Tái tạo trong du lịch

14/03/2023 643 0
Tái tạo trong du lịch là một xu hướng mới mang tính toàn cầu, khi con người ngày càng quan tâm hơn đến trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng trong việc chữa lành những “thương tổn” do quá trình khai thác du lịch gây ra, đồng thời, tạo cơ hội tối ưu hóa các điểm du lịch để từ đó tài nguyên liên tục được tái tạo và kiến tạo theo hướng bền vững.

Tái tạo trong du lịch gắn trách nhiệm cá nhân với cộng đồng trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị có sẵn ở mỗi điểm đến

Tiến sĩ Trương Thị Lan Hương, Khoa Du lịch - Trường Đại học Đà Lạt, chia sẻ rằng, xu hướng tái tạo trong du lịch ra đời, nhằm bổ trợ cho những thiếu khuyết của xu hướng du lịch bền vững, du lịch dựa vào cộng đồng. Nó là cách tiếp cận theo kiểu gây dựng lại vốn từ các tài nguyên đã khai thác. Tái tạo trong du lịch còn là sự cam kết lâu dài về trách nhiệm giảm thiểu những tác động tiêu cực, cũng như tạo ra các mắt xích tương hỗ cho toàn bộ hệ thống du lịch để cân bằng lại những hệ tài nguyên đã bị suy thoái. “Tái tạo trong du lịch thiên nhiều về hành vi chữa lành các hư hại, bên cạnh việc quan tâm đến hành vi tái sinh, sáng tạo những giá trị mới để bù đắp cho sự suy thoái tự nhiên. Do đó, muốn vận dụng xu hướng tái tạo trong du lịch vào thực tế tiêu dùng du lịch, việc đầu tiên là phải thay đổi nhận thức, đổi mới cách nhìn nhận mọi vấn đề liên quan đến du lịch, không chỉ từ phía người làm dịch vụ du lịch, cả người sử dụng dịch vụ du lịch cũng phải được làm mới về tư duy. Bởi bây giờ bất cứ ai cũng có thể trở thành du khách”, Tiến sĩ Trương Thị Lan Hương nói rõ.

Qua chia sẻ của Tiến sĩ Trương Thị Lan Hương cho thấy, hướng tiếp cận của tái sinh trong du lịch gần tương đồng với loại hình du lịch trách nhiệm. Cả 2 cùng hướng đến tính bền vững, dựa trên 3 nguyên tắc: Bảo tồn văn hóa, bảo vệ môi trường và hỗ trợ cộng đồng sở tại. Tuy nhiên, xu hướng tái tạo trong du lịch còn đi xa thêm một bước, khi đặt sự quan tâm đến hành vi tái sinh và sáng tạo để cân bằng lại hệ sinh thái. Từ sự hiểu rõ giá trị của tài nguyên, cũng như giá trị của môi trường và mối liên kết giữa hệ sinh thái, mỗi cá nhân sẽ ý thức hơn về trách nhiệm với cộng đồng trong việc bảo tồn, gìn giữ và liên tục tái tạo nguồn tài nguyên để dự liệu cho tương lai. 

“Trước đây, nói đến lĩnh vực kinh doanh du lịch, người ta chỉ quan tâm “tôi sẽ được lợi gì?”, xa hơn một chút nữa thì “chúng tôi sẽ được lợi gì?”. Đó là phương cách hành xử kiểu tiêu xài du lịch. Nay, cách thức hành xử với du lịch đã thay đổi. Thay vì nói “tôi sẽ được lợi gì?”, hoặc “chúng tôi sẽ được lợi gì?”, sẽ nói “chúng ta cùng thụ hưởng”, “chúng ta cùng tái tạo” để sáng tạo, nâng chất chuỗi giá trị sản phẩm”, Tiến sĩ Trương Thị Lan Hương cho biết.

Theo Tiến sĩ Trương Thị Lan Hương, với cách tiếp cận du lịch nghiêng về trách nhiệm, đòi hỏi phải có sự cộng hưởng từ nhiều phía, cả người làm dịch vụ du lịch lẫn người sử dụng dịch vụ du lịch, thì xu hướng tái tạo trong du lịch mới thành công. “Ai cũng ở trong tâm thế sẻ chia trách nhiệm, chắc chắn chúng ta sẽ có rất nhiều hành động thể hiện sự hợp tác tái tạo để cùng thụ hưởng những giá trị tốt nhất của du lịch. Bắt đầu từ một cá nhân thay đổi, rồi nhiều người thay đổi, giống như một hạt mầm được ươm xuống đất, rồi nhiều hạt mầm được ươm xuống đất sẽ nảy nở thành cây mới, tạo thành rừng mới”, Tiến sĩ Trương Thị Lan Hương nhìn nhận.

Theo baolamdong.vn

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu