Đặc biệt ở tỉnh Lâm Đồng, mô hình du lịch canh nông đã được phát triển mấy năm gần đây gắn với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Điểm bán nông sản tại du lịch canh nông
Du lịch canh nông trong nhiều thập niên qua đã được các quốc gia khuyến khích phát triển như: Thụy Điển, Đan Mạch, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Anh, Pháp, Đức, Áo, Italy... Tùy theo lợi thế của mỗi quốc gia mà loại hình du lịch canh nông có tên gọi khác nhau, ví dụ như: Anh: du lịch nông thôn; Mỹ, Italy: du lịch trang trại; Pháp: du lịch canh nông; Canada: du lịch nông trại; Nhật Bản, Úc: du lịch nông nghiệp… song cũng đều tuân thủ theo nguyên tắc: “Du lịch trải nghiệm, khai thác các giá trị tổng hợp dựa trên thành quả của ngành nông nghiệp”.
Các mô hình điển hình như chăn nuôi bò sữa Jersey Darry ở Mỹ mỗi năm thu hút 1,4 triệu lượt khách, có doanh thu trên 2 triệu USD và nhiều mô hình du lịch trang trại ở Mỹ rất thành công. Vườn dâu ở Niikura, thành phố Tokyo, Nhật Bản chỉ có 5 ha, mỗi năm thu hút 400.000 lượt du khách; vườn hoa Keukenhof ở Hà Lan thu hút hàng triệu du khách, có doanh thu hàng triệu USD/năm. Nhiều quốc gia như Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Mỹ hàng năm du lịch canh nông mang về doanh thu hàng chục tỷ USD; đặc biệt ở Italia có 2.200 điểm du lịch canh nông, mỗi năm doanh thu 147 tỷ euro, tương đương 9,4% GDP, đem lại việc làm trực tiếp và gián tiếp cho 2,5 triệu người, tương đương với 10,9% lực lượng lao động của quốc gia.
Việt Nam sở hữu điều kiện thuận lợi với nhiều mô hình nông nghiệp để phát triển loại hình du lịch này, nhiều địa phương có thế mạnh và khai thác du lịch canh nông như: Thành phố Hội An, Quảng Nam; huyện Tịnh Biên, An Giang; du lịch miệt vườn ở Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre…; Tân Phú, Đồng Nai; Sapa, Lào Cai; Ba Vì, Hà Nội; Hóc Môn và Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh... nhưng tiềm năng chưa được khai thác tương xứng. Đối với tỉnh Lâm Đồng, trước yêu cầu thực tiễn và yêu cầu hội nhập quôc tế ngày càng sâu rộng, tỉnh đã có định hướng dài hạn, do đó sản phẩm du lịch canh nông phong phú, đa dạng và có quy mô lớn, là địa phương đầu tiên ở Việt Nam áp dụng mô hình du lịch canh nông dựa trên cơ sở nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ngành du lịch của Lâm Đồng được xem là ngành kinh tế động lực; do cảnh quan thiên nhiên kết hợp với tiểu vùng sinh thái và kiến trúc đô thị độc đáo; có sinh cảnh đẹp, nhiều di tích cấp quốc gia, có nhiều hoạt động lễ hội; có khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang quy mô 273.439 ha, bao trùm hết không gian thành phố Đà Lạt, vì vậy ngành du lịch Lâm Đồng có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển khá phong phú các loại hình, sản phẩm du lịch như: nghỉ dưỡng, tham quan; nghiên cứu khoa học; du lịch sinh thái; lịch sử văn hóa; du lịch tâm linh; du lịch thể thao; du lịch giáo dục; du lịch hội nghị, hội thảo và du lịch canh nông.
Qua thực tiễn cho thấy các mô hình du lịch canh nông đã góp phần quảng bá hình ảnh du lịch thành phố Đà Lạt; kết nối không gian đô thị và nông nghiệp gần nhau hơn; mở rộng tầm nhìn về sản xuất ứng dụng công nghệ cao; tạo đột phá thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án FDI; là lĩnh vực khởi nghiệp mạnh đối với thế hệ trẻ tỉnh Lâm Đồng trong 3 năm qua. Đến nay toàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 35 điểm du lịch canh nông và có xu hướng phát triển ngày càng nhanh trong những năm tới.
Du khách tham quan trang trại hoa
Nhiều mô hình du lịch canh nông với nhiều hoạt động phong phú, khai thác thế mạnh và sự khác biệt riêng từng trang trại, song có một điểm chung là tạo sự trải nghiệm thú vị, ấn tượng và tạo môi trường hấp dẫn khó quên cho du khách đối với du lịch canh nông Lâm Đồng; điển hình một số mô hình du lịch canh nông sau đây:
(1) Công ty cổ phần Long Đỉnh, huyện Lâm Hà, khai thác du lịch canh nông với sản phẩm chè hữu cơ; công ty thu phí tham quan mỗi người 20.000 đồng, bình thường mỗi ngày đón khoảng 80 -100 du khách khách, dịp lễ đông nhất khoảng 700 người/ngày;
(2) Tổ hợp du lịch canh nông DL Nature’s ở phường 11, thành phố Đà Lạt, với trải nghiệm chủ yếu là vườn rau, củ quả, cửa hàng bán các đặc sản Đà Lạt, quán cà phê, sinh tố, đón 150 - 200 du khách/ngày;
(3) Công ty TNHH nông trại du lịch canh nông Kiến Huy ở thôn Đạ Đum II, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương với trải nghiệm rau quả mới lạ ứng dụng công nghệ cao như siêu quả Magic-S;
(4) Công ty cổ phần Chè Cầu Đất, xã Trạm Hành, thành phố Đà Lạt, quy mô 220 ha, du lịch canh nông với vườn chè cổ và nhà máy chế biến chè trên 100 năm tuổi, vườn rau sản xuất theo hướng nông nghiệp thông minh 4.0; du khách vào trang trại đi xe điện miễn phí, chụp ảnh, tham quan các vườn rau, quả và thưởng thức chè, cà phê an toàn; vé mua vào cổng 95.000 đồng, hàng năm đón trên 400 ngàn du khách;
(5) Công ty TNHH Vĩnh Tiến ở 81D Hoàng Văn Thụ, phường 4 Đà Lạt, với diện tích gần 1,4 ha, với du lịch canh nông là nhà máy chế biến trà atiso và rượu vang Vĩnh Tiến được đầu tư 23 tỷ đồng. Du khách đến đây tham quan đường hầm rượu vang, khu sản xuất trà atiso, trà thảo dược, rượu vang, đông trùng hạ thảo và khu trải nghiệm, mua sắm các loại đặc sản Đà Lạt, với phí tham quan bình quân 75.000 đồng, với lượng du khách 400-500 lượt du khách/ngày;
(6) Công ty cổ phần Thiên Phúc, sản phẩm là công nghệ nuôi trồng và chế biến đông trùng hạ thảo;
(7) Công ty cổ phần sinh học rừng hoa với sản phẩm đặc trưng là hoa khô, giống hoa quý hiếm và ứng dụng công nghệ sinh học nhân giống hoa, cửa hàng trưng bày đặc sản Đà Lạt, phương châm không bán vé, hàng năm đón trung bình 1 triệu du khách;
(8) Trung tâm nghiên cứu và thực nghiệm nông nghiệp công nghệ cao của Chi nhánh Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời phục vụ tham quan du khách chủ yếu là trải nghiệm công nghệ mới và nghiên cứu khoa học.
Đặc biệt Công ty TNHH Đà Lạt Thủy canh là doanh nghiệp có du lịch canh nông khép kín 3 nhất: Có quy mô ứng dụng công nghệ cao lớn nhất, du khách đông nhất và doanh thu nhiều nhất không chỉ ở Đà Lạt mà còn cả Việt Nam. Với quy mô diện tích 11 ha, điểm du lịch canh nông có đầy đủ các khu sản xuất rau thủy canh, khu trồng hoa, trồng siêu quả Magic-S, cà chua, dâu tây, có hạ tầng dịch vụ khá hiện đại: nhà hàng phục vụ các món ăn đặc sản 500 khách, bãi đậu xe 7.000 m2 và một khu showroom hơn 30 quầy trưng bày các loại đặc sản Đà Lạt: rau sạch, hoa, mứt các loại, macca, vang Magic-S...; với tổng giá trị đầu tư khoảng 160 tỷ đồng; đón khoảng 3.000 du khách/ngày với giá vé trung bình 30 ngàn đồng, doanh thu khách tham quan khoảng 90 triệu/ngày, ngoài ra lượng du khách lớn đến tham quan không thể không mua một vài sản phẩm làm quà tặng người thân và thu nhập từ trang trại. Công ty TNHH Đà Lạt rau thủy canh còn làm dịch vụ chuyên cung cấp, lắp đặt chuyển giao kỹ thuật và đến nay đã thi công lắp đặt 26 hệ thống này trong toàn quốc, đủ các diện tích lớn nhỏ, quy mô chuyển giao khoảng 7 ha, với giá từ 8 – 15 tỷ đồng/hệ thống/ha.
Qua phân tích nêu trên cho thấy, du lịch canh nông là xu hướng du lịch quốc tế, là nhu cầu rất lớn đối du khách trong và ngoài nước.
Nguồn: baomoi.com