Ngày 14/8, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quyết định phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp tỉnh: đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” tại Nhật Bản và Hàn Quốc.
Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Voco (Lâm Đồng) phối hợp với đối tác, mang cà phê được cấp chứng nhận “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, chinh phục người tiêu dùng Nhật Bản.
Triển khai thực hiện trong 24 tháng, mục tiêu của nhiệm vụ KH&CN này nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý phục vụ công tác quản lý, kiểm soát sử dụng nhãn hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”: quy chế quản lý sử dụng; bộ tiêu chí sản phẩm; quy định kiểm soát; quy trình sản xuất – thu hoạch – bảo quản; bảo hộ thành công nhãn hiệu tại Nhật Bản và Hàn Quốc.
Các sản phẩm sẽ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” tại Nhật Bản, gồm: rau (khoai lang, rau đông lạnh); cà phê hạt, cà phê xay; hoa cúc, hoa lan. Tại Hàn Quốc gồm: rau (quả ớt, củ cải, cà rốt, hành tỏi, xà lách); cà phê hạt, cà phê xay; hoa cúc.
Theo Sở KH&CN tỉnh Lâm Đồng, sau khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” thành công tại Nhật Bản và Hàn Quốc, sẽ tiếp tục triển khai đăng ký tại Singapore và Trung Quốc. Đây là các thị trường xuất khẩu trọng điểm đối với ngành hàng rau, hoa, cà phê của tỉnh Lâm Đồng.
Về sản phẩm rau, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Lâm Đồng năm 2021 vào khoảng 53 triệu USD, trong đó các sản phẩm xuất khẩu chủ lực bao gồm: nhóm rau ăn lá (xà lách, bắp cải), nhóm rau ăn củ (khoai lang, khoai tây, cà rốt, hành), nhóm rau ăn quả (cà chua, ớt chuông, bí ngồi). Các quốc gia nhập khẩu chính gồm Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hoa của tỉnh Lâm Đồng năm 2021 vào khoảng 57 triệu USD, trong đó các sản phẩm xuất khẩu chủ lực bao gồm giống hoa (61%), hoa cúc (24%), hoa cẩm chướng (4%) và hoa hồng (2,4%). Các quốc gia nhập khẩu chính gồm Nhật Bản, Đan Mạch, Quần đảo Virgin thuộc Anh, Úc, Trung Quốc.
Tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê nhân của tỉnh Lâm Đồng năm 2021 vào khoảng 103 triệu USD, trong đó chủ yếu xuất khẩu cà phê Robusta hạt xanh. Cà phê Arabica Cầu Đất mặc dù là một đặc sản của tỉnh và được đánh giá cao về chất lượng nhưng sản lượng không đủ để xuất khẩu. Các quốc gia nhập khẩu chính gồm Thụy Sỹ, Ý, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Đức.
Nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ vào tháng 12/2017, cho 4 nhóm sản phẩm: rau, hoa, cà phê Arabica và du lịch canh nông. Phạm vi bảo hộ được thực hiện trên địa bàn TP Đà Lạt, huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần của huyện Lâm Hà.
Tháng 5/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã thống nhất mở rộng sản phẩm của thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành", đối với: hồng ăn quả và các sản phẩm từ quả hồng; dâu tây và các sản phẩm từ quả dâu tây; atiso và các sản phẩm từ atiso; đông trùng hạ thảo tươi, khô và các sản phẩm từ đông trùng hạ thảo; nấm linh chi tươi, khô và các sản phẩm từ nấm linh chi; trà Oolong.
Đến nay, UBND TP Đà Lạt - đơn vị được giao quản lý nhãn hiệu, đã cấp quyền cho 674 tổ chức, cá nhân sử dụng nhãn hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” (trong đó sản phẩm hoa chiếm 82,6%, rau chiếm 13,8%, cà phê chiếm 2% và du lịch canh nông chiếm 1,4%).
Độ phủ của việc cấp quyền tăng nhanh qua các năm cho thấy hoạt động phát triển của nhãn hiệu đã đạt được kết quả nhất định, góp phần quảng bá thương hiệu và nâng cao lợi thế cạnh tranh sản phẩm và thu nhập của tổ chức, cá nhân sử dụng. Nhãn hiệu này ngày càng phổ biến và được biết đến, góp phần khẳng định vị trí, định vị thương hiệu “Đà Lạt” tại thị trường Việt Nam và một số nước trên thế giới.
Theo baodaknong.vn