• NÔNG THÔN MỚI GIÚP PHÁT TRIỂN DU LỊCH NÔNG THÔN
Lâm Đồng là địa phương có trên 60% dân số sống tại nông thôn và tỷ trọng ngành Nông nghiệp chiếm trên 45% tổng GRDP. Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong Phong trào Xây dựng nông thôn mới giữ vai trò quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Tính đến tháng 12/2024, toàn tỉnh có 106/106 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Nông thôn mới là động lực quan trọng cho sự phát triển của du lịch nông thôn. Trước đây, du lịch tại nông thôn ít được chú ý, nhưng hiện nay, các loại hình du lịch như: du lịch canh nông, du lịch làng nghề, du lịch văn hoá ở nông thôn đang thu hút một lượng du khách đáng kể. Sự tập trung nguồn lực vào việc xây dựng nông thôn mới với tiêu chí ngày càng hoàn thiện và nâng cao đã giúp vùng nông thôn đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về du lịch. Hạ tầng ngày càng được cải thiện, từ đường sá rộng hơn, sạch hơn đến nhà cửa, vườn tược được chăm sóc, môi trường sống và sản xuất ngày càng được nâng cao.
Sự phát triển của Phong trào Xây dựng nông thôn mới đã giúp tổ chức đón khách du lịch về nông thôn phát triển, từ đó quảng bá thương hiệu sản phẩm và địa phương, tăng giá trị sản phẩm, quảng bá cho từng vùng đất đặc trưng với nét đẹp văn hóa và thế mạnh kinh tế riêng biệt. Cảnh quan thiên nhiên phong phú, đa văn hoá, và đa làng nghề là điểm mạnh để tỉnh tiếp tục vững bước trong việc xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy du lịch phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn và giá trị sống.Thực tế trong những năm qua đã chứng minh rằng, Chương trình xây dựng Nông thôn mới đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cho phát triển của du lịch nông thôn thông qua việc nâng cấp và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, đảm bảo vệ sinh môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống. Ngược lại, du lịch nông thôn cũng đóng góp vào việc nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới bền vững bằng cách tăng thu nhập, tạo việc làm cho người dân nơi đây và thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm đặc sản.
• NHỮNG THÁCH THỨC
Dù đã có những bước phát triển, thách thức vẫn tồn tại đối với du lịch nông thôn. Hiện tại, việc thiếu quy chuẩn và tiêu chí vẫn là một vấn đề lớn trong phát triển du lịch vùng nông thôn. Đa số hoạt động du lịch nông thôn hiện nay vẫn chủ yếu là quy mô nhỏ, được các doanh nghiệp, hộ gia đình hoặc tổ hợp tác triển khai. Phần lớn các hoạt động này vẫn tự phát, thiếu quy hoạch và đầu tư bài bản. Nguồn lực đầu tư cho du lịch nông thôn vẫn còn hạn chế, đặc biệt là việc thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao.
Với sự đa dạng về văn hóa và kinh tế ở nông thôn, Lâm Đồng có đủ tiềm năng để phát triển du lịch nông thôn. Các xã nông thôn mới như: Đa Nhim, Xã Lát, Đạ Sar (huyện Lạc Dương), Xuân Trường, Xuân Thọ (TP Đà Lạt), Pró (huyện Đơn Dương)... đang ngày càng phát triển nhiều mô hình du lịch. Nhiều khách sạn, homestay của người dân đã hình thành để phục vụ du lịch nông thôn, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Đáng chú ý là tại một số vùng chuyên canh rau, hoa công nghệ cao ở vùng ngoại ô Đà Lạt như: Thái Phiên, Cầu Đất, Vạn Thành... với lợi thế về nông nghiệp, sản xuất cà phê sạch đã trở thành điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước.
Để phát triển du lịch nông thôn một cách bền vững, cần tập trung vào việc xây dựng và ban hành các quy định, tiêu chuẩn cụ thể về du lịch nông thôn. Đồng thời, cần lập quy hoạch phát triển du lịch nông thôn một cách toàn diện, khoa học và phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, từng vùng nông thôn. Đầu tư vào hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và quảng bá du lịch cũng là những yếu tố quan trọng. Phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng cũng cần được ưu tiên.
Du lịch nông thôn Lâm Đồng đang phát triển mạnh mẽ. Để khai thác tối đa tiềm năng của ngành Du lịch, cần có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn nữa. Với những nỗ lực không ngừng, du lịch nông thôn sẽ trở thành động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng.
Theo dalat.lamdong.gov.vn