Chúng tôi xin khái quát những đặc điểm khác biệt của cảng hàng không Liên Khương với những thông tin thú vị nhằm đáp ứng một phần thông tin đối với du khách trong và ngoài nước trước khi đến với cảng hàng không Liên Khương.
Cảng hàng không Liên Khương sẽ được nâng cấp trở thành cảng hàng không quốc tế. Ảnh: Nam Viên
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Sân bay Liên Khương, Đà Lạt được khởi công xây dựng và hoạt động dưới sự quản lý của Pháp vào năm 1933, lấy tên là sân bay Liên Khàng. Sau đó hơn 20 năm sau, Mỹ tiếp quản lý sân bay và cho sửa chữa, nâng cấp sân bay lần đầu, cùng với việc đổi tên thành sân bay Liên Khương. Những năm 1956 – 1960 người Mỹ đã tu sửa, nâng cấp cảng hàng không Liên Khương với cơ sở hạ tầng khá hoàn chỉnh, trong đó nhà ga được thiết kế theo kiến trúc Pháp, loại nhà 3 tầng, cấp I. Công suất 50.000 hành khách/năm, khoảng 120 hành khách/giờ cao điểm được nâng cấp xây dựng và khai thác vào ngày 24/2/1961 và từng là sân bay quốc tế lớn thứ hai ở miền Nam Việt Nam vào thời điểm đó.
Những năm 1964 – 1972 toàn bộ hệ thống đường hạ cất cánh (HCC), sân đậu, đường giao thông được tiếp tục nâng cấp, phủ bê tông nhựa dày từ 8 – 10 cm. Cụ thể, đường HCC dài 1.480 m, rộng 37 m, sân đỗ máy bay 23.100 m2, sân đỗ ô tô 2.106 m2, đường ô tô 2.100 m.
Từ sau 30/4/1975 đến năm 1980, cảng hàng không Liên Khương được Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp quản và điều hành. Chủ yếu phục vụ cán bộ lãnh đạo đi công tác và vận chuyển dân đi vùng kinh tế mới Lâm Đồng từ các tỉnh phía Bắc vào Lâm Đồng.
Từ năm 1981-1985 cảng hàng không Liên Khương triển khai hoạt động phục vụ vận chuyển hành khách, đường bay TP Hồ Chí Minh – Liên Khương với tần suất 1 chuyến/tuần bằng máy bay AK.40. Tuy nhiên, sau đó đường bay tạm ngưng hoạt động do lượng khách ít.
Từ năm 1992, cảng hàng không Liên Khương triển khai họat động phục vụ vận chuyển hành khách trở lại, ngoài đường bay TP Hồ Chí Minh – Liên Khương, thời kỳ này còn mở thêm Liên Khương - Huế và ngược lại, loại máy bay sử dụng là AK40 và sau này được thay thế bằng ATR.72.
Ngày 2/9/2003 khởi công dự án "Cải tạo mở rộng, nâng cấp đường HCC, đường lăn, sân đỗ máy bay - cảng hàng không Liên Khương" do Cụm cảng hàng không miền Nam làm chủ đầu tư, quy mô sau khi hoàn thành đảm bảo khai thác được các loại máy bay dân dụng tầm trung như A320, A321 và tương đương, cảng hàng không đạt tiêu chuẩn cấp 4C và sân bay quân sự cấp 2.
Ngày 26/12/2019, việc sửa chữa nâng cấp được hoàn thành, có thể đón các loại máy bay dân dụng tầm trung như Boeing 767 hay Airbus A320, A321… Cảng hàng không Liên Khương đã có thể tiếp nhận các chuyến bay với khả năng phục vụ 1,5 - 2 triệu lượt khách/năm. Như vậy, từ tháng 4/2019, cảng hàng không Liên Khương đã có thêm 2 ống lồng và được mở rộng thêm 5 vị trí đỗ máy bay mới.
Xác định rõ Cảng hàng không Liên Khương có vị trí quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, chính trị của Lâm Đồng cũng như của cả khu vực phía Nam Tây Nguyên, vì vậy Cục hàng không Việt Nam, Cụm cảng hàng không miền Nam đã triển khai đầu tư Dự án xây dựng mới đường hạ cất cánh dài 3,250 m, rộng 45 m, cải tạo đường hạ cất cánh hiện hữu thành đường lăn, sân đậu máy bay có sức chứa 6 - 8 máy bay loại tầm trung để phục vụ các loại máy bay A320, A321. Hiện nay, sân bay Liên Khương là sân bay lớn nhất vùng Tây Nguyên.
NÂNG CẤP LIÊN KHƯƠNG TRỞ THÀNH CẢNG HÀNG KHÔNG QUỐC TẾ CÓ TÁC ĐỘNG RẤT LỚN ĐẾN PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA LÂM ĐỒNG VÀ VÙNG TÂY NGUYÊN
Theo quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 07/06/2023 của Thủ tướng Chính phủ, sân bay Liên Khương quy hoạch đến năm 2030 có diện tích gần 341 ha, với chi phí đầu tư khoảng 4.591 tỷ đồng; định hướng đến năm 2050, cảng hàng không này có quy mô diện tích gần 487 ha, đón 5 triệu du khách.
Theo quyết định 610/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải ngày 17/05/2024 về phê duyệt quy hoạch cảng hàng không Liên Khương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cảng hàng không Liên Khương là cảng quốc tế, sân bay dùng chung dân dụng và quân sự.
Theo đó, thời kỳ 2021-2030: Cấp sân bay 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II. Công suất 5 triệu hành khách/năm và 20.000 tấn hàng hóa/năm. Loại tàu bay khai thác là code C như A320/A321, code E như B747/B787/A350 và tương đương. Phương thức tiếp cận hạ cánh: CAT II đầu 09 và giản đơn đầu 27. Tầm nhìn đến năm 2050: Cấp sân bay 4E và sân bay quân sự cấp II. Công suất 7 triệu hành khách/năm và 30.000 tấn hàng hóa/năm. Loại tàu bay khai thác là code C như A320/A321, code E như B747/B787/A350 và tương đương. Phương thức tiếp cận hạ cánh: CAT II đầu 09 và giản đơn đầu 27.
Đồng thời, quy hoạch hạng mục các công trình khu bay được xác định:
+ Hệ thống đường cất hạ cánh: Thời kỳ 2021-2030: Giữ nguyên cấu hình đường cất hạ cánh hiện hữu với kích thước 3.250 m x 45 m, lề vật liệu rộng 7,5 m. Tầm nhìn đến năm 2050: Kéo dài đường cất hạ cánh hiện hữu về phía Tây (đầu 09) thêm 350 m lên thành 3.600 m x 45 m, kích thước lề vật liệu theo quy định.
+ Hệ thống đường lăn: Thời kỳ 2021-2030: Quy hoạch đường lăn song song với toàn bộ chiều dài đường cất hạ cánh hiện hữu; quy hoạch 3 đường lăn nối, 1 đường lăn thoát nhanh, kích thước lề vật liệu theo quy định. Tầm nhìn đến năm 2050: Kéo dài đường lăn song song phù hợp với kéo dài đường cất hạ cánh. Quy hoạch bổ sung 1 đường lăn nối, 1 đường lăn thoát nhanh, kích thước lề vật liệu theo quy định.
+ Sân đỗ máy bay: Thời kỳ 2021-2030: Mở rộng sân đỗ tàu bay đáp ứng 21 vị trí đỗ và có dự trữ để mở rộng khi có nhu cầu. Tầm nhìn đến năm 2050: Tiếp tục mở rộng sân đỗ tàu bay đáp ứng 27 vị trí đỗ và có dự trữ để mở rộng khi có nhu cầu.
NHỮNG ĐẶC ĐIỂM KHÁC BIỆT CỦA CẢNG HÀNG KHÔNG LIÊN KHƯƠNG TẦM QUỐC GIA VÀ QUỐC TẾ
1/ Lịch sử hình thành: Cảng hàng không Liên Khương có mốc lịch sử khá lâu đời không chỉ ở Việt Nam mà còn có tầm quốc tế, bởi vì các cảng hàng không lâu đời nhất trên thế giới được xây dựng chủ yếu từ thập niên 10 đến thập niên 30 của thế kỷ 20 không nhiều trên thế giới, như các cảng hàng không: College Park, Hoa Kỳ năm 1909; Brighton, Anh năm 1910; Hamburg, Đức năm 1911; Bremen, Đức năm 1913; Don Mueang, Thái Lan năm 1914; Ciampino, Ý năm 1916; Schiphol, Hà Lan năm 1916 ; Tân Sơn Nhất, Việt Nam năm 1930 và Liên Khương, Việt Nam xây dựng vào năm 1933.
2/ Kiến trúc đẹp, cảng hàng không độc đáo và ấn tượng: Cảng hàng không Liên Khương có kiến trúc độc đáo, ấn tượng; công trình kiến trúc được thiết kế mang dáng dấp của bông hoa dã quỳ với phần mái sử dụng màu vàng và được uốn cong và phân ra nhiều phân cánh giống hệt như đóa dã quỳ nở rộ. Do đó công trình Nhà ga cảng hàng không Liên Khương được trao giải nhất Giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2010.
3/ Không gian kiến trúc cảnh quan đẹp như tranh: Cảng hàng không Liên Khương nằm khu vực ven thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, do đó xung quanh không bị che chắn những công trình kiến trúc cao tầng, mà trước khi hạ cánh du khách có thể nhìn thấy xung quanh những đồi núi, cánh rừng tự nhiên tuyệt đẹp và những công viên cây xanh và hàng cây xanh mướt quanh năm, với một không gian thoáng đãng màu xanh hoà quyện với công trình kiến trúc màu vàng tạo nên một bức tranh hoa vàng nở giữa rừng xanh, và đặc biệt vào mùa hoa dã quỳ từ cuối tháng 10 đến tháng 1 năm sau hoa dã quỳ nở màu vàng bao phủ cả sân bay như đón chào du khách trước khi hạ cánh đến với Đà Lạt – Lâm Đồng.
4/ Du khách vượt cao so với công suất thiết kế: Cảng hàng không Liên Khương thiết kế đạt cấp 4D, công suất thiết kế 2 triệu hành khách mỗi năm; tuy nhiên thực tế trong những năm gần đây mỗi năm đón trên 2,5 triệu du khách, vượt xa nhiều công suất thiết kế. Cảng hàng không Liên Khương trở thành một trong những cảng hàng không hiệu quả cao nhất, công suất khai thác cao nhất trong hệ thống cảng hàng không Việt Nam.
5/ Chỉnh trang, cải tạo nâng cấp liên tục với mong đợi đạt chuẩn 4E: Quá trình xây dựng từ một sân bay nhỏ phục vụ quân sự của Pháp và Mỹ, đến nay cảng hàng không Liên Khương trở thành cảng hàng không quốc tế 4E là cả một quá trình qua biết bao biến cố lịch sử và nhiều lần đầu tư nâng cấp; từ lúc đầu tư nâng cấp cảng hàng không Liên Khương gần nhất, năm 2003 cho đến khi được công nhận cảng hàng không quốc tế cấp 4E kéo dài hơn 20 năm.
6/ Từ cảng hàng không kết nối ngay cao tốc và di chuyển các địa phương lân cận: Cảng hàng không Liên Khương có kết nối cao tốc rất gần, chỉ hơn 1,5 km; vị trí cảng hàng không Liên Khương là trung tâm liên kết vùng rất thuận lợi cho du khách quốc tế, sau khi hạ cánh du khách đến Đà Lạt chỉ khoảng 28 km, có thể đi Ninh Thuận, Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên rất thuận lợi.
7/ Cảng hàng không mà nơi đến du khách có thể khám phá rất nhiều danh lam thắng cảnh quốc gia và quốc tế: Khi du khách quốc tế đến cảng hàng không Liên Khương là đến với Đà Lạt - Lâm Đồng và Tây Nguyên. Đà Lạt là thành phố Festival hoa, là thành phố ngàn hoa, là một trong 3 điểm ngắm hoa đẹp nhất trên thế giới, là phố ba thiên đường, và còn rất nhiều địa danh và danh hiệu khác đối với Đà Lạt. Du khách đến Đà Lạt – Lâm Đồng và Tây Nguyên là đến vùng đất mà được UNESCO vinh danh nhiều di sản văn hoá và di sản thiên nhiên như: Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên; Mộc bản triều Nguyễn; Khu dự trữ sinh quyển Langbiang; Đà Lạt là thành phố sáng tạo toàn cầu về lĩnh vực âm nhạc; Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông; Khu Dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng, Gia Lai
8/ Cảng hàng không có độ cao so với mặt nước biển cao nhất Việt Nam: Độ cao cảng hàng không Liên Khương là 962 m so với mặt nước biển, trở thành cảng hàng không có độ cao cao nhất Việt Nam, với chỉ số này du khách quốc tế trước khí bay đến Đà Lạt đã biết được bay đến một nơi có khí hậu mát mẻ trong lành, thiên nhiên kỳ thú.
9/ Khí hậu, thời tiết: Vị trí cảng hàng không nằm ở vị trí có khí hậu mát mẻ, trong lành nhất Việt Nam và khu vực, do đó du khách trong và ngoài nước sau khí hạ cánh đến cảng hàng không Liên Khương, là đến nơi có khí hậu ôn hoà kết hợp với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, khiến cho hành khách có một cảm giác nhẹ nhàng sau những ngày làm việc căng thẳng.
10/ Là một trong những cảng hàng không khó tiếp đất ở Việt Nam: Cảng hàng không Liên Khương là một trong những cảng hàng không mẫn cảm với thời tiết nhất Việt Nam; bởi thực tế vào tháng 8 - 9 sương mù và mưa lớn, máy bay không tiếp đất được mà phải bay lòng vòng từ 10 - 15 phút chờ mưa tạnh và ít sương mù, có khi phải bay hạ cánh ở cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hoặc Cam Ranh chờ tạnh mưa mới bay lên hạ cánh được.
Như vậy, có thể nói rằng, việc nâng cấp cảng hàng không Liên Khương trở thành cảng hàng không quốc tế sẽ là cảng hàng không quốc tế đầu tiên tại khu vực Tây Nguyên. Khi trở thành cảng hàng không quốc tế sẽ có các đường bay thường lệ quốc tế đi - đến cảng hàng không Liên Khương, sẽ tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của tỉnh Lâm Đồng nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung; đây là công trình hạ tầng giao thông thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhanh nhất và có tính khả thi cao nhất thực hiện liên kết vùng; góp phần thu hút các nhà đầu tư và du khách, nhằm khai thác tiềm năng lợi thế vùng Tây Nguyên trong quá trình hội nhập quốc tế.
Theo lamdong.gov.vn