Thiết bị bay không người lái góp phần quảng bá hiệu quả du lịch Đà Lạt
Theo UBND tỉnh, thiết bị bay không người lái đã được ứng dụng rộng rãi và mang lại lợi ích trong nhiều lĩnh vực, giúp quan sát bao quát góc rộng từ trên cao, nâng hiệu quả trong công tác, quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; phục vụ công tác tuần tra, khảo sát các công trình, dự án có địa hình phức tạp để phát hiện, xử lý vi phạm kịp thời; ghi lại những hình ảnh đẹp, các sự kiện, lễ hội nhằm phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch…
Lâm Đồng là một trong những tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước, địa bàn rộng, địa hình hiểm trở; đồng thời là địa phương có ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch – dịch vụ phát triển. Do vậy, việc ứng dụng sản phẩm công nghệ phục vụ các hoạt động đặc thù để thực hiện chức năng quản lý của cơ quan nhà nước và quảng bá hình ảnh, thế mạnh của địa phương là rất cần thiết.
Theo Đề án, các cơ quan, đơn vị được trang bị thiết bị bay không người lái gồm: Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm; Ban Quản lý rừng; Phòng Văn hóa - Thông tin hoặc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao; Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn; Thanh tra tỉnh; Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
Mỗi đơn vị được trang bị 1 bộ với đơn giá dự kiến 150 triệu đồng. Tổng kinh phí dự kiến là 7,5 tỷ đồng, chưa bao gồm kinh phí trang bị của ngành nông nghiệp theo Đề án “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; khôi phục và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” ban hành kèm theo Quyết định 1836 ngày 25/8/2020 của UBND tỉnh.
Thực hiện Đề án nói trên, đến nay, ngành Lâm nghiệp đã trang bị 37 thiết bị bay không người lái phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát huy nhiều ưu điểm, hiệu quả.
Theo baolamdong.vn