Đà Lạt mở lớp dạy cồng chiêng để bảo tồn văn hóa truyền thống

23/11/2022 692 0
Dự kiến trong tháng 11 này, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) sẽ mở 2 lớp truyền dạy cồng chiêng với các đối tượng tham gia là thanh niên người đồng bào dân tộc thiểu số từ 18 đến 30 tuổi.

Nghệ thuật cồng chiêng là đặc trưng văn hóa đồng bào Tây Nguyên.

Việc mở lớp truyền dạy cồng chiêng theo TP Đà Lạt nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch tại địa phương. Đồng thời phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước, xã hội và cộng đồng trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Việc mở lớp học cũng nhằm động viên, khích lệ đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia vào hoạt động bảo tồn bản sắc văn hóa phi vật thể; phát huy vai trò chủ thể của đồng bào trong việc nhân rộng mô hình văn hóa truyền thống.

Bên cạnh đó, mở lớp dạy cồng chiêng giúp nâng cao ý thức, niềm tự hào về các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số; động viên khuyến khích đồng bào bảo vệ, bảo tồn, phát huy và lan tỏa các giá trị di sản văn hóa cồng chiêng các Dân tộc thiểu số trên địa bàn TP Đà Lạt.

Dự kiến các lớp học cồng chiêng diễn ra trong 20 ngày tại xã Tà Nung và Tổ dân phố Măng Line (phường 7, TP Đà Lạt) với 2 lớp học. Đối tượng tham gia lớp học là thanh niên người đồng bào dân tộc thiểu số (từ 18 đến 30 tuổi).

Nội dung truyền dạy của lớp học bao gồm: Lý luận cơ bản về nhận diện cồng chiêng; những đặc điểm nghệ thuật trình diễn cồng chiêng; sự gắn kết giữa cồng chiêng và các lễ hội; Những nội dung cơ bản về cách đáng chiêng; các bài chiêng trong các lễ hội của dân tộc và Hình thức truyền dạy trực tiếp trên chiêng.

Kinh phí mở lớp dạy cồng chiêng dự kiến khoảng 90 triệu đồng được lấy từ kinh phí tổ chức truyền dạy cồng chiêng của Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Lâm Đồng cấp theo Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn I: từ năm 2021-2025.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng và chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là cư dân các dân tộc Tây Nguyên: Bana, Xêđăng, Mnông, Cơho, Rơmăm, Êđê, Giarai, Mạ… Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người Tây Nguyên, là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người, để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hằng ngày của họ.

Theo baomoi.com

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu