiên, du lịch thành phố trong giai đoạn trước năm 2020 đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường và giữ vững an ninh quốc phòng. Trong 2 năm 2020 - 2021, mặc dù có nhiều biến động bởi dịch bệnh COVID-19, hệ thống chính trị của thành phố Đà Lạt, từ chính quyền đến người dân và doanh nghiệp đã nỗ lực cố gắng, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, đổi mới phương thức tổ chức thực hiện; đặc biệt là nghiêm túc, quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh, kinh tế xã hội của thành phố Đà Lạt tiếp tục phát triển ổn định.
Năm 2022 có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì là năm của sự phục hồi và phát triển kinh tế; nhưng, cũng là năm dự báo nhiều khó khăn, thách thức đối với thành phố Đà Lạt vì phải gánh trách nhiệm làm tiền đề thực hiện nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Lạt lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong đó, có một nhiệm vụ được thành phố quan tâm, ưu tiên hàng đầu, là phải ngày càng củng cố, phát huy giá trị thành tựu về “Thành phố thông minh” và “Thành phố du lịch sạch ASEAN”; tiến tới mở rộng, triển khai các hạng mục trên các lĩnh vực Thành phố an toàn, Nông nghiệp thông minh, Giao thông thông minh và Môi trường thông minh.
Xác định sự gia tăng số lượng khách du lịch, gia tăng dân số đã, đang và còn gây sức ép lên tài nguyên thiên nhiên và môi trường, thành phố Đà Lạt luôn quan tâm, phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, trên cơ sở xây dựng các chính sách bảo vệ môi trường dài hạn. Năm 2021, tỷ lệ số hộ dân Đà Lạt sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh 100%, tỷ lệ che phủ rừng đạt 51,5%, tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đạt 99%, xử lý rác thải y tế và rác thải nông nghiệp sau thu hoạch đạt 100%; thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đạt 85%.
Mùa xuân trên “Thành phố du lịch sạch ASEAN”
UBND thành phố Đà Lạt không ngừng tăng cường quản lý Nhà nước trong khai thác, sử dụng tài nguyên đất, nước, rừng, giám sát về môi trường, biến đổi khí hậu, dự báo, cảnh báo thiên tai; triển khai các giải pháp quản lý diện tích nhà lưới, nhà kính trong sản xuất nông nghiệp để giảm thiểu tác động đến môi trường, hoàn thiện các tiêu chí ứng cử “Dự án Mô hình thành phố carbon thấp của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APEC)”; tuyên truyền vận động, thu gom, nâng cao hiệu quả xử lý rác thải đô thị, phế thải sản xuất nông nghiệp; quản lý, kiểm soát và xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.
Đồng thời, các cấp chính quyền tuyên truyền, kêu gọi Nhân dân về ý thức bảo vệ môi trường và phân loại rác từ nguồn phát sinh; huy động nguồn lực, chủ động xây dựng các giải pháp ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu đối với các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp…; vận động người dân, doanh nghiệp tổ chức trồng, chăm sóc cây xanh, cây phân tán trên địa bàn, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu trồng 3,8 triệu cây xanh đến năm 2025; bảo vệ rừng cảnh quan, nâng cao diện tích và độ che phủ rừng, giữ vững hình ảnh đặc trưng “Thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”.
Ngày 12/11/2021, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết phát triển thành phố Đà Lạt giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 với quan điểm đề ra “Phát triển thành phố Đà Lạt nhanh và bền vững, chủ động, linh hoạt thích ứng với trạng thái bình thường mới dưới tác động của các yếu tố môi trường và dịch bệnh”. Trước mắt, thành phố sẽ phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các ngành chuyên môn, đơn vị liên quan triển khai kịp thời các chính sách, biện pháp kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành địa phương; tăng cường quản lý Nhà nước đảm bảo an toàn cho khách du lịch; tăng cường hoạt động truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch; chỉnh trang đô thị xanh - sạch - đẹp; hỗ trợ bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực; tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch phù hợp trên địa bàn thu hút khách; tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành Du lịch…
Tất cả những nỗ lực trên nhằm hướng tới mục tiêu, chính quyền cùng người dân và doanh nghiệp chung tay cùng xây dựng thành phố Đà Lạt ngày càng giàu mạnh, phát triển bền vững, trở thành một điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn, văn minh, thân thiện môi trường đối với du khách trong và ngoài nước!
Theo baolamdong.vn