Cần tuân thủ nghiêm các nguyên tắc, biện pháp phòng bệnh của Bộ Y tế
Theo thống kê của Bộ Y tế, kể từ đầu tháng 4, số ca COVID-19 có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt trong các ngày cuối tuần và đầu tuần qua, số ca COVID-19 được báo cáo trên hệ thống đã tăng gấp 5-6 lần so với trung bình 2 tháng gần đây. Số ca COVID-19 chủ yếu tập trung tại miền Bắc, cao nhất là thành phố Hà Nội.
Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.
Có thể nói, virus SARS-CoV-2 không hoàn toàn biến mất, vẫn "thập diện mai phục" trong cộng đồng, quanh chúng ta, chờ cơ hội thuận lợi để trở lại.
Hơn 3 năm kể từ khi Việt Nam ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, cả nước đã trải qua những ngày tháng cam go nhất để khống chế đại dịch thành công, đưa cuộc sống trở về bình thường. Việt Nam là một trong những nước sớm khống chế được dịch, mở cửa sớm nhất để phục hồi và phát triển kinh tế, nằm trong top các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới.
Tuy nhiên, chúng ta chưa công bố dịch COVID -19 đã kết thúc. Dịch còn nghĩa là còn người mắc. Miễn dịch do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian trong khi đó virus liên tục biến đổi với các biến chủng mới, biến chủng phụ tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, nguy cơ dịch bùng phát rất cao.
Nếu chủ quan, lơ là với dịch bệnh, chúng ta sẽ phải trả giá đắt. Sự đau thương, mất mát từ các đợt dịch trước chắc vẫn còn chưa nguôi với không ít người.
Nhưng bây giờ cách nghĩ về dịch, cách phòng chống dịch của một số người đã khác trước. Dường như dịch bệnh thoái lui thì sự chủ quan lại gia tăng.
Giờ ra đường chúng ta dễ bắt gặp nhiều trường hợp không đeo khẩu trang, còn việc sát khuẩn ở nhiều nơi thì "trôi vào dĩ vãng"...
Cũng không ít người không muốn tiêm vaccine mũi 3, 4 vì cho rằng dịch bệnh đã hết – một sai lầm nghiêm trọng. Chúng ta cần phải ý thức rằng những biến chủng mới của COVID-19 xuất hiện thì khả năng nhiễm càng cao. Nên trong mọi trường hợp thì phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Ngay cả khi chúng ta được tiêm phòng đầy đủ vẫn không được chủ quan với suy nghĩ là đã có "thẻ xanh" an toàn phòng chống COVID. Tốt nhất không để bản thân bị mắc bệnh.
Dù nặng hay nhẹ thì thêm một người mắc thì nhiều người bị ảnh hưởng, bản thân sức khỏe suy giảm mà "mất sức khỏe là mất tất cả".
Chúng ta cần tiếp tục tiêm chủng đầy đủ theo đúng khuyến cáo của ngành y tế. Người có nguy cơ cao khi đến nơi đông người, trong môi trường kín nên đeo khẩu trang. Các đối tượng còn lại khi đến cơ sở y tế, đi trên phương tiện công cộng thì cần đeo khẩu trang. Giữ an tòan cho mình cũng là cho cộng đồng.
Và "tấm áo giáp" quan trọng nữa cần trang bị là "vaccine ý thức" – không được lơ là, chủ quan dù dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, trong bối cảnh Việt Nam có độ bao phủ vaccine cao nhưng độ mở cửa cũng rất lớn, nhất là sắp đến kỳ nghỉ lễ dài ngày.
Mỗi người dân có ý thức chung tay thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh (nguyên tắc 2K), bảo vệ sức khỏe của chính mình và cộng đồng chính là góp phần để những ngày nghỉ lễ vui tươi, an toàn. Không chủ quan lơ là, mất cảnh giác nhưng cũng không hoang mang lo sợ, mất bình tĩnh.
(Theo Chinhphu.vn)