KHI ĐÀ LẠT LẤY PHÁT TRIỂN DU LỊCH CHẤT LƯỢNG CAO LÀM NGÀNH KINH TẾ ĐỘNG LỰC Thúc đẩy tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch

02/12/2021 1745 0
Cùng với nhiều hoạt động, chương trình kích cầu du lịch nội địa “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” trong giai đoạn 2017-2020, du lịch thành phố Đà Lạt đã có kết quả tích cực, đón khoảng 20,9 triệu lượt khách (khách quốc tế chiếm 11,7%), đạt mức tăng trưởng khách bình quân 0,4%/năm, ngày lưu trú khách bình quân đạt 2,2 ngày/khách, tỷ trọng ngành du lịch dịch vụ trong cơ cấu GRDP toàn thành phố đạt 66,16%.

Hạ tầng du lịch được đầu tư, mở rộng theo chiều sâu, thu hút du khách đến Đà Lạt - Lâm Đồng

• PHÁT TRIỂN ĐỒNG BỘ NHIỀU NỘI DUNG THÚC ĐẨY HOẠT ĐỘNG DU LỊCH

Từ khi có Nghị quyết 06, nhiều văn bản liên quan đến phát triển du lịch được ban hành. Thành phố cùng với ngành Du lịch thực hiện Đề án “Đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh trên địa bàn thành phố Đà Lạt giai đoạn 2016-2020”; triển khai Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch; tăng cường tuyên truyền, vận động, quản lý trong hoạt động dịch vụ du lịch gắn với thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”..., tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của người dân, doanh nghiệp, cộng đồng và chính quyền địa phương trong việc xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện, nâng cao uy tín, thương hiệu và thúc đẩy phát triển du lịch Đà Lạt.

Thành phố cũng đẩy mạnh thực thi những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; khuyến khích mở rộng và phát triển các sản phẩm du lịch mới như du lịch văn hóa trải nghiệm, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch canh nông... Các đơn vị hoạt động du lịch tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển hạ tầng du lịch và đa dạng hóa dịch vụ; tăng cường kết nối và đảm bảo sự đồng bộ về chất lượng trong chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch. 

Nhiều nội dung đã được triển khai thực hiện lồng ghép trong các hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn nghiệp vụ, kế hoạch phối hợp tuyên truyền như các đề tài: “Giữ gìn, phát huy phong cách người Đà Lạt hiền hòa, thanh lịch, mến khách”; chương trình quảng bá 182 cơ sở đạt chuẩn “Nhãn hiệu xanh”, 18 “Điểm mua sắm chất lượng cao”, 37 “Điểm du lịch canh nông”; phát hành 1.000 tập tài liệu “Giới thiệu truyền thuyết các khu điểm du lịch là di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn thành phố Đà Lạt”, “Danh sách các địa chỉ dịch vụ du lịch tin cậy”; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và Hội thi “Xanh - Sạch - Đẹp” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”... góp phần tạo môi trường và không gian đô thị du lịch ngày càng văn minh, hiện đại, phát huy phong cách người Đà Lạt “Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách”. 

Cùng với các hoạt động quản lý Nhà nước khác như công tác quy hoạch; các cơ chế, chính sách phát triển du lịch cũng được thực hiện có hiệu quả, như: tăng hạ tầng kỹ thuật số trong quản lý, kết nối các dịch vụ du lịch và du khách; phát triển đội ngũ quản lý và hướng dẫn viên chuyên nghiệp, khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, có tính cạnh tranh cao; tập trung thu hút đầu tư, phối hợp, hỗ trợ phát triển mạnh các sản phẩm du lịch mới, mang tính độc đáo, là điểm đến thú vị, đặc sắc, cuốn hút, mang tính trải nghiệm cao của loại hình du lịch canh nông gắn với quảng bá thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. 

Du lịch thể thao mạo hiểm là loại hình du lịch có điều kiện được chú trọng cả về kỹ thuật và bảo hộ

• KHẲNG ĐỊNH TÍNH CHUYÊN NGHIỆP

Theo ông Nguyễn Viết Vân - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng: Trong giai đoạn 2017-2020, tính chuyên nghiệp trong phát triển du lịch chất lượng cao của thành phố Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung ngày càng rõ nét, tạo nên một diện mạo đô thị du lịch năng động và hấp dẫn, thể hiện qua sự đa dạng hóa các loại hình sản phẩm dịch vụ du lịch, mở rộng thị trường khách du lịch, xây dựng môi trường du lịch bền vững, phát triển đồng bộ hạ tầng phục vụ du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cụ thể, cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch được đầu tư ngày càng hiện đại, tăng cả về số lượng và chất lượng. Hạ tầng giao thông được Trung ương, địa phương quan tâm đầu tư hoàn thiện; hệ thống đường bộ nối Lâm Đồng với các địa phương trong cả nước đã được nâng cấp, kết nối nhiều đường bay đến các vùng miền, tạo điều kiện cho phát triển các tour, tuyến du lịch, rút ngắn thời gian lưu thông và tạo thuận lợi cho người dân và du khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Lâm Đồng.

Sản phẩm dịch vụ du lịch được đầu tư đa dạng và phong phú. Đặc biệt, đã đầu tư phát triển du lịch canh nông và du lịch thể thao mạo hiểm trở thành sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh cao, có nét đặc trưng khác biệt mang thương hiệu du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng. Nhiều mô hình, sản phẩm du lịch phục vụ khách tham quan, trải nghiệm của khách, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình Làng Nấm Đà Lạt, Trang trại Rau và Hoa, Trà Long Đỉnh, Fresh Garden Đà Lạt, Trà và Rượu Vang Vĩnh Tiến... 

Nguồn nhân lực trong ngành du lịch đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng. Đến năm 2020, trên địa bàn toàn tỉnh có trên 13.500 lao động, trong đó, 80% số lao động trực tiếp đã được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn và ngoại ngữ, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ khách. Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện “Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch”, các cá nhân, đơn vị trong lĩnh vực kinh doanh du lịch dịch vụ đã chủ động, tích cực hơn trong các hoạt động đầu tư, kinh doanh, xúc tiến quảng bá xây dựng hình ảnh du lịch Lâm Đồng “an toàn, thân thiện, văn minh và chuyên nghiệp”.

Nhằm khai thác tối đa những tiện ích từ công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch, tỉnh Lâm Đồng đã tập trung xây dựng du lịch thông minh trong chiến lược “Xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh”, thực hiện các nội dung: xây dựng cổng thông tin; ứng dụng du lịch thông minh phục vụ du khách trên thiết bị di động; thành phố wifi; bản đồ du lịch thông minh; kho dữ liệu tập trung, hệ thống báo cáo ngành du lịch và hệ thống phân tích du lịch thông minh. 

Đề án “Xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2018-2025” và “Đề án quản lý, đăng ký khách du lịch lưu trú qua mạng Internet trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” đã đoạt “Giải thưởng thành phố thông minh năm 2021” trong lĩnh vực “Thành phố Du lịch thông minh” do Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa) tổ chức. Hiện nay, ngoài 2 trang web chính thức về du lịch của tỉnh đang được vận hành là http://svhttdl.lamdong.gov.vn/ và http://dalat-info.vn/, ngành Du lịch có thêm kênh thông tin chính thức nữa, đậm nét và phong phú giúp cho du khách nhanh chóng có những lựa chọn phù hợp cho một chuyến du lịch đến thành phố Đà Lạt là http://dalatcity.org và Ứng dụng du lịch DaLatCity. 

Theo baolamdong.vn

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu