Giới thiệu về thành phố Đà Lạt
Nằm trên cao nguyên Lâm Viên thuộc khu vực Tây Nguyên, Đà Lạt là thành phố du lịch nổi tiếng của tỉnh Lâm Đồng nước ta.
Đà Lạt nằm cách TP HCM khoảng hơn 300km về phía Bắc, trong khi cách thủ đô Hà Nội tới 1.500km về phía Nam.
Đà Lạt có tổng diện tích gần 400km vuông, với độ cao khoảng 1.500m so với mực nước biển. Cùng với Buôn Ma Thuột, Đà Lạt là 1 trong 2 đô thị miền núi đông dân nhất cả nước.
Ảnh: Sơn Đoàn
Ảnh: Sơn Đoàn
Nơi đây vốn là địa bàn cư trú từ thời xa xưa của các cư dân người Lạch, người Chil và người Srê thuộc dân tộc Cơ Ho. Mãi cho đến cuối thế kỉ XIX, khi người Pháp cho tìm kiếm một địa điểm nghỉ dưỡng ở Đông Dương thì nơi này mới được xây dựng và phát triển dần dần thành một đô thị phồn thịnh, hiện đại với biệt thự, khách sạn, trường học cùng vô số công sở.
Đà Lạt sở hữu cho mình rất nhiều “biệt danh” khác nhau. Trong đó, mỗi cái tên đều gợi nhớ về một nét đặc điểm khó phai nhòa của nơi đây, tiêu biểu như: “Thành phố ngàn hoa”, “Thành phố sương mù”, “Thành phố tình yêu”, “Tiểu Paris phương Đông”...
Ảnh: Sơn Đoàn
Khám phá lịch sử Đà Lạt theo năm tháng
Lịch sử kể lại rằng, vùng cao nguyên Lâm Viên trước kia vốn là địa bàn cư trú của các dân tộc ít người. Sau đó, đến khoảng cuối thế kỉ XIX mới được người Pháp khai phá, thám hiểm dần dần.
Năm 1893, Toàn quyền Đông Dương Jean-Marie de Lanessan đã giao nhiệm vụ cho bác sĩ Alexandre Yersin tiến hành khảo sát tuyến đường bộ từ Sài Gòn, xuyên qua vùng đất lâu đời của người Thượng và kết thúc ở một địa điểm thuộc bờ biển miền Trung. Trong chuyến hành trình của mình, Alexandre Yersin đã đặt chân tới cao nguyên Lâm Viên vào ngày 21/6/1893, đánh dấu bước đầu tiên trong quá trình hình thành và phát triển Đà Lạt sau này.
Ảnh: Sơn Đoàn
Ảnh: Sơn Đoàn
Sau đó, đến năm 1897, Toàn quyền Đông Dương tiếp theo là Paul Doumer đã gửi thư hỏi ý kiến bác sĩ Yersin trong quá trình tìm kiếm một địa điểm nghỉ dưỡng cho người Pháp ở Đông Dương. Cả hai đã đi đến thống nhất và quyết định đích thân đi khảo sát thực tế tại cao nguyên Lâm Viên.
Thời gian tiếp theo, Toàn quyền Đông Dương thay người kế vị, dự án xây dựng Đà Lạt theo đó cũng bị gián đoạn. Tuy nhiên, nhiều đoàn khảo sát vẫn được gửi đến cao nguyên Lâm Viên để nghiên cứu, khám phá dẫn đến việc phát triển dần dần mạng lưới giao thông tại Đà Lạt.
Ảnh: Sơn Đoàn
Đến thời kì chiến tranh thế giới lần thứ nhất, nhiều người Pháp tìm đến Đà Lạt do không thể trở về quê hương trong những kì nghỉ. Đến ngày 20/4/1916, thị tứ Đà Lạt được thành lập theo quyết định của Hội đồng Phụ chính thời vua Duy Tân.
Tiếp sau đó, Ernest Hébrard - kiến trúc sư người Pháp, được Toàn quyền Maurice Long bổ nhiệm làm chủ trì qui hoạch thị trấn Đà Lạt. Ông kết hợp những mẫu kiến trúc cổ điển châu Âu cùng với trang trí của mĩ thuật Việt Nam để tạo ra phong cách riêng cho thành phố Đà Lạt.
Ảnh: Sơn Đoàn
Ảnh: Sơn Đoàn
Được mệnh danh là “thủ đô mùa hè” của toàn Đông Dương, Đà Lạt bước vào giai đoạn phát triển cực thịnh trong những năm 1940. Nơi đây trở thành trung tâm nghỉ dưỡng, khoa học giáo dục hàng đầu tại Việt Nam. Đến thời Ngô Đình Diệm, Đà Lạt tiếp tục phát triển thêm các công trình trường học, trung tâm văn hóa và kiến trúc khác.
Từ cuối thập niên 80 của thế kỉ XX, thành phố ngàn hoa dần trở thành địa danh du lịch nổi tiếng của nước ta với số lượng du khách ghé thăm hàng năm cực kì đông đảo.
Ảnh: Sơn Đoàn
Ảnh: Sơn Đoàn
Khám phá Đà Lạt - “tiểu Paris” nổi tiếng của phương Đông
Không chỉ nổi tiếng với khung cảnh thiên nhiên mơ mộng, lãng mạn, thành phố Đà Lạt còn cuốn hút khách du lịch bởi khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm. Bạn có thể ghé thăm thành phố nổi tiếng này vào bất kì mùa nào trong năm, từ những ngày xuân hoa nở trắng trời đến mùa hạ gió nhẹ nhè, đung đưa hay tiết thu sang nhuộm vàng cây lá, hay khi đông đến mang sắc buồn bao trùm cảnh vật.
Ảnh: Sơn Đoàn
Ảnh: Sơn Đoàn
Những thắng cảnh tại Đà Lạt nằm rải rác xung quanh thành phố và vùng ngoại ô như: hồ Xuân Hương, thung lũng Tình Yêu, hồ Than Thở, thác Prenn, làng Cù Lần…
Bên cạnh đó, ghé thăm Đà Lạt, du khách cũng đừng quên thưởng thức những món ăn nổi tiếng đã trở thành “thương hiệu” tại mảnh đất này, đó là: lẩu gà lá é, bánh ướt lòng gà, sữa chua phô mai, bánh tráng nướng...
Ảnh: Sơn Đoàn
Ảnh: Sơn Đoàn
An Nhiên