Những đôi bàn tay biết nói

03/10/2023 1245 0
Số phận đã lấy đi của họ năng lực của một người bình thường, nhưng chí ít cũng bù lại cho họ một kiếp người sống nghĩa tình cùng nhau. Ở đó, họ cùng cộng đồng tạo nên sức mạnh của tình người từ những “đôi bàn tay biết nói”.

Quán cà phê không tiếng động

Nằm nép mình bên con đường Pasteur (TP Đà Lạt, Lâm Đồng), Lặng Art lâu nay đã trở thành chốn đi về của rất nhiều những em học sinh tại Trường Khiếm thính Lâm Đồng. Ở đó, những học sinh ấy được hòa mình vào không gian đông đúc của nhiều người tìm đến, nhưng lại rất ít tiếng động.

Chủ nhân của Lặng Art là một người bình thường. Anh Võ Anh Tuấn (39 tuổi, nhân viên một công ty du lịch lữ hành) đầy thấu cảm với những em nhỏ, những người có hoàn cảnh kém may mắn, vì bị khiếm khuyết đi một phần nào đó của sự bình thường. Nhìn những em học sinh của Trường Khiếm thính Lâm Đồng ngày lại ngày tự thu mình trong vỏ bọc của những nỗi niềm riêng tư, anh Tuấn cảm thấy buồn và thương hơn. Tuấn chia sẻ, quán cà phê Lặng Art ra đời không phải từ sự chuẩn bị trước cho mục đích kinh doanh ở miền sương lạnh này, mà tất cả khởi nguồn từ một sự tình cờ. Trong một lần khi đến Trường Khiếm thính Lâm Đồng, anh cảm động trước tấm lòng của các thầy cô với 120 học sinh đang học tại đây. Đồng thời, thán phục bàn tay khéo léo của các em khi làm ra những món đồ chơi, quà lưu niệm từ cây cỏ Đà Lạt. Anh rất trăn trở về việc làm của các em sau khi ra trường, cũng như những sản phẩm do chính tay các em làm ra.

Lặng Art là nơi các bạn khiếm thính làm việc.

Thời điểm ấy, những khó khăn cũng đổ dồn, chồng chất với những cán bộ, giáo viên tại Trường Khiếm thính Lâm Đồng. Cô Hiệu trưởng Trường Khiếm thính Lâm Đồng Nguyễn Thị Ngọc Minh với đầy tâm sự và niềm khắc khoải cho những học sinh của mình đến một ngày đã nói ra những trăn trở lòng mình với anh Tuấn, rằng: “Các em ở đây khéo tay lắm em. Các em vẽ tranh, làm đồ handmade từ những vật tái chế thành những vật hữu ích cho cuộc sống mà xinh xắn lắm. Nhưng, sản phẩm của các em không đến được với nhiều người. Ngoài kia rất nhiều người cũng đang quan tâm tới vật trang trí từ đồ tái chế mà chưa tiếp cận được”. Trước sự bày tỏ của cô, anh Tuấn có chút bối rối. Vì thật sự chưa biết phải làm gì cho được kết quả như ý. Rất nhiều ngày đêm sau đó anh suy nghĩ. Ông trời lấy đi một phần bình thường của những em nhỏ ấy, nhưng bù lại đó là sức sáng tạo, sự khéo léo, tính cần cù. Anh Tuấn đã thật sự kinh ngạc trước đôi tay khéo léo của các học sinh đang theo học tại trường, khi làm ra những món đồ từ cây, cỏ, hoa, lá.

Năm 2020, với số tiền hơn 200 triệu đồng dành dụm được, anh Tuấn quyết định đem đầu tư, cải tạo phần mái hiên của Trường Khiếm thính Lâm Đồng thành nơi trưng bày, giới thiệu các sản phẩm thủ công tự làm của học sinh nơi này, kết hợp với bán cà phê để tạo điều kiện cho các em có thể sống được bằng nghề. Cuối cùng, Lặng Art ra đời. Quán vừa là nơi các em bán trà, bánh, vừa là không gian trưng bày các sản phẩm thiên nhiên, đồ thủ công, vừa là nơi để các em gặp gỡ với mọi người. Có nhiều người, như Nguyễn Lương Quang (22 tuổi), bị câm điếc bẩm sinh. Sau khi học xong lớp 9 tại Trường Khiếm thính tỉnh Lâm Đồng, Quang trở về sống với gia đình. Trong lúc hoang mang, vô hướng vì chưa biết làm cách nào để tiếp tục cuộc sống ý nghĩa thì Quang được nhận vào làm tại Lặng Art. “Tôi mơ ước sau này tự mình có thể mở được một quán cà phê như Lặng Art để tạo thêm công việc cho những người cùng cảnh ngộ”, Quang bộc bạch. Hay như Hương, một cô bé 16 tuổi ước mơ trở thành giáo viên, để có thể sau này dạy cho các em ở chính trường khiếm thính này. Hương làm việc tại quán và ấp ủ giấc mơ đi học sư phạm như thế.

Khi anh Tuấn quyết định mở quán, anh lặng lẽ đóng từng chiếc bàn, tự tay đắp từng viên gạch trong khi chẳng biết gì về xây dựng. Từ từ tìm kiếm, kết nối thêm với những nhà sản xuất để đa dạng thêm hàng hóa. Tìm nơi học và dạy cách pha cà phê ngon, trà ngọt. Học cách vận hành, tổ chức quán. Rồi học cả cách kết nối với các em khiếm thính. Quán cà phê ra đời như một câu chuyện cổ tích, với mặt bằng rộng chưa đầy 100 m2 được dựng ngôi nhà gỗ mở cửa ra đường để tiện cho du khách. Các học sinh lớn trong trường tự nguyện tham gia vào việc bài trí cho quán bằng những sản phẩm tự tay làm ra. Nhưng, đại dịch COVID-19 đã phủ trùm lên mọi công sức của anh và nhà trường, cũng như các em học sinh. Trong 2 năm đại dịch, anh Tuấn phải xoay đủ đường để đủ kinh phí lo các nhân viên.

Quán cà phê có cái tên khá là đặc biệt: Lặng Art. Mà “Lặng” có nghĩa là không nói. Lặng còn có nghĩa làm trong âm thầm lặng lẽ. Nhân viên ở Lặng Art chỉ chăm chú làm và không nói, khách đến đây cũng... im lặng và chỉ cần chỉ tay vào thực đơn để gọi đồ uống hoặc dùng ngôn ngữ kí hiệu, cũng có thể gọi món bằng cách viết ra giấy tên đồ uống. Tất cả diễn ra trong yên lặng và những nụ cười. Những ngày đầu mở quán, khi biết rằng Lặng Art là nơi có các bạn khiếm thính làm việc, thi thoảng sẽ có những bạn khiếm thính khác ghé chơi. Các bạn ghé đến như những vị khách bình thường, uống trà, ăn bánh và thanh toán tiền. Khi được hỏi, các bạn cười bảo là ghé đến ủng hộ Lặng Art, vì đây là nơi có các bạn khiếm thính làm việc. Dần dần, Lặng Art như một địa điểm hẹn hò thường trực của các bạn vậy. Các bạn ghé đến đợi bạn của mình tan giờ làm để hẹn nhau đi chơi, đi ăn. Các bạn ghé đến để hỏi bạn mình về bài vở, gặp gỡ. Các bạn ghé đến để xem tranh, xem quà và để níu thêm những yêu thương cho cuộc đời này.

Nốt lặng chốn phù hoa

Nhiều người, khi tìm đến Lặng Art đều vô cùng ngạc nhiên, có không ít người sửng sốt không chỉ bởi vẻ đẹp đầy hoài cổ của địa điểm này. Nơi ấy đã vượt ra khuôn khổ của địa điểm giải trí, thư giãn. Đó còn là nơi chắp cánh cho những ước mơ không nói bằng lời. Nơi có thể chứng kiến, tận hưởng vẻ đẹp của cuộc sống được kiến tạo từ sự chân thành, tình thương yêu, không bao giờ từ bỏ niềm hy vọng cùng niềm tin mãnh liệt vào khả năng con người dù trong bất kỳ hình hài, hoàn cảnh nào. Mà ở đó, cả không gian như tĩnh lặng để nghe được từng nhịp thở, từng nhịp tim của mỗi người. Trong cuốn sổ lưu niệm đặt tại Lặng Art, có rất nhiều người khi đến đây đã để lại những cảm xúc, những sự khâm phục và nhiều lời động viên. Rằng “Hãy luôn giữ vững trong mình luồng suy nghĩ tích cực, lạc quan yêu đời cho dù khó khăn vẫn luôn túc trực, tồn tại song song. Mọi chuyện đều có cách giải quyết. Mọi chuyện rồi sẽ ổn cả thôi. Hãy tin vào những phép màu kỳ diệu sẽ luôn xuất hiện trong cuộc sống nhiều mảnh ghép này. Giữ vững đức tin và gắng bước tiến tới một tương lai tươi sáng phía trước...”.

Lặng Art là nơi các bạn khiếm thính làm việc. Nhưng, ngoài ra, hằng tuần, mỗi tối Thứ bảy còn có một đêm nhạc được trình diễn bởi những “nghệ sĩ đặc biệt”, là những bạn khiếm thị tại Đà Lạt. Đêm nhạc là chuỗi bài hát và cha, về mẹ, về gia đình. Bởi gia đình là mãi mãi, là điều tuyệt vời nhất với mỗi chúng ta. Với các em, các bạn có hoàn cảnh đặc biệt thì gia đình càng là điều gì đó thiêng liêng, là điểm tựa để các em dựa vào.

Đà Lạt mùa này ngân ngấn những mưa. Từng giọt mưa rơi nhẹ xuống mái hiên càng làm không gian Lặng Art thêm tĩnh lặng. Những cậu bé cô bé chưa đầy 15 tuổi, hay những bạn nhân viên đã gần 20 đều chăm chỉ chau chuốt những sản phẩm của mình. Thi thoảng họ lại nhìn nhau, cười và nói những câu động viên bằng ngôn ngữ ký hiệu. Tất cả đều yên lặng để những người khách yêu hơn những mảnh đời bất hạnh, thiếu may mắn của những cô cậu nhỏ này. Những giai điệu mưa như khắc vào trong không gian hoài cổ của Lặng Art những nốt trầm đầy lưu luyến. Những người khách đến đây một phần vì cách bài trí mộc mạc, dễ gần, đầy màu sắc, quả thực rất hợp hạp với sở thích và tâm trạng của từng người. Họ tìm đến vì cả những món đồ handmade tại đây, hầu như đều được chính những đôi bàn tay khéo léo của các bạn trẻ làm ra. Những món đồ dễ thương, giản đơn, nhưng lại nhuộm đầy màu của hy vọng, của nỗ lực, của sự cố gắng vươn lên trong cuộc sống như chính cái tuổi đời non dại mới lớn của những học sinh thiếu khuyết ấy. Các vật phẩm trang trí rất mộc và dễ thương. Ở đây, khách hàng cũng ít nói chuyện, có vẻ cũng “lặng” đi ngẫm nghĩ điều gì đó của bản thân vậy. Trong ánh mắt của nhiều người khi đến đây, có lẽ đều nhận ra một điều rằng khi số phận của một con người lúc sinh ra, không được may mắn bằng bè bạn đồng trang lứa, thì bản thân sẽ phải luôn cố gắng gấp đôi người khác. Mạnh mẽ, kiên cường, tự mình mà phấn đấu, để đương đầu, để vượt lên số phận nghiệt ngã.

Anh Võ Anh Tuấn (đeo kính, ở giữa) nhiều năm dành tâm huyết cho các em khuyết tật.

Anh Tuấn trầm tư bên khu cửa hướng ra phía mênh mông, anh còn suy tính đến việc làm sao phát triển được Lặng Art, sắp tới trường này sẽ nhập với trường khác, nếu được ban giám hiệu mới phối hợp anh sẽ kêu gọi thêm các nhà tài trợ, xây dựng nơi đây thành một làng nghề của trẻ khuyết tật, tạo việc làm cho các em đã ra trường và là địa điểm dạy nghề cho các em đang theo học. Với lợi thế của một người làm trong ngành du lịch lữ hành, anh Tuấn sẽ xây dựng địa điểm này trở thành một điểm du lịch để thu hút du khách tới tham quan trải nghiệm, tiêu thụ sản phẩm cho trẻ khuyết tật. Còn với nhà trường, một niềm trăn trở của những người cán bộ giáo viên nơi đây vẫn là con đường học hành của các bạn trẻ. Bởi, Trường Khiếm thính Lâm Đồng không có cấp học THPT dành cho học sinh câm điếc. Những học sinh có điều kiện kinh tế gia đình khá giả, muốn đi học tiếp bậc THPT thì xuống Đồng Nai. Nhưng, đa số học sinh của trường đều có gia cảnh khó khăn. Bởi vậy, niềm mong mỏi của cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Ngọc Minh và những học sinh khiếm thính vẫn là được mở thêm một lớp ở cấp học THPT tại Trường Khiếm thính Lâm Đồng, để các học sinh chuyên biệt có thêm thời gian chuẩn bị, tiếp thu đủ kiến thức trước khi bước ra xã hội. Và, chỉ cần một khoản kinh phí rất nhỏ để mở một lớp ở bậc học THPT, sẽ giúp các em được học cao hơn, đỡ phần vất vả.

Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Minh nói thêm: “Tôi mong sẽ có thêm nhiều quán cà phê như Lặng Art, cũng như có nhiều Võ Anh Tuấn hơn nữa để không chỉ nhiều cựu học sinh của Trường Khiếm thính Lâm Đồng, mà còn ở nhiều nơi khác thêm cơ hội hòa nhập cuộc sống bằng chính sức lao động và sản phẩm của mình”.

Theo cand.com.vn

 

 

 

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu