Xây dựng phong cách người Đà Lạt ''hiền hòa, thanh lịch, mến khách'' trong kinh doanh

29/11/2022 1181 0
Ban Quản lý (BQL) chợ Đà Lạt vừa tổ chức hội nghị đánh giá kết quả vận động tiểu thương ngành hàng đặc sản và hàng hoa đạt quầy hàng phong cách người Đà Lạt “hiền hòa, thanh lịch, mến khách” trong kinh doanh năm 2022.

Bà Trần Thị Vũ Loan - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt trao bảng “Quầy hàng phong cách người Đà Lạt” năm 2022 cho các tiểu thương quầy hàng đặc sản chợ Đà Lạt

Trong thời gian qua, BQL chợ Đà Lạt tích cực vận động tiểu thương chợ ký cam kết xây dựng Mô hình Giữ gìn và phát huy phong cách người Đà Lạt “hiền hòa, thanh lịch, mến khách” trong kinh doanh, cam kết thực hiện Quy tắc ứng xử văn hóa người Đà Lạt nhằm thực hiện kế hoạch của UBND TP Đà Lạt về thực hiện giữ gìn và phát huy phong cách người Đà Lạt “hiền hòa, thanh lịch, mến khách” trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 và Quy tắc ứng xử văn hóa người Đà Lạt.

Mô hình đã triển khai xây dựng từ năm 2020 tại ngành hàng đặc sản và ngành hàng hoa vận động tiểu thương thực hiện giữ gìn và phát huy quầy hàng đạt danh hiệu phong cách người Đà Lạt “hiền hòa, thanh lịch, mến khách” trong kinh doanh. Ông Nguyễn Long An - Trưởng BQL chợ Đà Lạt cho biết, mô hình triển khai với mục đích vận động tiểu thương chợ Đà Lạt nói chung, trong tiểu thương ngành hàng đặc sản và ngành hàng hoa nói riêng thực hiện buôn bán và các hoạt động dịch vụ đề cao chữ tín, chữ tâm, không nói thách, cư xử nhã nhặn với khách hàng; kinh doanh cạnh tranh lành mạnh bằng ưu thế của chất lượng sản phẩm, dịch vụ và giá cả hợp lý góp phần tuyên truyền phát huy phong cách người Đà Lạt “hiền hòa, thanh lịch, mến khách” trong kinh doanh cũng như trong sinh hoạt. 

BQL chợ Đà Lạt phối hợp với Hội Phụ nữ chợ Đà Lạt đã triển khai một số nội dung: Tiếp tục tuyên truyền, vận động tiểu thương thực hiện giữ gìn và phát huy phong cách người Đà Lạt “hiền hòa, thanh lịch, mến khách” trong kinh doanh. Duy trì mô hình tại ngành hàng đặc sản, nhân rộng tại ngành hàng hoa. Vận động tiểu thương ký cam kết thực hiện Quy tắc ứng xử văn hóa người Đà Lạt và thực hiện văn minh thương mại phục vụ lễ, tết, khách du lịch.

Ban Vận động tiểu thương ngành hàng đặc sản, hàng hoa thực hiện mô hình tại chợ Đà Lạt đã phát huy trách nhiệm của từng thành viên, giám sát theo dõi thường xuyên, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hành vi thiếu chuẩn mực trong kinh doanh. Phối kết hợp xử lý 4 trường hợp vi phạm lấn chiếm lối đi và an toàn phòng cháy, chữa cháy... Bên cạnh đó, BQL chợ Đà Lạt đầu tư một bảng đèn LED tuyên truyền các sự kiện chính trị và phong cách người Đà Lạt “hiền hòa, thanh lịch, mến khách”; phối hợp với VNPT Lâm Đồng vận động tiểu thương đăng ký mô hình thanh toán điện tử 4.0 không sử dụng tiền mặt. Kết quả, qua khảo sát có 550 tiểu thương đã kết nối ngân hàng và tạo ví điện tử cho 305 tiểu thương đang kinh doanh tại chợ. Thường xuyên đầu tư nội dung tuyên truyền văn minh thương mại bằng hệ thống loa phóng thanh, hội nghị, nhóm tiểu thương và tùy thuộc vào đặc điểm của từng ngành hàng đã xây dựng bảng điểm phù hợp với các tiêu chí để chấm điểm.

BQL chợ Đà Lạt cũng thành lập tổ bình xét quầy hàng tập trung các tiêu chí: Đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự; văn minh thương mại; rõ ràng xuất xứ hàng hóa, niêm yết giá; an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường; quy tắc ứng xử văn hóa của người bán hàng; thực hiện nghĩa vụ thuế và các loại phí; tham gia các phong trào thi đua. Kết quả có 77/79 quầy của tiểu thương hàng đặc sản và 23/25 quầy của tiểu thương hàng hoa đạt quầy hàng phong cách người Đà Lạt. 

Bà Nguyễn Thị Tuyết - Trưởng ngành hàng đặc sản chợ Đà Lạt cho biết: Tiểu thương Chợ Đà Lạt nói chung và tiểu thương ngành hàng đặc sản nói riêng đã tích cực hưởng ứng các hoạt động của BQL Chợ Đà Lạt phát động. Trong đó, việc phát huy phong cách người Đà Lạt trong kinh doanh là một hoạt động thiết thực nhất của chợ Đà Lạt. Ngành hàng đặc sản là ngành đầu tiên được chọn triển khai xây dựng mô hình đã được chị em hưởng ứng tích cực nhằm giữ gìn và phát huy hình ảnh đẹp của người Đà Lạt. “Trong năm đầu tiên xây dựng mô hình vào năm 2020 chúng tôi đã triển khai bình xét 69/82 quầy hàng đạt chuẩn và được gắn bảng “Quầy hàng phong cách người Đà Lạt”. Trong buôn bán, chị em ngành đặc sản chấp hành các quy định như: Niềm nở với khách hàng, nhã nhặn trong kinh doanh, tránh cãi vã, chửi bới khách; đặc biệt chấp hành phòng cháy, chữa cháy tốt, thanh toán điện tử 4.0, ví điện tử, thực hiện dán tem QR Code, sử dụng mã vạch, mục đích nâng tầm chất lượng hàng hóa, tạo sự tin tưởng của khách hàng. Năm 2022 kết quả có 97% quầy hàng đạt “Quầy hàng phong cách người Đà Lạt” đây là thành quả khích lệ chị em ngành hàng đặc sản và chúng tôi xin hứa tiếp tục xây dựng, phát huy phong cách người Đà Lạt trong thế hệ tiểu thương trẻ tuổi, những người từ các tỉnh, thành khác đến tham gia kinh doanh tại chợ Đà Lạt”, bà Tuyết cho biết.

Trưởng BQL chợ Đà Lạt Nguyễn Long An cho biết thêm: Mô hình đã tạo được sự chuyển biến rõ nét trong ý thức của tiểu thương về giữ gìn và phát huy phong cách người Đà Lạt “Hiền hòa, thanh lịch, mến khách” trong kinh doanh, chấp hành tốt văn minh thương mại. Định hướng năm 2023 nâng cao chất lượng hoạt động của mô hình, nghiên cứu, khảo sát để nhân rộng mô hình từ 1-2 ngành hàng. BQL chợ Đà Lạt tiếp tục phối hợp với Hội Phụ nữ chợ Đà Lạt tuyên truyền, vận động tiểu thương thực hiện các tiêu chí phong cách người Đà Lạt “Hiền hòa, thanh lịch, mến khách” gắn với thực hiện Bộ quy tắc ứng văn minh du lịch, Quy tắc ứng xử văn hóa người Đà Lạt.

Theo baolamdong.vn

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu