Miền đất thăng hoa

20/08/2024 614 0
Giá trị cốt lõi tạo nên thương hiệu Đà Lạt chính là đặc thù khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, di sản kiến trúc cùng sự bặt thiệp, hiền hòa, thân thiện của cư dân phố núi... Những giá trị ấy tạo nên sự thăng hoa về tinh thần để sáng tạo nghệ thuật và cũng là tài nguyên phát triển du lịch của xứ ngàn hoa Đà Lạt, thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc.

Trải nghiệm trên những cánh đồng hoa ven đô Đà Lạt

Đà Lạt mộng mơ, thành phố ngàn hoa, thành phố sương mù… là những “thương hiệu” của thành phố bản sắc này. Khí hậu mát mẻ quanh năm, không khí trong lành và không gian diễm lệ, những thứ ấy là tài nguyên hiếm hoi mà Đà Lạt sở hữu. Đây không phải là “giá trị gia tăng” mà chính là “giá trị cơ bản” của xứ sở này, tạo nên cảm xúc thăng hoa trong sáng tạo nghệ thuật. Tiến sĩ Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng: “Thiên nhiên, văn hóa và con người Đà Lạt đã làm cho xứ sở này trở thành thiên đường sáng tạo nghệ thuật”. 

Đà Lạt, miền đất thăng hoa kết tụ trên những khuông nhạc của nhiều nhạc sĩ tài danh trước 1975, như Hoàng Nguyên, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Lê Uyên Phương, Phạm Duy, Lam Phương… Không gian văn hóa Đà Lạt cũng sinh ra những tài năng âm nhạc như Tuấn Ngọc, Thanh Tuyền… và những cuộc gặp gỡ dấu ấn trong âm nhạc, như Lê Uyên-Phương, Khánh Ly-Trịnh. “Mấy năm gần đây có rất nhiều nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng chọn Đà Lạt để sáng tác, biểu diễn; cùng những nhóm nhạc bắt đầu nở rộ, đã tạo ra phong trào nghệ thuật âm nhạc sôi nổi trên phố núi”, anh Nguyễn Trung Hiền, người sáng lập Không gian sáng tạo Phố bên đồi - Đà Lạt, chia sẻ.

Đà Lạt trong sương

Văn hóa - nghệ thuật là thứ làm nên hồn cốt Đà Lạt. Cùng với những nhạc quán xưa và nay, hiện Đà Lạt có hàng loạt không gian âm nhạc, nghệ thuật được tổ chức chuyên nghiệp, như Phố bên đồi, Mây lang thang, Lululola, Stop and Go art space, Hey Storm art space… đã góp phần tạo ra những góc phố nghệ thuật, với sự góp mặt của những nghệ sĩ nổi tiếng trong nước và quốc tế. Cùng với những đêm phố lạnh nghe dương cầm hát, những “đêm nhạc trên mây”, sự hòa điệu của violin và piano, không gian nhạc cổ điển, những nhóm “du ca” phố núi và những chương trình thể thao kết hợp âm nhạc, đã tạo những món ăn tinh thần đặc biệt cho người dân địa phương và du khách. Năm 2023, Đà Lạt chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực Âm nhạc. Đây sẽ là yếu tố góp phần dẫn dắt thành phố phát triển trong tương lai. 

Đà Lạt có “công năng gốc” là đô thị nghỉ mát. Khí hậu và thiên nhiên Đà Lạt đã hấp dẫn những người làm công tác quy hoạch, từ “trạm nghỉ dưỡng vùng cao”, vùng đất trên cao nguyên Lang Biang này được dự phóng ngay từ ngày đầu khảo sát là sẽ trở thành “thủ đô mùa hè” của Đông Dương. Từ ý tưởng quy hoạch “thành phố châu Âu” đầu tiên của Paul Champoudry (1905) đến “thành phố phong cảnh” của Jean O’Neil (1919) và Ernest Hébrard (1923), Jacques Lagisquet đã quy hoạch Đà Lạt thành “thủ đô mùa hè” (1942-1944).

Đà Lạt, miền đất dễ làm người ta thăng hoa, là nơi để có những giấc mơ đẹp. Đà Lạt là thế, đem lại cho người này niềm vui, người kia sự mát lành.

Giáo sư Jame H. Spencer - Chủ tịch Viện Nghiên cứu và Phát triển Third Rock, Hoa Kỳ, thông tin, dự án quy hoạch và thiết kế đô thị Đà Lạt của Hébrard theo nguyên tắc “quy hoạch thành phố vườn”, được mong đợi là thành phố nghỉ dưỡng trên núi kiểu mẫu. Xuyên suốt dự án, ý tưởng của Hébrard là “thành phố trong cỏ cây và cỏ cây trong thành phố”, Đà Lạt là thành phố sinh thái, không xuất hiện những ống khói từ nhà máy công nghiệp.

Đà Lạt mộng mơ, Đà Lạt trí tuệ và thanh lịch… là thương hiệu của thành phố bản sắc này. Khí hậu mát mẻ quanh năm là một đặc thù “vô hạn” hiếm có trên thế giới, giúp Đà Lạt duy trì được lợi thế so sánh trong tiến trình phát triển, gắn với dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng ở cấp độ quốc tế.

Ngược dòng lịch sử, cuối thế kỷ 19, người Pháp đã khéo chọn cao nguyên Lang Biang, nơi có địa hình và điều kiện khí hậu đặc trưng để kiến tạo đô thị nghỉ dưỡng Đà Lạt. Người Pháp nổi tiếng lãng mạn và họ cần một không gian lãng mạn để xây dựng thành phố kiểu Âu theo xu hướng “hoài hương”. Đô thị đặc biệt này đã trải qua nhiều kỳ quy hoạch bài bản. Mỗi kỳ kiến tạo là một ý tưởng, nhưng đều dựa trên yếu tố cốt lõi là nghệ thuật kiến trúc kết hợp cảnh quan và tài nguyên nhân văn. Nhiều công trình kiến trúc cổ ở đây đã tạo nên biểu tượng, đan dệt thành ký ức đô thị Đà Lạt, lưu định trong trí nhớ nhiều người.

Kiến trúc sư tài danh Ngô Viết Thụ từng nói, ở Đà Lạt, nhà không thấy trọn, núi không thấy trọn, cảnh luôn ảo huyền. Thiên nhiên ấy phảng phất như nét vẽ thủy mặc, nét kiêu sa của nghệ thuật Á Đông. Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính nhìn nhận, rừng thông và kiến trúc những căn biệt thự cổ xinh đẹp, nhưng không bao giờ lạc thời đã sinh ra nỗi buồn “đặc sản”, là “linh hồn” của Đà Lạt. Hai thực thể vật chất ấy không phải là “giá trị gia tăng” mà chính là “giá trị cơ bản” của xứ sở này. Đó là nỗi buồn sang trọng được cấu thành từ “cuộc hôn phối” giữa thiên nhiên và sự kiến tạo của con người.

Đà Lạt từ thưở xưa, đã mang hình ảnh của đô thị vườn và vườn lẫn vào phố. Những cung đường uốn lượn, những khu vườn bao quanh phố xá, bao bọc những nếp nhà bình yên. Cùng khí hậu trong lành, hình ảnh người nông dân Đà Lạt đã tạo nên sắc màu độc đáo cho đô thị miền sơn cước. Trải qua hơn 130 năm hình thành và phát triển, Đà Lạt trở thành trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế; Festival Hoa Đà Lạt được Hiệp hội Festival và Sự kiện quốc tế - khu vực châu Á trao tặng giải thưởng “Festival Hoa đẹp nhất châu Á” năm 2024. Đà Lạt là trung tâm di sản kiến trúc Pháp của Việt Nam và khu vực, hai lần được công nhận là “Thành phố du lịch sạch ASEAN” và là một trong những điểm đến lãng mạn của châu Á, là thành phố sáng tạo toàn cầu lĩnh vực âm nhạc và đang xây dựng đô thị di sản thế giới. 

Môi trường sống Đà Lạt trong lành, tĩnh lặng; nhịp sống không xô bồ, khẩn trương như các thành phố khác. Môi trường ấy làm cho con người thanh tịnh, khoan thai. Du khách tìm đến Đà Lạt để hưởng thụ sự tĩnh lặng, vẻ đẹp của sự nghỉ ngơi, thư thái. Đến Đà Lạt để được đi ngủ sớm và thức dậy muộn, được ngắm nhìn ánh mắt và nụ cười hiền của người phố núi, được “nghe” chiều xuống thành phố mộng mơ và trải nghiệm bốn mùa trong ngày; để không cần mùa, cần tháng.

Đà Lạt, miền đất dễ làm người ta thăng hoa, là nơi để có những giấc mơ đẹp. Lãng du phố núi để được thấy ngọn gió nhà ai thấp thoáng bên đồi, để tận hưởng chén rượu ngoại ô ngấm một tiếng khà, để cảm thời gian nhẹ tênh bên tách cà phê “đen như địa ngục, đắng như tử thần và ngọt ngào như tình yêu”… Đà Lạt là thế, đem lại cho người này niềm vui, người kia sự mát lành.

Theo dalat.lamdong.gov.vn

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu