Có một không gian ký ức về những người mưu sinh ở Đà Lạt

14/06/2021 1449 0
Có bao giờ khi đến với Đà Lạt, bạn chọn rời xa những nơi nhộn nhịp, tự tìm cho mình bước đi riêng trong không gian yên ắng của những ký ức mơ hồ. Đó là ký ức của những người mưu sinh trên đường phố này.

Không gian lưu giữ ký ức

Cái tên XQ Sử quán là tên viết tắt của hai nghệ nhân Võ Văn Quân và Hoàng Lệ Xuân. Đây là hai nhân vật đã vạch hướng đi mới cho nghề tranh thêu tay, kết hợp giữa nghệ thuật thêu và tính nghệ thuật của hội họa tạo nên sắc màu mới cho tranh thêu Việt Nam.

Mới những ngày đầu thành lập, XQ Sử quán chỉ có vẻn vẹn 20 nghệ nhân. Trải qua nhiều năm phát triển đầy chông gai, đến nay ngôi làng XQ đã có hơn 3000 thợ thêu. Trong đó, có hơn 2000 nghệ nhân và 6 công ty trong và ngoài nước.

Khuôn viên của XQ Sử quán trải dài 12.000 mét vuông, bao gồm 6 khu vực đặc trưng đó là: Khu trưng bày tranh thêu, khu tham quan, khu tôn vinh các nghệ nhân thêu, khu vườn hoa nghệ thuật, khu ẩm thực và khu trưng bày lịch sử nghệ thuật sắp đặt ngành thêu.

Ngôi nhà đậm nét cổ kính ở XQ Sử quán

Khác với những địa điểm tham quan nổi tiếng ở Đà Lạt, nơi đây vắng lặng hơn rất nhiều. Không ồn ã, không trang hoàng lộng lẫy và cũng không có bóng dáng hướng dẫn viên thuyết minh, XQ Sử quán là miền ký ức về những người bán hàng rong - “Nơi lưu giữ bảng tổng kết cuộc đời của người mưu sinh trên những nẻo đường phố”.

Khi con người ta dần chạy theo cuộc sống hiện đại, trở nên thờ ơ với những gì xung quanh thì trong không gian yên ắng ấy là một kho ký ức rất đời thường về quãng đường đời mưu sinh của những người phụ nữ phi thường. Những nét chữ run run ấy trở nên hài hòa và đắt giá hơn biết nhường nào.

Không khó để bắt gặp những người bán hàng rong tại Đà Lạt và thường là những người phụ nữ. Mặc kệ nắng mưa, họ rong ruổi khắp các con phố để kiếm tiền mưu sinh. Chính tại Sử quán, những nghệ sĩ đã khéo léo ghi chép lại quá trình đó. Người bán dâu tây, người bán đĩa nhạc, người bán hoa quả, người bán nước…

Không chỉ dừng lại ở đó, nơi đây còn lưu giữ bảng chữ ký chia sẻ của mọi người với những người bán hàng rong, đôi khi lại là bức họa của một họa sĩ nào đó phác thảo những chân dung của những cảnh đời. Tất cả chìm vào một miền kí ức vừa xa xăm vừa mờ tỏ nhưng sức sống và sự chuyển động của những hình ảnh, những nét chữ như đang hiện lên khá chân thực.

Góc trưng bày chữ kí chia sẻ của người bán hàng rong

Điều đặc biệt khiến nơi đây không bị chìm vào quên lãng hay mang một sắc màu hoài cổ vì nó gắn liền với cuộc đời thực và dòng đời thực đang diễn ra. Không chỉ ghi chép, lưu giữ kỷ niệm về những cuộc đời mưu sinh trên đường phố mà còn là nơi giao lưu, nghỉ ngơi của những người bán hàng rong trong hiện tại.

Tại đây, những người phụ nữ phi thường được nghỉ ngơi, dùng nước, khăn và vệ sinh miễn phí. Đặc biệt là hàng tháng, những người phụ nữ bán hàng rong có thể đến đây, lấy giấy bút đặt sẵn trên những chiếc hòm nhỏ và ghi chép lại một điều gì đó về công việc và cuộc đời mưu sinh của mình rồi đặt vào chiếc hộp nhỏ.

Mục đích của việc tạo ra không gian đặc biệt này ở Đà Lạt là xuất phát từ chương trình tôn vinh nét đẹp đường phố. Thì ra, Đà Lạt đẹp và mộng mơ không dừng lại ở cảnh sắc, những công trình kiến trúc,... Đà Lạt còn đẹp bởi những thanh âm đang ngày đêm cất lên trong những điệu hồn mưu sinh.

Dạo bước trong không gian ký ức này, tâm hồn bất giác thanh thản, bình yên hơn rất nhiều. Cuộc sống có rất nhiều mảnh đời khác nhau, thật vui vì chúng ta có thể giúp ích hay đơn giản là tạo niềm vui cho ai đó...

Theo 360dalat.com

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu