Hồng treo gió, thứ đặc sản lừng danh của Đà Lạt đã không còn xa lạ với người tiêu dùng và những “fan” yêu Đà Lạt. Một nhóm nông dân xứ hồng Xuân Trường, Trạm Hành đang tiếp tục nâng niu trái hồng, tạo ra những trái hồng dẻo với vị ngọt dịu dàng và sắc đỏ đặc biệt.
Nhà kính treo hồng được phủ kín lưới đen
Chị Trúc chia sẻ, kỹ thuật làm trái hồng mềm mại, vỏ dẻo, ruột mọng là một kỹ thuật riêng, đòi hỏi người treo hồng theo dõi, canh mẻ hồng treo rất kỹ. Muốn hồng mềm, dẻo thì không được sấy, phải làm khô bằng gió từ đầu tới cuối. Mà khi phơi đến tầm 18 - 20 ngày, trái hồng ở giai đoạn dễ hỏng nhất, cần chú ý tuyệt đối tới nhiệt độ, ẩm độ trong phòng treo. Nhà treo lưới đen, nhiệt độ treo thấp, trái hồng ngon, mềm nhưng dễ hỏng, rụng nên làm hồng treo theo hướng này, người nông dân sẽ hao hơn làm hồng treo sử dụng cả ánh sáng. Và chị Trúc cũng chia sẻ, muốn ngon, ngay từ khi còn trên cây trái hồng phải được chăm sóc cẩn thận, bón phân, tỉa lá. Chăm sóc đúng, trái hồng to đều, vị ngọt đậm đà. Chị Long Thị Quý Trúc, thôn Xuân Sơn, xã Xuân Trường, thành phố Đà Lạt mời khách những trái hồng treo gió vừa gỡ xuống từ dây treo. Khác với nhiều loại hồng treo có màu da ngả nâu, trái hồng của chị Trúc có sắc đỏ rất tươi, gần với màu trái hồng chín. Vỏ trái hơi dẻo, thịt trái có màu đỏ gần như trong vắt. Cả trái hồng là một khối đỏ mềm mại, vỏ ngoài hơi dẻo quyện với thịt trái mềm mọng, ngọt thơm. Chị Trúc cho biết, chị là một trong những hộ đầu tiên thực hiện hồng treo gió theo kỹ thuật Nhật Bản và sau 5 năm, chị vẫn treo hồng đúng phong cách truyền thống. Chị Trúc chia sẻ: “Ngoài các kỹ thuật cơ bản, trái hồng muốn giữ được màu đỏ đẹp, không sẫm màu phải tuyệt đối tránh nắng. Nhà làm hồng của gia đình tôi treo hoàn toàn lưới đen, hạn chế tuyệt đối ánh sáng, chỉ để cho gió vào làm khô trái hồng”.
Được biết, thị trường hiện khá chuộng loại hồng treo "mềm" như chị Trúc đang cung cấp. Và chuyển tới tay người tiêu dùng cũng là một câu chuyện đáng chú ý về sự cẩn thận của người nông dân. Hồng mềm cần đóng hộp, hút chân không, bỏ theo thùng có gel lạnh và chuyển nhanh nhất tới tay khách hàng. Hồng được bảo quản trong tủ lạnh có thể ăn từ vụ hồng trước tới vụ hồng sau mà vẫn giữ được độ ngon, dẻo, không hề bị đóng đá hay cứng trái.
Cùng làm hồng treo “mềm” giống chị Long Thị Quý Trúc là gia đình anh Nguyễn Huỳnh Ngọc Hoàng, thôn Đất Làng, xã Xuân Trường. Mỗi năm, anh Hoàng làm 2 tấn hồng khô cung cấp cho thị trường. Anh Hoàng đánh giá: “Làm hồng treo dẻo, trái hao hụt rất nhiều do yêu cầu kỹ thuật cao, nhất là khi trời mưa. Nên cần thực hiện các biện pháp vệ sinh thực phẩm nghiêm ngặt, từ hái hồng, làm tai, rửa sạch, phơi khô rồi mới bỏ vỏ và treo. Càng tránh nắng kỹ, hồng càng mềm và trong trái”.
Cơ sở Xuân Quỳnh, xã Trạm Hành là doanh nghiệp liên kết với các hộ làm hồng treo "mềm" cung ứng ra thị trường. Anh Nguyễn Xuân Quỳnh, chủ cơ sở cho biết, làm hồng treo "mềm" là cách làm ra trái thành phẩm có hương vị giống hồng khô Hàn Quốc, trái đỏ, ruột trong, mềm và dẻo, không khô như hồng Đà Lạt thường làm để bảo quản dễ dàng hơn. Làm hồng dẻo mềm buộc phải có nhà treo đạt chuẩn, che lưới rất cẩn thận và thời gian kéo dài, tỷ lệ hao hụt cao. Vì vậy, nhiều người làm hồng cũng ngại ngần khi làm hồng treo theo hướng này. Cơ sở của anh liên kết với các hộ làm hồng treo "mềm", ngoài tiêu thụ trên các mạng xã hội còn tổ chức cho khách tham quan vườn hồng, mô hình treo hồng để khách cảm nhận thực tế về công việc của người nông dân. Anh Quỳnh chia sẻ, thị trường giờ nhiều người tiêu dùng ưa thích hương vị dẻo, mọng của trái hồng và anh luôn động viên, đồng hành cùng bà con sản xuất hồng đúng kỹ thuật, cho ra những trái hồng dẻo, mềm ngọt lành. Mỗi năm, cơ sở Xuân Quỳnh liên kết tiêu thụ 10-12 tấn hồng khô, tương đương với 70-90 tấn hồng tươi. Đặc biệt, các nông hộ làm hồng treo "mềm" đều có chứng nhận nhãn hiệu Hồng Đà Lạt và bà con rất tự hào về đặc sản của quê hương mình, vùng đất lạnh của những cây hồng.
DIỆP QUỲNH
http://baolamdong.vn