Phát triển du lịch nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và bảo vệ môi trường
Theo đó, việc nâng cấp, đầu tư phát triển các điểm du lịch nông thôn gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới cần sự hỗ trợ đầu tư, nâng cấp, chuẩn hóa từ các điểm du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề và môi trường sinh thái; ưu tiên tập trung tại địa bàn nông thôn có tiềm năng phát triển mạnh về du lịch (TP Đà Lạt và Bảo Lộc, các huyện Lạc Dương, Lâm Hà).
Khách du lịch thích thú với sản phẩm dệt truyền thống ở thôn B’nơ C (Lạc Dương)
Những nội dung trong phát triển du lịch nông thôn là thiết kế, cải tạo cảnh quan kiến trúc và môi trường trong không gian điểm du lịch; xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ tại các điểm du lịch (giao thông, hệ thống điện và nước sạch, hạ tầng y tế và chăm sóc sức khỏe, nhà vệ sinh, điểm và bãi đỗ xe, hệ thống chỉ dẫn, chỉ báo, hạ tầng số và kết nối viễn thông, thu gom và xử lý rác, nước thải,...). Đồng thời, các điểm du lịch nông thôn cần được hỗ trợ xây dựng và phát triển các hạ tầng dịch vụ (điểm dừng chân, điểm trưng bày sản phẩm đặc sản địa phương, ăn uống, giải khát, vệ sinh,...) dọc theo tuyến đường giao thông gắn với điểm du lịch; xây dựng các điểm, nhà trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề truyền thống, đồ lưu niệm tại các tuyến đường chính, trạm dừng chân, các địa điểm thu hút khách du lịch…
Du lịch nông thôn ưu tiên phát triển các mô hình có sản phẩm du lịch đặc sắc và có hiệu quả kinh tế cho từng địa phương
Một nội dung quan trọng khác của phát triển du lịch nông thôn là sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng địa phương. Toàn tỉnh sẽ xây dựng ít nhất 15 sản phẩm du lịch trải nghiệm quy trình sản xuất và chế biến một số nông sản đặc trưng của tỉnh, sản phẩm OCOP gắn với mô hình nghỉ dưỡng sinh thái, các tài nguyên thiên nhiên sẵn có tại các vùng nông thôn (mô hình sinh thái kết hợp tham quan vườn trái cây, dược liệu, cà phê, rau, hoa... gắn với trải nghiệm tham quan lòng hồ, thác nước, các điểm du lịch lân cận); mô hình du lịch làng nghề truyền thống kết hợp với du lịch trải nghiệm, du lịch bản địa; mô hình du lịch sinh thái, du lịch canh nông kết hợp nghỉ dưỡng theo 3 cụm không gian du lịch, gồm: TP Đà Lạt và các vùng phụ cận trở thành đô thị du lịch; cụm du lịch TP Bảo Lộc và các vùng phụ cận; cụm du lịch các huyện phía Nam trở thành vệ tinh và phát triển điểm dừng chân, các điểm khu du lịch gắn với các tuyến giao thông chiến lược, là: Cụm Cảng hàng không Liên Khương, Quốc lộ 20, đường cao tốc Giầu Dây - Tân Phú; Bảo Lộc - Liên Khương; Quốc lộ 27B; tỉnh lộ 723...
Du lịch nông thôn chú trọng việc nâng cấp, đầu tư phát triển cảnh quan, kiến trúc và môi trường trong không gian điểm du lịch
Trong đó, những nội dung được xem xét hỗ trợ, là: trang thiết bị, máy móc, đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ; đổi mới, hoàn thiện công nghệ, quy trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản...; chuẩn hóa sản phẩm gắn với lợi thế của từng địa phương; nâng cấp, hoàn thiện các cơ sở lưu trú và các công trình dịch vụ; hỗ trợ bảo tồn, phục dựng và phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển sản phẩm đặc sản, truyền thống (không gian văn hóa cồng chiêng gắn với ngành dệt thổ cẩm truyền thống, làm rượu cần của các dân tộc); hỗ trợ xây dựng và số hóa thông tin, tài liệu thuyết minh về các di tích văn hóa, lịch sử, điểm du lịch sinh thái và làng nghề truyền thống... gắn với du lịch nông thôn.
Chương trình phát triển du lịch nông thôn sẽ xây dựng mô hình chuỗi liên kết du lịch, theo phương thức: rà soát, lựa chọn các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn có đủ điều kiện đáp ứng tiêu chí OCOP “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch” để định hướng cho các tổ chức kinh tế, hộ gia đình; nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm và trình độ chuyên nghiệp theo tiêu chí OCOP; lựa chọn các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, có tiềm năng phát triển du lịch để cải tạo cảnh quan, không gian quanh khu vực sản xuất tạo tiền đề cho phát triển du lịch trải nghiệm nông nghiệp (farmstay), du lịch sinh thái kết hợp với văn hóa bản địa; tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP “dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch” theo quy định.
Tỉnh cũng sẽ xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững. Cụ thể, sẽ lựa chọn và hỗ trợ xây dựng thí điểm các mô hình phát triển du lịch nông thôn theo các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch làng nghề, du lịch trải nghiệm... Ưu tiên các mô hình có sản phẩm du lịch đặc sắc cho từng địa phương và có hiệu quả kinh tế; hướng tới việc nâng cao ý thức và trách nhiệm của mọi tác nhân trong chuỗi giá trị du lịch (nhà quản lý, doanh nghiệp lữ hành, cộng đồng và du khách,...) trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường; sử dụng nguyên liệu và lao động tại chỗ; có áp dụng các giải pháp về chuyển đổi số; huy động sự tham gia của phụ nữ, người nghèo, người dân tộc thiểu số, các đối tượng yếu thế để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.
Trong đó, phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, chú trọng tính kết nối của kết cấu hạ tầng; phát triển năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong hoạt động du lịch (năng lượng mặt trời, năng lượng gió, khí sinh học) để hỗ trợ trong việc sản xuất, kinh doanh; đầu tư hệ thống thu gom, phân loại và tái chế nhằm tái sử dụng nước thải, rác thải cho các mục đích khác nhau; hỗ trợ bảo tồn, phục dựng và phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống; hỗ trợ xây dựng và số hóa thông tin, tài liệu thuyết minh về các di tích văn hóa, lịch sử, điểm du lịch sinh thái và làng nghề truyền thống,... gắn với du lịch nông thôn.
Theo baolamdong.vn