Du lịch canh nông 'hớp hồn' du khách

08/02/2019 3370 0
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nông nghiệp công nghệ cao, lại có thương hiệu thành phố du lịch Đà Lạt nổi tiếng, hai ngành du lịch và nông nghiệp đã bắt tay nhau tạo nên đặc sản du lịch 'hớp hồn' du khách khi tìm đến thành phố ngàn hoa.

Với mong muốn đưa đến tay người tiêu dùng sản phẩm dâu tây sạch, an toàn với giá bán sỉ, ông chủ trẻ Phan Tuấn Linh (37 tuổi, phường 11, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) đầu tư hệ thống nhà kính rộng 1.000m2 để trồng dâu. Dâu tây được trồng trong chậu đất hoặc trong máng đặt trên giá bằng sắt xếp từng hàng với hệ thống tưới nhỏ giọt, cùng chế độ chăm sóc đặc biệt hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật, vườn dâu tây giống New Zealand của Linh bắt đầu đơm hoa kết trái.

Du khách khám phá những vườn hoa Đà Lạt.

Anh đưa vườn dâu tây vào hoạt động du lịch, mở cửa tham quan miễn phí. Mỗi ngày, khu vườn đón từ 500 - 700 lượt khách, thậm chí những ngày cuối tuần hay ngày lễ con số này tăng đáng kể. Tất cả họ đều được tham quan, chụp ảnh với vườn dâu tây, uống trà Atiso miễn phí… đặc biệt trên vườn luôn có những trái dâu chín mọng cho khách thưởng thức và đội ngũ nhân viên sẵn sàng hướng dẫn các quy trình trồng dâu sạch. Cách làm tưởng chừng “khác người” này của Linh lại đem lại hiệu quá khá cao, khi mỗi ngày vườn dâu tây của anh cho năng suất trên dưới 10 kg trái, với giá bán 250.00 đồng/kg, giúp anh bỏ túi hàng chục triệu mỗi tháng.

Đến Đà Lạt, du khách có thể tham quan vườn bí ngô khổng lồ của ông Lê Hữu Phan (50 tuổi, ngụ ở số 50 đường Hồ Xuân Hương, TP.Đà Lạt) được cho là độc đáo bậc nhất Việt Nam với những quả bí nặng cả 100kg. Ông Lê Hữu Phan chia sẻ, ông từng làm nhiều năm cho một công ty Nhật Bản về giống cây trồng, sản xuất nông sản. Sau khi nghỉ làm, ông ở nhà trồng rau củ quả kinh doanh riêng. Đầu năm 2011, qua sự giới thiệu và giúp đỡ của bạn bè ở Mỹ, ông đã mua khoảng 100 hạt giống bí ngô khổng lề về trồng thử tại Đà Lạt. Ngoài vườn bí ngô độc đáo, ông Phan còn trồng nhiều loại rau, củ quả theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Vào vườn rau của gia đình Phan ông hút tầm mắt của du khách là những trái bí “khủng” nhiều màu sắc, dọc hai bên lối đi là những luống rau được trồng trên giàn. Phía sau vườn bí từng hàng cà chua đen, cà chua bi nối dài thẳng tắp trông rất đẹp mắt.

Hiện, gia đình ông Phan mở cửa vườn rau để du khách vào tham quan, chiêm ngưỡng và chụp hình bên những sản phẩm nông nghiệp độc đáo này. Khách ra về có thể mua những sản phẩm rau, củ, quả với giá bán sỉ tại vườn.

Những vườn hoa ngút ngàn tỏa sắc

Bên cạnh những sản phẩm du lịch đặc thù như: Tham quan, nghỉ dưỡng, sinh thái… Việc phát triển, khai thác tiềm năng, lợi thế của du lịch canh nông là hướng đi mới mà Lâm Đồng đang hướng tới. Theo thống kê, diện tích canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Lâm Đồng đạt 51.799ha, chiếm 18,57% tổng diện tích đất canh tác và là tỉnh đứng đầu trong cả nước áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Tại Đà Lạt hiện có 3 làng hoa đã được công nhận làng nghề truyền thống, gồm: Vạn Thành, Hà Đông, Thái Phiên. Du lịch canh nông tại Đà Lạt - Lâm Đồng hấp dẫn bởi các mô hình đều ứng dụng công nghệ hiện đại, sản phẩm đặc thù, mới lạ. Khâu chăm sóc được thực hiện bằng công nghệ tự động, điều khiển bằng máy tính. Sản phẩm cho năng suất cao, mẫu mã đẹp và an toàn đối với sức khỏe con người.

Du khách được vào vườn dâu hái từng quả dâu chín mọng.

Đến làng hoa Vạn Thành, 1 trong 5 làng hoa truyền thống của thành phố cao nguyên. Từ trên cao đã thấy cung bậc của sắc hoa hồng, salem, cẩm chướng, đồng tiền rực rỡ, trải dài theo triền núi, uốn lượn mềm mại bên bờ suối Cam Ly huyền thoại. Ngay giữa làng hoa là cả một không gian du lịch rau thủy canh. Nắng lên dịu nhẹ, lấp loáng trên dải nhà kính bao phủ thung lũng. Bên trong mỗi nhà kính, chủ nhân xây dựng bậc thang vừa đủ để du khách tham quan vườn với các lối đi được trang trí nhiều loài hoa. Khu du lịch này hiện đang thu hút lượng khách rất lớn trên hành trình khám phá xứ hoa. Chị Mai Lan, du khách đến từ Hà Tĩnh nhận xét: "Rất thú vị. Đến đây được trải nghiệm hai trong một, vừa tìm hiểu kiểu trồng rau ở lưng chừng trời, vừa được làm dáng cùng hoa trong tiếng nhạc dặt dìu theo bước chân".

Vốn chỉ quen với ruộng vườn, nhưng giờ đây nhiều nhà nông ở vùng đồi chè Cầu Đất và xã Trạm Hành đã mạnh dạn thử sức với công việc mới là làm du lịch. Ít ai nghĩ rằng, những công việc nhà nông như chăm sóc cây, thu hoạch nông sản lại có lúc trở thành "sản phẩm" phục vụ khách du lịch. Giống như nhiều nông hộ trong xã Trạm Hành, gia đình chị Hồng Loan trước đây chủ yếu sống bằng nghề nông, nhưng nay mở cửa đón khá đông khách du lịch trải nghiệm các công đoạn làm hồng treo gió. Trong thời gian ngắn, vườn hồng và cơ sở hồng sấy gió của chị Loan đã được nhiều người gần xa biết tiếng. Anh Lê Hoàng, du khách đến từ Cần Thơ cho biết: "Chúng tôi đã đến khá nhiều điểm du lịch nổi tiếng ở Đà Lạt, nhưng lần này được trải nghiệm đồi chè Cầu Đất, vào xem những công đoạn làm hồng sấy gió rất thú vị lại còn được tận tay chọn mua sản phẩm ngon và rẻ".

Thời gian qua, nhiều đoàn khách đã tìm đến các nhà vườn, trang trại tại Đà Lạt - Lâm Đồng để cùng ở, cùng làm nghề và trải nghiệm cuộc sống của người nông dân thời công nghiệp 4.0. Tại miền đất được thiên nhiên ưu đãi, cùng một nền nông nghiệp công nghệ cao đang ngày càng phát triển, nhiều nhà nông nơi đây đã hướng đến loại hình du lịch canh nông. Ngoài việc "xuất khẩu" sản phẩm tại chỗ, du lịch canh nông còn giúp thương hiệu nông sản của người nông dân Đà Lạt - Lâm Đồng lan xa…

Du lịch canh nông tạo thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm

Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, thông qua du lịch canh nông, các cơ quan quản lý nhà nước và các công ty lữ hành nắm được nhu cầu của du khách để hoàn thiện sản phẩm độc đáo phục vụ du khách mà không phải tốn nhiều chi phí. Du lịch canh nông là một trong những giải pháp tạo sản phẩm mới, tăng thời gian lưu trú của du khách. Nói về tiềm năng của lĩnh vực này, ông S đưa ra dẫn chứng các điểm du lịch canh nông rau thủy canh phường 5, TP.Đà Lạt; Công ty cổ phần sinh học Rừng Hoa; Công ty cổ phần chè Cầu Đất hàng năm đón trên 1 triệu lượt khách, tương đương với một số điểm du lịch nông nghiệp trên thế giới.

Du khách được hái cà phê cùng các chủ vườn.

Ông Trần Huy Đường, Giám đốc Công ty TNHH trang trại Langbiang Farm (Lâm Đồng) cho biết, doanh nghiệp của mình đã tạo ra thu nhập hàng chục tỷ đồng/năm nhờ đi theo hướng khác biệt trong đầu tư và kinh doanh, đó là vừa trồng rau, củ, quả, hoa kết hợp với mô hình cà phê để du khách đến tham quan và mua trái cây, rau tại vườn.

Du lịch canh nông tại Đà Lạt - Lâm Đồng hấp dẫn bởi các mô hình đều ứng dụng công nghệ hiện đại, sản phẩm đặc thù, mới lạ. Sản phẩm cho năng suất cao, mẫu mã đẹp và an toàn đối với sức khỏe con người. Hiện có 19 nông sản được đăng ký thương hiệu và hơn 940 trang trại, năm làng hoa truyền thống. Tỉnh Lâm Đồng cũng đã ban hành bộ tiêu chí công nhận mô hình "tuyến du lịch canh nông”, "điểm du lịch canh nông"; toàn tỉnh đã công nhận 23 điểm du lịch canh nông. Cùng với thương hiệu du lịch Đà Lạt, 15 năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã phát triển tốt nông nghiệp công nghệ cao; đa dạng cây trồng, vật nuôi, với 34 loại; tạo nền tảng để phát triển du lịch canh nông.

Bao năm nay, “thành phố ngàn hoa” mộng mơ, đắm say, quyến rũ vẫn luôn chuyển mình đi lên, vẫn luôn có thêm những sản phẩm du lịch thiết thực và độc đáo, hấp dẫn du khách.

Nguồn: baomoi.com

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu