THÀNH PHỐ ÂM NHẠC ĐÀ LẠT

17/07/2023 1607 0

1. GIỚI THIỆU/TRÌNH BÀY TỔNG QUAN VỀ THÀNH PHỐ

Là thủ phủ 130 tuổi của tỉnh Lâm Đồng thuộc Nam Tây Nguyên Việt Nam, với dân số 232.407 thuộc 20 dân tộc, Đà Lạt có sứ mệnh gìn giữ vẻ đẹp thiên nhiên và tiếp thêm sinh lực cho con người thông qua âm nhạc, như câu cách ngôn tiếng Latinh dành riêng cho thành phố: Cho người này nguồn vui, cho người khác sự mát mẻ.

Nằm trên cao nguyên LangBiang với thời tiết ôn hòa, hoàng hôn đỏ rực và rừng thông cùng cảnh quan kiến trúc kiểu Pháp nên thơ, Đà Lạt với danh xưng Thành phố của những bản tình ca là sân khấu âm nhạc ngoài trời độc nhất ở Việt Nam với hàng chục không gian biểu diễn lớn nhỏ. Đà Lạt sở hữu đa dạng biểu đạt văn hóa với các loại hình âm nhạc từ âm nhạc truyền thống như cồng chiêng Tây Nguyên đến nhạc acoustic, nhạc sống và âm nhạc đường phố gắn với tên tuổi của Trịnh Công Sơn, Khánh Ly, Krajan Dick hay Hà Anh Tuấn..., cùng sự tham gia tích cực của cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.

Giáo dục âm nhạc trong ca đoàn, câu lạc bộ cộng đồng và các chương trình liên kết đào tạo đóng vai trò quan trọng nuôi dưỡng năng lực sáng tạo của giới trẻ.

Là chính quyền do Nhân dân bầu lên, Đà Lạt đang triển khai phương thức quản trị hệ thống và phát triển đô thị thông minh. Thành phố ưu tiên đầu tư vào hoạt động âm nhạc thông qua cơ chế hợp tác công-tư-người dân. Cơ cấu kinh tế tập trung vào thương mại dịch vụ (67,66%) gắn với phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo khiến thành phố năng động hơn trong các cơ hội hợp tác quốc tế.

Thành phố tin rằng, nếu trở thành thành viên của UCCN, Đà Lạt không chỉ hiện thực hóa chiến lược quốc gia phát triển mạng lưới các thành phố sáng tạo mà còn có cơ hội trở thành thành phố âm nhạc đầu tiên của Việt Nam góp phần củng cố mạnh mẽ hơn vị trí của khu vực Đông Nam Á trên bản đồ âm nhạc thế giới.

2. CƠ HỘI PHÁT TRIỂN CHÍNH VÀ THÁCH THỨC THÀNH PHỐ ĐANG ĐỐI MẶT - SỬ DỤNG SÁNG TẠO NHƯ MỘT NHÂN TỐ THÚC ĐẨY HÀNH ĐỘNG

Đà Lạt xem văn hóa, đặc biệt là sáng tạo âm nhạc, là nhân tố cốt lõi để thúc đẩy hội nhập quốc tế, phát triển đô thị bền vững, gắn kết mọi nhóm xã hội, mọi dân tộc và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Vị trí chiến lược, sự hài hòa giữa tự nhiên và con người, cùng quyết tâm chính trị mạnh mẽ của chính quyền mở ra cho thành phố cơ hội thu hút nguồn lực phát triển, lực lượng sáng tạo.

Đà Lạt có tiềm năng về âm nhạc và nguồn nhân lực chất lượng, tuy nhiên thành phố lại thiếu hệ thống đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp tương xứng. Thành phố cũng đang phải đối mặt với các áp lực đến từ phát triển du lịch và nông nghiệp chưa thực sự bền vững, gây sức ép lên cơ sở hạ tầng và môi trường tự nhiên của thành phố.

Đà Lạt sẽ có cơ chế để tiếp tục thu hút đầu tư nhằm phát triển một hệ sinh thái âm nhạc năng động làm nền tảng phát triển kinh tế sáng tạo, tạo sinh kế và tăng cường hưởng thụ văn hóa cho người dân địa phương. Sự chuyển dịch kinh tế lấy âm nhạc làm trọng tâm sẽ đảm bảo tăng trưởng kinh tế ít gây tác động tiêu cực đến môi trường, thậm chí còn là động lực giúp chỉnh trang, bảo tồn tốt hơn cảnh quan tự nhiên và văn hóa của thành phố.

3.CÁC CHIẾN LƯỢC VÀ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN TOÀN CẦU

Các chiến lược và chính sách của chúng tôi chi tiết hóa Quy hoạch chung của thành phố tầm nhìn đến 2050, phù hợp với Kế hoạch hành động cấp quốc gia và cấp tỉnh thực hiện Chương trình nghị sự 2030, tập trung vào con người, sự sáng tạo của họ và tính bền vững môi trường.

Với Kế hoạch thực hiện Chiến lượcphát triển văn hóa đến năm 2030 dẫn dắt, chúng tôi hỗ trợ MONDICULT 2022 bằng cách tận dụng hàng hóa và dịch vụ văn hóa phục vụ lợi ích và sự giàu có của cộng đồng (SDGs 4,11,16). Lấy các dân tộc thiểu số làm trung tâm (SDGs 1,10,16), Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2023 giúp bảo tồn truyền thống và xây dựng sự đa dạng (SDGs 4,12).

Hành trình Đà Lạt trở thành Thành phố Bền vững về Môi trường ASEAN (2017) và Thành phố Du lịch Sạch (2022) sẽ tiếp tục với các kế hoạch thành phố thông minh và tăng trưởng xanh (SDG9) và nông nghiệp công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm bảo tồn cảnh quan sinh thái - xã hội độc đáo của Đà lạt. Chiến lược đối ngoại và hợp tác của chúng tôi củng cố hiệu quả của kế hoạch thực hiện SDG 17.

4. TÁC ĐỘNG DỰ KIẾNCỦA DANH HIỆU VÀ TRỞ THÀNH THÀNH VIÊN CỦA MẠNG LƯỚI ĐỐI VỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CỦA THÀNH PHỐ

Là thành phố âm nhạc UCCN đầu tiên của Việt Nam, Đà Lạt sẽ trở thành nơi kết nối trọng điểm về âm nhạc của Việt Nam với quốc tế thông qua trao đổi kinh nghiệm và thực hành tốt nhất giữa các thành phố trong mạng lưới, đặc biệt là khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Các dự án và sự kiện âm nhạc, chương trình đào tạo và lưu trú quốc tế sẽ được thực hiện để nuôi dưỡng nguồn nhân lực âm nhạc chất lượng cao, phát triển cộng đồng âm nhạc có thị hiếu đa dạng, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư và kinh doanh của các doanh nghiệp sáng tạo.

Trong 4 năm đầu tiên sau khi đạt được danh hiệu, với sự tham gia của các bên liên quan, Đà Lạt sẽ huy động được nguồn lực bước đầu của địa phương, quốc gia và châu Á để tiếp tục lưu truyền di sản âm nhạc của Đà Lạt gồm dân ca, dân vũ, đặc biệt là Cồng chiêng Tây Nguyên; đồng thời phát triển các loại hình âm nhạc đương đại, và khám phá sự tương tác mới mẻ giữa chúng.

Tác động lâu dài của việc trở thành thành phố sáng tạo âm nhạc thuộc UCCN là một xã hội bao trùm, gắn kết, và một nền kinh tế bền vững và năng động hơn nhờ vào đa dạng hóa các hoạt động kinh tế với các công việc sáng tạo chất lượng, đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc.

5. QUY TRÌNH CHUẨN BỊ ĐƠN ĐĂNG KÝ

Hồ sơ đăng ký của Đà Lạt kế thừa từ nghiên cứu tiền khả thi Đề án Phát triển Mạng lưới các thành phố sáng tạo Việt Nam nằm trong UCCN của MOCST (2021). Năm 2022 UBND thành phố phối hợp cùng các đơn vị thuộc MOCST tiến hành khảo sát, đánh giá tổng thể sự phát triển các ngành công nghiệp văn hoá và xác định sáng tạo âm nhạc là thế mạnh của thành phố.

Thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo, tổ biên soạn, bộ phận truyền thông, giúp việc để xây dựng hồ sơ. Chúng tôi đã tổ chức nhiều tọa đàm, 01 Hội thảo tham vấn quốc tế và nhận được sự đồng thuận của các nhà quản lý, nghệ sỹ, người thực hành sáng tạo, doanh nghiệp, nghệ nhân dân gian, đặc biệt là giới trẻ thuộc cộng đồng dân tộc thiểu số và sự hỗ trợ của các chuyên gia, tổ chức trong nước và quốc tế về âm nhạc và các lĩnh vực văn hoá khác.

Mọi người tin rằng việc Đà Lạt ứng cử UCCN sẽ hình thành tiêu điểm sáng tạo mới thu hút cộng đồng thực hành âm nhạc trong nước và quốc tế; nâng cao vai trò của các Hội; thúc đẩy hoạt động kinh doanh, đầu tư của các doanh nghiệp; cung cấp các sản phẩm và dịch vụ âm nhạc có chất lượng cho người dân, giúp bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật âm nhạc truyền thống của các tộc người và góp phần định hình các giá trị mới cho các ngành văn học, nghệ thuật dân gian, ẩm thực, điện ảnh.

6. CÁC NGUỒN LỰC/TÀI SẢN SO SÁNH (COMPARATIVE ASSETS) CỦA THÀNH PHỐ THAM GIA ỨNG TUYỂN ĐƯỢC TẠO RA CHO MẠNG LƯỚI

6.1. Vai trò và các nền tảng của lĩnh vực sáng tạo Thành phố lựa chọn đến lịch sử và sự phát triển của thành phố

Âm nhạc là ngôn ngữ chung kết nối mọi người, là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng của thành phố.

Âm nhạc biểu đạt đời sống văn hóa, qua đó ngôn ngữ mẹ đẻ, lịch sử, và tri thức bản địa của các cộng đồng dân tộc được lưu truyền. Âm nhạc góp phần lưu giữ, phát huy di sản cồng chiềng trong Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Những năm 1960s, các nghệ sĩ đã chọn Đà Lạt là nơi chốn an toàn để sáng tác, biểu diễn những ca khúc chữa lành tâm hồn, khơi dậy tình yêu hòa bình, yêu con người và quê hương. Buổi biểu diễn đầu tiên của phong trào du ca Việt Nam (1965) được tổ chức tại Trường đại học Đà Lạt ngày nay. Giai đoạn này cũng đánh dấu những câu chuyện và bản tình ca trường tồn cùng thời gian của Trịnh Công Sơn, Khánh Ly, Lê Uyên Phương, v.v.

Từ khởi nguồn này một đời sống âm nhạc độc đáo đã định hình tại Đà Lạt dưới các hình thái đa dạng như âm nhạc đường phố, nhạc acoustic tại các phố đi bộ, các phòng trà, quán cà phê. Đà Lạt nuôi dưỡng các ban nhạc đương đại như Cá Hồi Hoang, và tiếp tục chào đón các nghệ sỹ từ khắp nơi đến biểu diễn như Trần Tiến, Hà Anh Tuấn, Lê Cát Trọng Lý, v.v.

6.2.Tầm quan trọng hiện tại của ngành văn hóa, đặc biệt của lĩnh vực sáng tạo Thành phố lựa chọn, về mặt kinh tế và sự năng động của ngành văn hóa và lĩnh vực này. Thông tin có thể được hỗ trợ chứng minh bằng dữ liệu, số liệu thống kê và các chỉ số khác về đóng góp của chúng đối với phát triển kinh tế và tạo việc làm cho thành phố, số lượng doanh nghiệp văn hóa, v.v

Đà Lạt luôn thu hút lực lượng sáng tạo trong cả nước nhờ vào hệ sinh thái có khả năng kích hoạt thị trường sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm văn hóa. Đến với Đà Lạt vào cuối tuần để tái tạo năng lượng từ thiên nhiên ôn hòa, ẩm thực tinh tế và đặc biệt là tận hưởng những buổi biểu diễn âm nhạc trong ánh hoàng hôn đã trở thành một xu hướng du lịch âm nhạc rất riêng của thành phố. Xu hướng này lôi cuốn giới trẻ và mở ra một thị trường năng động góp phần thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa của Đà Lạt đóng góp 3,37% GRDP của Đà Lạt năm 2019.

Hiện nay, với 278 doanh nghiệp văn hóa và hơn 5000 lao động, trong đó có 32 doanh nghiệp với 700 lao động hoạt động về âm nhạc, cùng gần chục không gian sáng tạo, Đà Lạt đã trở thành tiêu điểm sáng tạo âm nhạc của Việt Nam. Hoa Sen SoundFest 2023 có sự tham gia của dàn nhạc giao hưởng Romania và 38 tiết mục biểu diễn của nghệ sĩ trong nước, quốc tế, thu hút gần 15,000 khán giả là ví dụ sống động về sức phục hồi sau đại dịch Covid-19 bằng năng lực sáng tạo và kết nối quốc tế của Đà Lạt.

6.3. Các cộng đồng và nhóm khác nhau tham gia và/ hoặc hưởng sinh kế từ lĩnh vực sáng tạo Thành phố lựa chọn

Đà Lạt hiện có 32 doanh nghiệp về tổ chức biểu diễn nghệ thuật, 37 đơn vị dạy nhạc và gần 100 điểm du lịch văn hoá. Các hộ kinh doanh và doanh nghiệp này hưởng lợi kinh tế và việc làm trực tiếp từ sự phát triển của ngành âm nhạc tại địa phương.

Nghệ sỹ, người thực hành âm nhạc và các nghệ nhân âm nhạc truyền thống tại 16 câu lạc bộ văn nghệ cơ sở, câu lạc bộ cồng chiêng, 55 ca đoàn và 6 không gian sáng tạosẽ có nhiều hoạt động âm nhạc trong một môi trường dung dưỡng tốt với sự hỗ trợ tích cực mọi mặt các đơn vị quản lý nhà nước và tài trợ của doanh nghiệp.    

Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng có 284 hội viên với các chi hội chuyên ngành về âm nhạc, nhiếp ảnh, văn học, mỹ thuật, văn nghệ dân gian, văn hoá nghệ thuật các dân tộc thiểu số và 7 câu lạc bộ trực thuộc. Thành đoàn Đà Lạt với 22,500 thành viên, Hội liên hiệp phụ nữ Đà Lạt (24,000 hội viên) cũng là những tổ chức chính trị xã hội nòng cốt mà các thành viên của tổ chức sẽ được hưởng lợi từ các hoạt động âm nhạc phong phú và đa dạng trong thời gian tới.

6.4. Các hội chợ lớn, hội thảo, hội nghị, các sự kiện quốc gia và/hoặc quốc tế khác do thành phố tổ chức trong 4 năm qua, hướng đến các chuyên gia và các nhà thực hành trong trong lĩnh vực sáng tạo Thành phố lựa chọn (nhà sáng tạo, nhà sản xuất, tiếp thị, quảng bá, v.v.)

Liên hoan các ban nhạc “Giai điệu Bazan” lần thứ 3 diễn ra tại sân khấu ngoài trời của thành phố Đà Lạt. Năm 2022 có 6 ban nhạc đến từ vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng Bằng Sông Cửu Long, trình diễn âm nhạc dân tộc kết hợp hiện đại với những nhạc cụ dân tộc; các giai điệu truyền thống cùng Pop, Rock. Liên hoan là nơi để các ban nhạc thực hành sáng tạo và giao lưu kết nối liên vùng thông qua âm nhạc.

“Trại sáng tác Âm nhạc” là hoạt động thường xuyên do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức cho các nhạc sĩ đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước cùng trao đổi kinh nghiệm sáng tác, đi thực tế, sáng tạo âm nhạc. Năm 2020 tổ chức tại Đà Lạt, kết hợp lớp tập huấn chuyên môn Nâng cao tính chuyên nghiệp trong sáng tác ca khúc cho các nhạc sĩ của 12 tỉnh, thành vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Hà Nội.

“Hội diễn Đàn - Hát dân ca 3 miền” là hoạt động chuyên môn tổ chức tại Đà Lạt, năm 2021 có sự tham gia của 200 nghệ sĩ, nhạc công, 100 nhà sáng tạo, nhà sản xuất ở các tỉnh, thành phố của Việt Nam. Hội diễn là nơi để các nghệ sĩ, nhạc công cả nước trao đổi, học hỏi kinh nghiệm sáng tác và biểu diễn.

6.5. Các lễ hội lớn, hội nghị và các sự kiện quy mô lớn khác do thành phố tổ chức trong 4 năm qua trong lĩnh vực sáng tạo Thành phố lựa chọn hướng đến đối tượng đại trà tại địa phương, quốc gia và/hoặc quốc tế

Festival hoa Đà Lạt mang tầm quốc tế, tổ chức định kỳ hai năm một lần gồm chuỗi các sự kiện, trong đó có Chương trình nghệ thuật đặc biệt, Đại nhạc hội, Lễ hội Canarval đường phố. Festival lần thứ 9 có 1300 nghệ sĩ, ca sĩ trong nước và quốc tế tham gia. Qua 9 mùa festival thu hút gần hơn 2,6 triệu lượt du khách đến thành phố.

Lễ hội Âm nhạc quốc tế Hoa Sen Sound Fest2023, tổ chức tại Quảng trường Lâm Viên thu hút 66 nghệ sĩ của dàn nhạc giao hưởng quốc tế Bucharest Symphony Orchestra, Romania, 17 nghệ sĩ trong nước và 15000 khán giả tham dự. Sự kiện là cơ hội để âm nhạc cổ điển phương Tây và âm nhạc Việt Nam đến gần hơn công chúng, du khách nước ngoài, đặc biệt giới trẻ.

Đêm hội cồng chiêng Tây Nguyên hướng đến đồng bào các dân tộc thiểu số được tổ chức thường niên luân phiên ở 12 huyện, thị, thành phố vào Ngày hội Văn hóa, Thể thao các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng.

Liên hoan “Tiếng hát công nhân, viên chức lao động” tổ chức định kỳ hai năm một lần dành cho đối tượng là công nhân, viên chức, người lao động ở các đơn vị công lập và doanh nghiệp của thành phố.

6.6. Các cơ chế, khóa học và chương trình nhằm thúc đẩy văn hóa và sáng tạo, cũng như giáo dục nghệ thuật trong lĩnh vực sáng tạo Thành phố lựa chọn ở các cấp

Trên địa bàn toàn thành phố có 65 đơn vị giáo dục và đào tạo các cấp. Từ năm 2006, số giờ dành cho âm nhạc ở cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông tăng lên 35 giờ/năm. Học sinh được tiếp cận thêm với các hoạt động giảng dạy bổ trợ về âm nhạc từ Chi hội Âm nhạc tỉnh Lâm Đồng, góp phần hình thành hạt nhân về âm nhạc của địa phương.

Các hội thi âm nhạc như Giai điệu tuổi hồng, Tiếng hát người giáo viên, Tiếng hát học sinh, sinh viên... được tổ chức thường xuyên nhằm thúc đẩy thực hành về âm nhạc cho học sinh, sinh viên và giáo viên, hình thành lực lượng “nghệ sỹ không chuyên” âm nhạc của thành phố.

Trong khuôn khổ của Đề ánBảo tồn và phát triển Không gian văn hóa Cồng chiêng các dân tộc Tây Nguyên, học sinh dân tộc được tham gia các lớp đào tạo tìm hiểu về lịch sử, giá trị của loại hình âm nhạc cồng chiêng, cách thực hành cồng chiêng. Năm 2022, 60 người dân tộc đã tham gia 02 lớp truyền dạy cồng chiêng nhằm giữ lửa thực hành và phát triển thế hệ tiếp nối cho âm nhạc cồng chiêng.

6.7. Chương trình học tập suốt đời, giáo dục đại học, trường dạy nghề, trung tâm đào tạo, chương trình lưu trú và các thiết chế giáo dục bổ trợ khác trong lĩnh vực sáng tạo Thành phố lựa chọn

Từ năm 2018, âm nhạc được dạy trong trường Trường Cao đẳng Đà Lạt như một học phần của ngành giáo dục tiểu học và giáo dục mầm non. Hàng năm, Học viên âm nhạc Tp.HCM tổ chức cho sinh viên thực tập giảng dạy nhạc tại các trường trên địa bàn thành phố. Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh Lâm Đồng cung cấp các chương trình giáo dục về âm nhạc dành cho trẻ em các độ tuổi, thực hiện sáng kiến Vườn âm nhạc, cuộc thi Sáng tác ca khúc dành cho thanh thiếu nhi; Tìm kiếm tài năng múa - hát thiếu nhi thành phố Đà Lạt…

Thành phố hiện có 07 trung tâm dạy nhạc tư nhân và gần 30 lớp dạy nhạc tại nhà cung cấp các lớp học mở và dễ tiếp cận về âm nhạc cho các lứa tuổi của thành phố.

Tại Phố Bên Đồi Creative Studio, Tour Trải nghiệm STEAM cung cấp cho thế hệ trẻ Đà Lạt được trải nghiệm các hoạt động nghệ thuật và âm nhạc trong mối liên hệ đa ngành với các lĩnh vực khoa học khác.

Với định hướng trở thành một thành phố nghệ thuật và âm nhạc, Đà Lạt có cơ hội phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo dài hạn hoặc các chương trình lưu trú và bổ trợ về âm nhạc trong thời gian tới.

6.8. Trung tâm nghiên cứu, viện nghiên cứu chuyên ngành và các chương trình chuyên ngành trong lĩnh vực sáng tạo Thành phố lựa chọn

Các trường Đại học của Đà Lạt, phối hợp với Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam, Nhạc viện TP. HCM, Cục Hợp tác quốc tế, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam thực hiện Đề án “Phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo Việt Nam tham gia vào mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO”, trong đó xác định Đà Lạt có nhiều tiềm năng trở thành thành phố sáng tạo ở lĩnh vực âm nhạc.

Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng và Chi hội âm nhạc Tp. Đà Lạt thực hiện các chương trình nghiên cứu - lý luận phê bình, xuất bản sách và công bố 65 công trình nghiên cứu 

trên Tạp chí LangBiang (2019-2023) liên quan tới lịch sử âm nhạc, các loại hình âm nhạc;

Thư viện Lâm Đồng nằm ở trung tâm Đà Lạt là nơi lưu trữ  và cung cấp tư liệu chuyên ngành về âm nhạc cho giới nghiên cứu, sinh viên, các nghệ sĩ và bạn đọc,…  Bảo tàng Lâm Đồng được xây dựng từ 1975 tại Tp. Đà Lạt, lưu trữ và trưng bày 15,000 hiện vật với các hiện vật từ các nhạc cụ dân tộc như cồng chiêng, trống, đến đàn Piano của phương Tây, ... Các bộ sưu tập của Bảo tàng được nghiên cứu, sưu tập, giám tuyển và trưng bày theo các chủ đề đa dạng và làm nổi bật sự độc đáo về âm nhạc của Đà Lạt
6.9. Cơ sở hạ tầng (được công nhận) phục vụ cho mục đích sáng tạo, hình thành và phổ biến các hoạt động, sản phẩm và dịch vụ trong lĩnh vực sáng tạo Thành phố lựa chọn, ở cấp độ chuyên nghiệp (ví dụ: trung tâm cho các chuyên gia, vườm ươm doanh nghiệp văn hóa, phòng thương mại với các chương trình cụ thể về sản phẩm và dịch vụ văn hóa, v.v.,)

Nhà sáng tác Đà Lạt với hơn 46 phòng lưu trú, hội trường lớn và café sân vườn… cung cấp không gian lưu trú sáng tác, giao lưu, kết nối cho văn nghệ sỹ Đà Lạt và cả nước, là nơi nuôi dưỡng cảm xúc sáng tác cho nhiều nghệ sỹ âm nhạc trong những năm qua.

 

 

Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Lâm Đồng ở Tp. Đà Lạt định kỳ tổ chức các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, có các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn, thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn 

vướng mắc cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, xuất bản các tài liệu hướng dẫn về thuế, Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, Cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn… Trong bối cảnh ngày càng có nhiều hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào lĩnh vực âm nhạc như các đơn vị sân khấu - cà phê - nhà vườn, tổ chức sự kiện,… các chương trình hỗ trợ của Trung tâm giúp cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp địa phương gặp nhiều thuận lợi hơn.

 

 

 

6.10. Các cơ sở và không gian văn hóa chính dành riêng cho việc thực hành, quảng bá và phổ biến trong lĩnh vực sáng tạo Thành phố lựa chọn và hướng đến công chúng và/ hoặc nhóm đối tượng khán giả cụ thể (thanh niên, phụ nữ, các nhóm dễ bị tổn thương, v.v.)

Thành phố sở hữu cơ sở thiết chế vững chắc và dễ tiếp cận được bởi các nhóm công chúng, tạo thành một không gian sinh hoạt nghệ thuật và âm nhạc có tính mở, tính tương tác và tính cộng đồng cao như Nhà hát Đà Lạt, Nhà Văn hóa Lao động, Trung tâm văn hóa nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng, Quảng trường Lâm Viên,..

Phố đi bộ, khu Hoà Bình và 10 sân khấu ngoài trời,22 phòng trà ca nhạc hát cho nhau nghe … tạo dựng cho Đà Lạt một hệ thống các cơ sở âm nhạc hướng tới đa dạng đối tượng. Quanh hồ Xuân Hương được thành phố đầu tư hệ thống nghe nhạc không dây để phục vụ công chúng.

Sinh hoạt âm nhạc cộng đồng được tổ chức ở 16 trung tâm văn hoá cấp phường và 130 nhà văn hoá cấp tổ dân phố. Trung tâm văn hóa xã Tà Nung chuyên về biểu diễn về cồng chiêng Tây Nguyên. Tại 55 nhà thờ hiện có các ca đoàn thường xuyên sinh hoạt hát thánh ca ươm mầm âm nhạc cho người trẻ.

Phố Bên Đồi Creative Studio, Ana Mandara Villas Dalat, Lan Anh Village Dalat… là những không gian sáng tạo tích cực tổ chức sự kiện biểu diễn và workshop âm nhạc cổ điển và đương đại, có sự tham gia của các nghệ sỹ quốc tế.

6.11. Trình bày tối đa 3 chương trình hoặc dự án lớn do thành phố xây dựng trong 4 năm qua thúc đẩy sự tham gia rộng rãi hơn vào đời sống văn hóa, đặc biệt là trong lĩnh vực sáng tạo Thành phố lựa chọn, đặc biệt là các nhóm nhắm vào các nhóm xã hội bị thiệt thòi hoặc dễ bị tổn thương

Đêm văn nghệ gây quỹ “Chung một tấm lòng” của Hội người khuyết tật thành phố Đà Lạt tổ chức từ năm 2015 đến nay đã tổ chức được 44 kỳ, nhằm giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, trao quà cho các em thiếu nhi bị khuyết tật, hỗ trợ người khuyết tật được vay vốn, tạo việc làm, tham gia các hoạt động xã hội để hòa nhập cộng đồng.

Liên hoan Tiếng hát phụ nữ Đà Lạt là hoạt động truyền thống, tổ chức định kỳ 2 năm một lần. Mỗi liên hoan có hơn 255 hội viên bao gồm cả phụ nữ đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia. Năm 2023 Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Đà Lạttổ chứcLiên hoan các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian với sự tham gia của 16 câu lạc bộ trên toàn thành phố nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của phụ nữ Đà Lạt.

Liên hoan văn hóa văn nghệ Hè dành cho thiếu nhi thành phố Đà Lạt được tổ chức hàng năm với sự tham gia của 204 tổ dân phố của thành phố, mỗi tổ gồm 15 đến 20 thiếu nhi tham gia nhằm làm phong phú đời sống văn hóa và khơi dậy tình yêu âm nhạc cho thế hệ trẻ.

6.12. Trình bày tối đa 3 chương trình hoặc dự án lớn được xây dựng trong 4 năm qua trong lĩnh vực sáng tạo Thành phố lựa chọn đã giúp tạo và/hoặc tăng cường quan hệ hợp tác giữa các chủ thể khác nhau, bao gồm chính quyền địa phương, tư nhân, người sáng tạo, xã hội dân sự, giới học thuật và/hoặc các bên liên quan khác. 

Mỗi mùa Festival hoa Đà Lạt thu hút nhiều chuyên gia, nhà sáng tạo, nhà sản xuất, nghệ sĩ trong nước và quốc tế tham gia. Festival có thế mạnh về hợp tác giữa khu vực công - tư nhân. Festival lần 9, nhận được sự hỗ trợ của các Hội, Hiệp hội, 31 công ty, tập đoàn lớn, doanh nghiệp và nhiều cá nhân.

“Tuần lễ nghệ thuật: Đà Lạt Mộng Mơ 2021” do không gian nghệ thuật đương đại Sao La, Hey Storm, Symbioses, NEST Studio, Ba Lap space, Mơ Đơ và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức quy tụ hàng trăm nghệ sỹ đương đại trong nước và quốc tế. Chương trình đã nhận được sự hỗ trợ về tài chính, cơ sở lưu trú, không gian trình diễn từ các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức nghệ thuật, nhiều cơ quan công lập của Đà Lạt.

“Dalat Music Run” là giải chạy thường niên, thiết kế theo hình thức của lễ hội thể thao âm nhạc, các nhóm nhạc biểu diễn dọc đường chạy do Công ty cổ phần Truyền thông Nexus, Bến Thành Media và Even phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức. Năm 2023 thu hút nhiều nghệ sỹ chuyên nghiệp tham gia hơn 4000 người.

6.13. Vai trò và tác động của các tổ chức chuyên nghiệp, tổ chức công nghiệp và các ngành, và các tổ chức xã hội dân sự và phi chính phủ đang hoạt động trong thành phố trong lĩnh vực sáng tạo Thành phố lựa chọn

Các tổ chức chuyên nghiêp như Chi hội Âm nhạc tỉnh Lâm Đồng, Chi hội Văn nghệ dân gian, Chi hội văn hoá nghệ thuật các dân tộc thiểu số góp phần giữ nhịp và làm đa dạng, phong phú các sinh hoạt âm nhạc chuyên nghiệp của thành phố trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, các câu lạc bộ văn nghệ quần chúng và câu lạc bộ cồng chiêng xã Tà Nung, là những hội nhóm văn hoá - xã hội do chính cộng đồng gây dựng và vận hành có vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu thực tiễn về hưởng thụ các giá trị âm nhạc cả truyền thống và hiện đại của người dân cấp cơ sở, khiến âm nhạc trở thành một phần của đời sống sinh hoạt căn bản, hữu cơ trong đời sống hàng ngày của người dân. 

Bên cạnh đó có hội nhóm do các nghệ sỹ, người thực hành văn hoá độc lập gây dựng nên như Câu lạc bộ Sao La - Hey! Storm Home. Năm 2021, Câu lạc bộ này đã phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng tổ chức thành công Tuần nghệ thuật đương đại - Đà Lạt Mộng Mơ phục vụ đa dạng các nhóm công chúng khác nhau của thành phố.

6.14. Chính sách, sáng kiến, hướng dẫn, chương trình và biện pháp, được thành phố triển khai trong 4 năm qua để hỗ trợ công việc sáng tạo và cải thiện hiện trạng của người sáng tạo, đặc biệt trong lĩnh vực sáng tạo Thành phố lựa chọn.

Thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, Chiến lược phát triển văn hoá, Thành phố áp dụng cơ chế hợp tác công - tư, đa dạng hoá nguồn lực đầu tư cho các hoạt động và sự kiện về âm nhạc, hỗ trợ cấp phép và địa điểm cho nghệ sỹ; vận hành Quỹ hỗ trợ sáng tạo văn hoá nghệ thuật nhằm tạo lập một môi trường thuận lợi khuyến khích tự do sáng tạo; kết nối tốt hơn nữa giữa văn nghệ sỹ và người làm văn hoá với công chúng và khán giả là các tầng lớp nhân dân.

Thành phố chú trọng hỗ trợ cho những người thực hành âm nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số qua việc thực hiện Kế hoạch Bảo tồn và phát triển không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên, thành lập 03 đội cồng chiêng, tổ chức 02 lớp truyền dạy; Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số thực hiện nghiên cứu, xuất bản sách, giáo trình, DVD về âm nhạc dân gian để phục vụ việc thực hành, lưu trữ, quảng bá, đào tạo thế hệ sáng tạo mới trong cộng đồng dân tộc thiểu số.

6.15. Chính sách, sáng kiến, hướng dẫn, chương trình và biện pháp chính được thành phố triển khai trong 4 năm qua để hỗ trợ và đẩy mạnh các ngành công nghiệp văn hóa địa phương trong lĩnh vực sáng tạo Thành phố lựa chọn

Để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, thành phố đã có cơ chế chính sách thu hút các nguồn lực tư nhân đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật tổ chức sự kiện để mang lại cho thành phố các cơ sở hạ tầng mới như Đà Lạt Opera House và các sự kiện âm nhạc quy mô lớn như Hoa Sen SoundFest, Dalat Music Run...

Thành phố thực hiện chiến lược phát triển Đà Lạt gắn với hình ảnhThành phố trong rừng, rừng trong thành phốtrên cơ sở bảo tồn cảnh quan, kiến trúc, di tích; thu hút đầu tư cho các chương trình biểu diễn âm nhạc đương đại, bảo tồn nghệ thuật truyền thống; tạo điều kiện thành lập các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập; nâng cao số lượng và chất lượng hoạt động của các đội nghệ thuật quần chúng ở cơ sở.

Không gian văn hóa cồng chiêngLangBiang được hình thành nhằm bảo tồn các giá trị âm nhạc truyền thống của người dân và khai thác nguồn lực này cho phát triển du lịch văn hoá, mang lại sinh kế cho các cộng đồng dân tộc thiểu số của Đà Lạt.

6.16. Các sáng kiến ​​hợp tác quốc tế và/hoặc khu vực trong lĩnh vực sáng tạo Thành phố lựa chọn, được phát triển cùng các thành phố từ các quốc gia khác nhau trong 4 năm qua

Thành phố Đà Lạt xác định việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật là nhiệm vụ trọng tâm không chỉ nhằm quảng bá hình ảnh vùng đất, con người, văn hóa đặc sắc của thành phố mà còn hướng tới việc thu hút hợp tác và đầu tư cho lĩnh vực âm nhạc.

Từ 2016, Đà Lạt đã tạo dựng mối quan hệ thành phố hữu nghị với Chuncheon và phát triển thành thành phố kết nghĩa năm 2019, thường xuyên có hoạt động giao lưu, trao đổi về văn hoá và nghệ thuật. Thành phố Đà Lạt cũng mới Ký kết ý định thư hợp tác vớiQuậnNam, Gwangju (2022), Bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác với Huyện Jangheung, Jeollanam (2023)…mở ra những cơ hội hợp tác, giao lưu và trao đổi về âm nhạc với Hàn Quốc trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, hoạt động giao lưu giữa các nghệ sỹ quốc tế với nghệ sỹ Đà Lạt như "Thanh âm Hoa cỏ", Trình diễn đối thoại Nhiếp ảnh và Âm nhạc Dysnomia Live, The Rodeo - VIETNAM TOUR với Đại sứ quán Pháp... góp phần nâng cao năng lực cho nghệ sỹ của thành phố, mang lại các sản phẩm âm nhạc có chất lượng quốc tế cho công chúng.

6.17. Các chương trình hoặc dự án lớn triển khai trong 4 năm qua trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ và tích hợp với ít nhất 1 trong các lĩnh vực sáng tạo khác trong Mạng lưới 

Dự án MOIland chapter 1 do Lâm Viên Art Project và the Married Beans thực hiện năm 2019 là dự án thực hành nghệ thuật đa phương tiện độc lập kết hợp âm nhạc, video, sắp đặt, thị giác với nghệ thuật truyền thông, có sự tham gia của nghệ sỹ nhiều lĩnh vực, thể hiện chủ đề về bền vững môi trường.

Thực hiện Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số, thành phố xuất bản các công trình về nghệ thuật dân gian để phục vụ công tác lưu trữ và quảng bá về nghệ thuật âm nhạc dân gian của các dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố.  

Tại các Festival Hoa Đà Lạt hàng năm có Chương trình thời trang Tơ lụa Bảo Lộc do Vietnam Silk House thực hiện, trình diễn thời trang tơ lụa và thổ cẩm Việt Nam trên nền của biểudiễn ca nhạc.

Chương trình phát triển thương hiệu Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành được thành phố thực hiện nhằmbảo tồn, quảng bá và phát triển cho các mặt hàng nông sản và các món ăn thức uốngtừ rau, hoa và cà phê Arabica Đà Lạt và các sản phẩm canh nông của Thành phố.

6.18. Các sáng kiến ​​hợp tác quốc tế và/hoặc quan hệ đối tác được xây dựng trong 4 năm qua liên quan đến ít nhất 2 trong số 7 lĩnh vực sáng tạo trong Mạng lưới (các dự án xuyên ngành và/hoặc liên ngành)

Trong các hoạt động giao lưu văn hóa giữa Đà Lạt và Chuncheon (Hàn Quốc) còn có các hoạt động trình diễn thời trang áo dài và hanbok, biểu diễn võ thuậtdân tộc do các nghệ sĩ đến từ Đà Lạt, Tp.Hồ Chí Minh của Việt Nam và Chuncheon của Hàn Quốcbiểu diễn.

Thành phố phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thực hiện dự án tiếp cận đa ngành, phát triển thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành" cho các sản phẩm rau, hoa, cà phê Arabica và du lịch canh nông (ẩm thực) của thành phố Đà Lạt.

Thành phố Đà Lạt có mối quan hệ hợp tác, giao lưu văn hoá - nghệ thuật với đại sứ quán Pháp, Viện Pháp tại Việt Nam và các nghệ sỹ, tổ chức nghệ thuật từ Pháp qua các hoạt động như Tuần lễ Pháp tại Đà Lạt với các hoạt động như ra mắt sách, tuần chiếu phim lưu động, biểu diễn âm nhạc. Thành phố cũng duy trì Góc văn hóa Đà Lạt, tại Đại sứ quán Việt Nam tại Lào và Tây Ban Nha và tiến tới phát triển thêm Góc văn hóa Đà Lạt tại các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài và của nước ngoài tại Việt Nam.

6.19. Các cơ sở hạ tầng sẵn có cũng như các sự kiện (hội chợ, hội nghị, các cuộc họp, gặp gỡ, v.v.) do thành phố tổ chức trong 4 năm qua nhằm thúc đẩy các lĩnh vực sáng tạo trong Mạng lưới, bên cạnh lĩnh vực sáng tạo Thành phố lựa chọn

Trong những năm qua Thành phố đã đầu tư xây dựng Rạp chiếu phim Cinestar Đà Lạt nằm trong Quảng trường Lâm Viên, được xây dựng với tiêu chuẩn rạp quốc tế để có thể cung cấp các buổi chiếu phim cho người dân thành phố và du khách.

Tại các sự kiện như Ngày hội văn hoá thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số lần thứ 2 - Đà Lạt 2018, Hội diễn Đàn - Hát dân ca 3 miền 2021, Liên hoan các CLB văn nghệ dân gian tỉnh Lâm Đồng lần thứ I-2022 tại Đà Lạt có sự tham gia của nghệ nhân thực hành văn hóa dân gian gồm dân ca, múa xoang, cồng chiêng.

Festival Hoa Đà Lạtđa dạng về hoạt động, phong phú về loại hình như thiết kế trưng bày không gian công cộng bằng hoa, trình diễn thời trang, Hội thi duyên dáng áo dài, phát hành các ấn phẩm nghệ thuật, Dạ hội điện ảnh, Toạ đàm văn học, Liên hoan câu lạc bộ dân vũ, phục dựng một số nghề thủ công mây tre đan, rượu cần, dệt, thêu, gốm của người K'ho và một số đồng bào dân tộc thiểu số khác.

6.20. Cung cấp thông tin các khoản thu và chi tiêu chung của thành phố trong 4 năm qua, thể hiện khoản ngân sách dành cho lĩnh vực sáng tạo Thành phố lựa chọn

Chi ngân sách địa phương của thành phố Đà Lạt dành cho lĩnh vực sáng tạo liên quan bao gồm: Chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo; Chi sự nghiệp văn hóa - thông tin; Chi sự nghiệp phát thanh - truyền hình.

- Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Lạt năm 2019, 2020, 2021 và 2022 là: 49 triệu USD; 52 triệu USD; 56 triệu USD; 71 triệu USD;

- Tài trợ tư nhân cho hoạt động văn hóa, nghệ thuật của thành phố Đà Lạt: năm 2019, 2022 và tương ứng là 3,27 triệu USD, và 6,8 triệu USD (Festival Hoa Đà Lạt, Da Lat Best Dance Crew)

- Tổng chi ngân sách địa phương của thành phố Đà Lạt năm 2019, 2020, 2021 và 2022tương ứng là: 39 triệu USD; 43 triệu USD;44 triệu USD; 48 triệu USD.

Chi ngân sách địa phương của thành phố Đà Lạtcho văn hóa, nghệ thuật năm 2019, 2020, 2021 và 2022 tương ứng là: 0.95 triệu USD; 0.41 triệu USD;0.43 triệu USD; 3,22 triệu USD. Năm 2022 chị ngân sách địa phương cho văn hóa nghệ thuật tăng gấp 3.4 lần năm 2019.

7. ĐÓNG GÓP ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC MỤC TIÊU CỦA MẠNG LƯỚI

7.1 Trình bày tối đa 3 sáng kiến, chương trình và/hoặc dự án lớn nhằm đạt được các mục tiêu của Mạng lưới cấp địa phương (cấp thành phố) bằng cách thúc đẩy vai trò của văn hóa và sáng tạo trong phát triển bền vững của thành phố

Di sản âm nhạc của tương lai (MHF)

Với sự hợp tác của chuyên gia, nghệ sỹ, doanh nghiệp, CSOs trong các lĩnh vực có liên quan (âm nhạc, văn hóa dân gian, nhân học, phim tài liệu,…), MHF diễn ra trong 4 năm và có thể kéo dài giúp cộng đồng các dân tộc bản địa, đặc biệt là giới trẻ, tham gia có ý nghĩa và hưởng sinh kế từ việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc, trong đó có âm nhạc đồng thời tăng tính gắn kết cộng đồng.

Các hoạt động gồm:

Nghiên cứu, lưu trữ có hệ thống kho tàng kiến thức và thực hành âm nhạc truyền thống của các nhóm dân tộc Đà Lạt với sự nghiên cứu của cộng đồng; sản phẩm bao gồm báo cáo, các sản phẩm mang tính sáng tạo và dễ tiếp cận như phim tài liệu, hình ảnh/tranh vẽ, truyện ngắn;

Tổ chức các buổi thảo luận do cộng đồng thực hiện về các vấn đề được quan tâm;

Nâng cao năng lực và kỹ năng mềm cho cộng đồng về bối cảnh phát triển đương đại, di sản địa phương, du lịch bền vững, công nghệ, kỹ năng nghiên cứu, làm phim, chụp ảnh, kể chuyện, khả năng diễn xướng, v.v.;

Thử nghiệm sáng tạo từ chất liệu âm nhạc truyền thống giới trẻ lãnh đạo, hợp tác các bên để phát huy di sản văn hóa âm nhạc trong thực tiễn đương đại, nhằm tăng sự hứng thú của đại chúng và giới trẻ thuộc các nhóm xã hội/dân tộc đến di sản truyền thống.

Giáo dục âm nhạc vì cộng đồng

Chương trình được thực hiện xuyên suốt nhằm cải thiện hệ thống giáo dục đào tạo âm nhạc của Đà Lạt, nâng cao năng lực của các bên liên quan trong hệ sinh thái âm nhạc Đà Lạt (quản lý nhà nước, doanh nghiệp, giáo viên/giảng viên âm nhạc, giới thực hành âm nhạc, nhà nghiên cứu âm nhạc, và thanh niên), đồng thời thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục và hưởng thụ văn hóa nghệ thuật (âm nhạc) giữa các nhóm xã hội tại thành phố. 

Các hoạt động gồm:

Đánh giá năng lực cùng nhu cầu giáo dục đào tạo âm nhạc của các đối tượng;

Hợp tác với các đối tác trên toàn quốc như Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật, và doanh nghiệp sáng tạo, thực hiện các giải pháp giáo dục đào tạo âm nhạc: tập huấn nâng cao năng lực cho cụ thể từng nhóm đối tượng khác nhau có đánh giá chất lượng đào tạo hợp tác giảng dạy và thực tập giảng dạy âm nhạc, đặc biệt mở các lớp dạy nhạc tình nguyện tại các vùng của nhóm dễ bị tổn thương; nâng cao chất lượng mô hình ca đoàn, trại sáng tác âm nhạc, sinh hoạt hè và sinh hoạt câu lạc bộ gắn với âm nhạc; đổi mới giáo dục đào tạo âm nhạc tại địa phương.

Da Lat Culture in Connection

Sáng kiến củng cố và phát triển mạng lưới không gian sáng tạo tại Đà Lạt do chính quyền địa phương hợp tác với các công ty tư nhân và cộng đồng sáng tạo thực hiện trong vòng 4 năm đểtạo dựng một hệ sinh thái nền tảng chongười thực hành và doanh nhân khởi nghiệptrong các lĩnh vực văn hoá và sáng tạo của thành phố chia sẻ nguồn lực và kết nối để phát triển, gồm 3 giai đoạn:

Xây dựng Bản đồ nghệ thuật Đà Lạt đa phương tiện làm cơ sở dữ liệu thúc đẩy hoạt động thông tin, quảng bá, đầu tư, kết nối cho các bên liên quan trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật. Các sản phẩm nội dung mở rộng gồm ấn phẩm, quà tặng, art works, Art Map App, Hộ chiếu Nghệ thuật,… Phần này do UBND thành phố, Phố bên đồi Creative Studio, Behalf, VNPT…thực hiện. Củng cố hệ thống không gian sáng tạo để hình thành các trục sáng tạo cho thành phố;

Xây dựng Trung tâm nghệ thuật Đà Lạt trên nền mộtkhông gian sáng tạo hiện có thành một tổ hợp sáng tạotrọng điểm của thành phố với cơ sở vật chất thích hợp hỗ trợ đa dạng các hoạt động thực hành, giáo dục đào tạo, kết nối mạng lưới và thúc đẩy thương mại vềvăn hóa nghệ thuật.

7.2. Trình bày tối đa 3 sáng kiến, chương trình và/hoặc dự án lớn nhằm đạt được các mục tiêu của Mạng lưới ở cấp quốc tế, đặc biệt là các dự án có liên quan đến các thành phố thành viên khác trong Mạng lưới  

Với vị trí và cơ hội hợp tác quốc tế có được từ việc gia nhập UCCN, Đà Lạt sẽ tổ chức liên hoan Hòa âm Cồng chiêng Đông Nam Á hàng năm diễn ra trong 4 ngày. Hoạt động chính gồm trải nghiệm không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và thể hiện nghệ thuật biểu diễn thực hành âm nhạc truyền thống được tổ chức tại không gian cộng đồng. Người tham gia chính là các đội cồng chiêng từ các thành phố Đông Nam Á (Ví dụ: Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Lào, Campuchia).

Chương trình được xây dựng và triển khai với sự hợp tác của các thành phố, sự tham gia tích cực từ các đội cồng chiêng trong khu vực, sự ủng hộ của người dân địa phương, sự hỗ trợ của chính quyền và các bên liên quan.

Hòa âm Cồng chiêng Đông Nam Á hướng đến bảo tồn và phát huy giá trị di sản cồng chiêng Tây Nguyên của Việt Nam và Đông Nam Á cùng các giá trị âm nhạc truyền thống thế giới, từ đó giúp giữ gìn tri thức bản địa và bảo vệ sự đa dạng các biểu đạt văn hóa, hình thành mạng lưới hợp tác về âm nhạc truyền thống trong khu vực.   

Thanh âm của đại ngàn

Thanh âm của đại ngàn là chương trình lưu trú thực hành âm nhạc quốc tế diễn ra hàng năm trong vòng 1 tháng khám phá vai trò của âm nhạc để giải quyết các thách thức phát triển bền vững, đặc biệt liên quan đến SDG 13, SDG 14, SDG 15.

Đây được mong đợi là dự án hợp tác giữa Đà Lạt và các thành phố âm nhạc trong mạng lưới UCCN, đặc biệt là các thành phố khu vực Châu Á - Thái Bình Dương như: Adelaide-Australia, Daegu-Korea, Ambon-Indonesia và các thành phố Châu Phi. Người tham gia là các nhà thực hành âm nhạc quốc gia và quốc tế ở tất cả các loại hình âm nhạc với cam kết thực hành lối sống bền vững, với sự hỗ trợ của các chuyên gia và cộng đồng địa phương, các hoạt động gồm:

Tập huấn cơ bản về thực hành lối sống bền vững, kiến thức và thực hành âm nhạc với sự tham gia của cộng đồng;

Lập nhóm khám phá thành phố để cảm nhận các thanh âm của tự nhiên và đời sống nhằm hình thành và thực hiện các dự án âm nhạc;

Tổng kết: chia sẻ kết quả của các hoạt động với nhiều hình thức đa dạng tại các điểm không gian thích hợp. Các tác phẩm xuất sắcđược hỗ trợ sản xuất, quảng bá, và được lựa chọn biểu diễn/triển lãm trong Festival âm nhạc quốc tế LangBiang;

Chương trình mong muốn giúp người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế tìm lại kết nối giữa mình với tự nhiên dựa trên các gắn bó nơi chốn (place attachment) và cộng đồng, đồng thời lan tỏa tình yêu và kêu gọi hành động phát triển bền vững thông qua âm nhạc.

Festival âm nhạc quốc tế LangBiang

Festival âm nhạc quốc tế LangBiang dự kiến trở thành Festival âm nhạc lớn nhất của Đà Lạt, tổ chức hai năm một lần, kéo dài 1-2 tuần tại các không gian trong thành phố với sự hợp tác của chính quyền địa phương, tư nhân, nghệ sỹ quốc gia và quốc tế, và cộng đồng. Chương trình là dịp để các bên liên quan tổng kết, tôn vinh các ý tưởng và thực hành âm nhạc trên các quy mô và khía cạnh khác nhau, cụ thể nhằm (1) thúc đẩy các hoạt động sáng tạo trong cộng đồng, (2) trở thành cầu nối đưa các ý tưởng và thực hành âm nhạc đến gần hơn với công chúng, (3) chia sẻ kinh nghiệm, thực hành âm nhạc quốc tế đến từ các thành phố sáng tạo âm nhạc trong mạng lưới.

hoạt động gồm:

 

Ngày âm nhạc Đà Lạt diễn ra vào ngày khai mạc của Festival, là lúc tất cả các sự kiện và hoạt động trong chương trình chính và chương trình hưởng ứng của Festival được giới thiệu đến công chúng;

Trình diễn âm nhạc và các triển lãm nghệ thuật đa lĩnh vực, bao gồm các buổi biểu diễn gây quỹ và hỗ trợ nghệ sỹ trẻ nghiệp dư có được sự hiện hiện tốt hơn;

Các hoạt động trải nghiệm văn hóa sáng tạo, bao gồm âm nhạc, như tour âm nhạc, và hoạt động sáng tạo âm nhạc cộng đồng, đặc biệt hướng đến trẻ em và thanh niên;

Hội thảo, tọa đàm, đối thoại nghệ sỹ- khán giả, bao gồm Diễn dàn đối thoại các bên liên quan trong khu vực về phát triển hệ sinh thái âm nhạc kết nối khu vực.

7.3. Dự toán ngân sách để thực hiện kế hoạch hành động được đề xuất

Chi ngân sách nhà nước của Thành phố bao gồm các nguồn: sự nghiệp văn hóa thường xuyên, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, sự nghiệp giáo dục thường xuyên, Đầu tư phát triển đô thị, Lễ hội, Quảng bá du lịch. Nguồn lực khác về tài trợ kinh phí, nhân lực, cơ sở vật chất, khoa học công nghệ... sẽ được huy động từ các doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức đối tác. Tổng chi Ngân sách của thành phố cho 6 sáng kiến là 1,550.9 triệu USD. Mỗi sáng kiến đều bao gồm cả ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực khác.

- Di sản Âm nhạc của tương lai: 29,7 nghìn USD/năm. Ngoài ra, Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh Lâm Đồng sẽ hỗ trợ sản xuất đối với các tác phẩm thử nghiệm sáng tạo xuất sắc: 21,2 nghìn USD/năm, chiếm 3.3% tổng ngân sách

- Giáo dục âm nhạc vì cộng đồng: 100 nghìn USD/năm (6.4%)

- Da Lat Culture in Connection: 365 nghìn USD (23.5%)

- Hòa âm cồng chiêng Đông Nam Á: 178 nghìn USD/năm (11.5%)

- Thanh âm của đại ngàn: 84 nghìn USD/năm (5.4%)

- Festival âm nhạc quốc tế Langbiang: 773 nghìn USD/kỳ tổ chức (49.8%)

7.4. Cơ cấu tổ chức dự kiến để thực hiện và quản lý kế hoạch hành động

Thành phố sẽ thành lập Ban chỉ đạo và Tổ điều phối để vận hành toàn bộ Chương trìnhThành phố sáng tạo âm nhạc Đà Lạt. Ban chỉ đạo gồm các thành viên là lãnh đạo thành phố Đà Lạt, đại diện của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng và đại diện của các cơ quan, ban ngành khác. Tổ điều phối, đặt dưới Ban chỉ đạo, là đơn vị chịu trách nhiệm vận hành chính mọi hoạtđộng liên quan tới Chương trình Thành phố sáng tạo âm nhạc Đà Lạt do Phòng Văn hóa và Thông tin thường trực thực hiện có sự phối hợp của các phòng, ban, ngành, các Hội của thành phố Đà Lạt.

Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo và Tổ điều phối sẽ tập trung vào việc đạt được các mục tiêu của UCCN qua việc thực hiện các công việc gồm Hợp tác với các đối tác và bên liên quan để thực hiện các sáng kiến; Phối hợp nghiên cứu, quảng bá và thực hiện các hoạt động của Mạng lưới; Phát triển mối quan hệ hợp tác giữa Thành phố sáng tạo Đà Lạt với các thành viên khác trong UCCN; Hỗ trợ các thành phố khác của Việt Nam tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO…

Một Ban tư vấn chuyên môn cũng sẽ được hình thành có các thành viên là các chuyên gia tư vấn về âm nhạc, chính sách văn hoá, văn hoá dân gian, phát triển kinh tế, hợp tác quốc tế... từ Học viện âm nhạc Việt Nam, Hội liên hiệp văn học Nghệ thuật Việt Nam, Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Cục Hợp tác quốc tế, Hội đồng Anh...  Ban tư vấn chuyên môn sẽ được mời với vai trò tư vấn chuyên môn,  định hướng phát triển và đánh giá thực hiện toàn bộ Chương trình cho Ban điều phối Thành phố sáng tạo.

7.5. Dự định kế hoạch truyền thông và nâng cao nhận thức

Sau khi gia nhập Mạng lưới, Đà Lạt sẽ tổ chức một sự kiện âm nhạc ra mắt Chương trình Đà Lạt thành phố sáng tạo âm nhạc tại quảng trường Lâm Viên với sự tham gia của hơn 15.000 nhân dân thành phố và cộng đồng thực hành âm nhạc trong và ngoài nước. Tại sự kiện này, tầm nhìn của UCCN, tầm nhìn của Đà Lạt và những cam kết của Thành phố để thực hiện tầm nhìn này cùng trách nhiệm của các bên liên quan sẽ được chia sẻ rộng rãi. 

Dài hạn hơn, chúng tôi sẽ xây dựng một master plan về truyền thông nhằm truyền tải có kế hoạch và hiệu quả về các thông tin liên quan tới UCCN, chính sách và kế hoạch, cập nhật về các hoạt động, sự kiện, chương trình âm nhạc và các lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật khác của Thành phố.

Chương trình này bao gồm việc xác định một nhóm nhân sự chuyên trách về truyền thông thuộc Tổ điều phối, tập trung vào khai thác hiệu quả của các nền tảng gồm: các cơ quan truyền thông lớn trong và ngoài nước; tại các sự kiện, chương trình lớn của thành phố; qua các mạng lưới và kênh hợp tác quốc tế như TPO, Mayors for Peace, UCCN hay thành phố kết nghĩa và trên các nền tảng truyền thông số như YouTube, Facebook, Instagram...

Đặc biệt, chúng tôi sẽ phát triển thương hiệu toàn diện thành phố sáng tạo Âm nhạc trên cổng thông tin dalatcreativecity.com, đã được kích hoạt đầu năm 2023. Đây là một nền tảng truyền thông mở, dễ tiếp cận. Người dân, du khách và các bên liên quan có thể dễ dàng theo dõi được thông tin về hoạt động âm nhạc diễn ra trên địa bàn thành phố. Đối tác trong nước và quốc tế từ Mạng lưới cũng sẽ thông qua kênh này để liên lạc và thúc đẩy hợp tác.

 

 

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu