Ông Trịnh Ngũ Thuân cõng cháu ngoại lên cây hái mận cho cháu trải nghiệm với thiên nhiên
• SỨC HÚT CỦA VƯỜN MẬN ĐÀ LẠT
Một buổi sáng tháng 5, từng đoàn khách đi ô tô, xe máy đến thăm vườn mận này. Cùng gia đình ba thế hệ đến thăm vườn mận, chị Lê Thị Liên (Bình Phước) vui vẻ chia sẻ: “Gia đình tôi từ Bình Phước lên du lịch Đà Lạt. Chúng tôi thấy trên mạng có vườn mận Trại Mát đang nổi tiếng hấp dẫn quá nên muốn đến thăm cho thỏa thích. Vào đây nhìn thấy cây, thấy trái đã ngon rồi. Tôi đã đi tham quan nhiều nơi, nhưng vườn mận này độc đáo vì nó là vườn mận ở Đà Lạt, trồng ngay trong nhà dân nên mình vẫn ham thích hơn chỗ khác”.
Có ông ngoại cõng cháu trai leo lên cây để cho cháu bé thích thú chạm vào cành lá và tự tay hái những trái mận ngay trên cây. Bên dưới, con gái, con trai dùng điện thoại chụp ảnh, quay lại những khoảnh khắc đẹp làm kỷ niệm; còn bà ngoại thì đứng dưới, không quên nhắc nhở ông cháu cẩn thận, bám chắc vào… Một góc sân vườn mận rộn rã tiếng nói cười. Vừa leo xuống, ông Trịnh Ngũ Thuân kể: “Ngày xưa, tôi thích trèo cây đến bây giờ vẫn cứ thích trèo. Một chuyến dã ngoại cuối tuần của gia đình thăm vườn mận Đà Lạt thật thích thú. Nhìn thấy trái mận ai cũng thích cả, đi chơi với các cháu, tôi muốn tạo niềm vui cho các cháu. Cây trái thì chỗ nào cũng có nhưng tôi nghe có vườn mận Đà Lạt thích lắm nên đưa gia đình đến tham quan. Tôi biết cây mận ở đất Bắc rất nhiều nhưng mận trồng tại Đà Lạt thành vườn thì hiếm nên tôi tò mò đến thăm để nhìn thấy thỏa mãn một lần trong đời. Giờ đây, cùng gia đình đứng trong vườn mận cảm giác thật gần gũi, cảm xúc rất riêng”.
“Lên tiktok thấy địa chỉ là đi, vườn mận thích quá, bà chủ thân thiện đem muối ớt ra mời mọi người dùng. Dù không thích ăn mận nhưng tôi thích thăm vườn, ngắm cảnh cho vui, còn các cháu thích hái mận, chụp hình”, chị Nguyễn Thị Quý (xã Phú Hội, Đức Trọng) cho biết.
Chủ vườn mận bà Lê Thị Ái (83C, Huỳnh Tấn Phát, Phường 11, TP Đà Lạt) phấn khởi cho biết: “Những cây mận tôi trồng khoảng 20 năm rồi, đợt trồng sau có cây 7 - 8 năm. Hiện nay, ngày nào cũng có khách, có ngày bán được 30 - 40 kg tại vườn; ngày khách ít cũng bán được mười mấy kg. Hơn 1 tháng nay, con tôi lên tiktok rao bán mận thì mấy đoàn khách vô nườm nượp, bình quân bán khoảng 20 kg/ngày. Không biết bao nhiêu là khách đổ về, có ngày cả hơn trăm khách”.
Chủ vườn mận kể: “Những gốc mận này được người anh làm bên Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đưa giống từ Sa Pa (Lào Cai) vô nhà tôi trồng thử nghiệm, xong nhà tôi trồng thấy ăn được nên tiếp tục trồng để trải nghiệm. Do đất mình rộng nên trồng nhiều để ăn, khi cây ra rộ mùa thì ăn không hết phải có khách đến ăn tha hồ và còn mua về. Giống mận tam hoa (khi chín ruột đỏ) và có 2 cây gọi là mận lốc (vỏ màu vàng, chín ruột cũng vàng, thơm ngon) khách hái hết trơn rồi. Mùa mận ở vườn này bắt đầu từ tháng 3 âm lịch (không nhuận), vị mận giòn, tươi, đậm vị, không mềm như mận từ ngoài Bắc chở vô và đây là mận sạch, không chăm bón, phun thuốc nên khách cứ hái ăn ngay trên cây không phải rửa, nhìn thấy khách ăn ngon, thích lắm”.
Chủ vườn mận bà Lê Thị Ái
• ĐỊNH DANH MẬN ĐÀ LẠT
Theo nghiên cứu tài liệu thông tin về Đà Lạt thì giống mận có lịch sử lâu đời được du nhập vào Ðà Lạt từ thập niên 30 của thế kỷ trước, do ông Louis Piere nhập vào Việt Nam, ban đầu được trồng ở Trại thực nghiệm Dankia, sau đưa về trồng đại trà ở trong nhà vườn Ðà Lạt, trồng nhiều ở khu vực Trại Hầm, Trạm Hành, Trại Mát, Ðịnh An, với 4 giống cơ bản là hồng Vân Nam xanh, Vân Nam đỏ, mận Trại Hầm và mận Pháp.
Vậy là mận Đà Lạt đã có quá trình hình thành và phát triển cùng với đô thị Đà Lạt đến nay tròn 130 năm tuổi. Hiện nay, cây mận vẫn hiện hữu trong vườn nhà của người dân Đà Lạt. Tuy nhiên, giống mận của Đà Lạt xưa đã đi vào dĩ vãng, phổ biến hiện nay là các giống mận được di thực từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào như một sự tiếp nối của một loài cây trái mang phong vị của ký ức Đà Lạt xưa.
Còn đó những nhà vườn Đà Lạt có đất rộng rãi, đặc biệt là ở các phường ngoại ô vẫn ưu ái cho gốc mận, gốc đào như lưu giữ hình ảnh mộc mạc, bình yên của Đà Lạt.
Hơn 10 năm trước, chúng tôi đã đến thăm vườn mận nhà chị Lưu Thị Minh Tâm (ở đường Trương Văn Hoàn, Phường 9, TP Đà Lạt) với những cây mận lúc đó có tuổi hơn 10 năm, là giống mận lấy từ Cao Bằng nhưng sinh trưởng ở Đà Lạt cho trái rất to và thu hoạch quanh năm, chín rộ vào 2 mùa cao điểm tháng 5 và tháng 11 âm lịch. Chị Tâm cho biết: “Chúng tôi chỉ trồng mận chơi thôi, cây dễ trồng, chăm sóc không khó lắm, 3 năm thì cây cho quả, càng về sau cây càng cho nhiều quả và đẹp mắt giống như cây cảnh cho đẹp nhà. Vườn mận này chỉ dành cho bạn bè, người thân, khách gia đình đến thăm, thưởng thức”. Hiện nay, vườn mận đã không còn vì gia đình chị Tâm đã phá bỏ để dành đất cho xây dựng nhà cửa.
Giờ đây, biết là vườn mận hút khách, có giá trị kinh tế cao, bán tại vườn giá ổn định 60 ngàn đồng/kg, nhưng chủ vườn mận Lê Thị Ái (Trại Mát) thổ lộ: “Chắc tôi không trồng thêm mận nữa đâu vì còn dành đất cho các loại cây trồng khác. Hơn nữa, năm nay khách khắp nơi đổ vô vườn đông quá. Có hôm, nhà tôi đóng cửa, cả gia đình đi du lịch 2 ngày ở Nha Trang, mà khách vẫn nườm nượp đến thăm vườn. Có đoàn vô không gặp chủ nhà thì cứ hái mận xong để lại tiền rồi đi”.
Bạn trẻ Nguyễn Hoàng Phi Long (Cần Thơ) đi cùng nhóm phượt chia sẻ: “Từ lâu nay, chúng ta biết Đà Lạt có dâu, bí, hoa, này nọ, mới đây, tôi coi trên tiktok thấy vườn mận Đà Lạt thích quá, tới nơi cảm thấy thú vị thật. Những vườn mận ở các tỉnh miền núi phía Bắc thì quen thuộc rồi, nay nghe thấy có vườn mận Đà Lạt gây tò mò muốn checkin xem sao. Sáng nay, ghé vườn tôi hơi bất ngờ vì đến các điểm tham quan du lịch phải mua vé, trả tiền, trả phí nhưng vô vườn này cứ tự do hái ăn thoải mái, cô chủ dễ thương nói “Tụi mày muốn ăn bao nhiêu cứ ăn, rồi mang về cô mới tính tiền”, hay quá. Thiệt sự tôi rất thích Đà Lạt, riêng với chỗ này làm tôi bất ngờ ấn tượng vì chủ vườn đã tạo cảm giác lưu luyến cho người đến thăm”.
Theo lamdong.gov.vn