Sẵn sàng cho giải đua ngựa không yên

10/11/2022 907 0
Từ khi được đưa vào tổ chức trong khuôn khổ Mùa hội cỏ hồng LangBiang năm 2017, Giải đua ngựa không yên được tiến đến tổ chức ngày càng chuyên nghiệp, quy mô nhưng không kém phần hấp dẫn. Năm nay, những chàng trai K’Ho dưới chân núi LangBiang cũng đã sẵn sàng để phô diễn và cống hiến cho khán giả những khoảnh khắc mạnh mẽ, cuốn hút trên lưng ngựa.

Krajan Truik thường xuyên kiểm tra sức khỏe và chú trọng tập luyện cho ngựa trước cuộc đua

Chỉ còn ít ngày nữa, Mùa hội cỏ hồng LangBiang lần thứ IV - năm 2022 chính thức được bắt đầu. Một trong những nội dung được chờ đợi nhất chính là phần tranh tài của các kỵ sĩ ở Giải đua ngựa không yên - cuộc đua của những chàng trai dân tộc K’Ho mạnh mẽ, phóng khoáng.

Đối với Krajan Truik, chiếc lưng ngựa giống như một điểm tựa mà ở đó, toàn bộ đam mê, cá tính của người trẻ được bộc lộ một cách trực tiếp nhất. Anh cũng là gương mặt quen thuộc trong các cuộc thi chinh phục đỉnh LangBiang trên lưng ngựa và liên tiếp giành được những giải thưởng cao. Năm nay, chú ngựa Ritica của anh cũng đã sẵn sàng cho những bước đua đầu tiên trong cuộc đời.

“Mình nhớ không chính xác nhưng từ lúc 6, 7 tuổi đã được làm quen với lưng ngựa. Đối với người K’Ho khi đó, ngựa trở thành phương tiện di chuyển, vận chuyển hàng hóa chủ yếu. Vì thế, mỗi nhà đều có một hoặc vài con. Đến khi mùa màng xong xuôi, các giải đua ngựa được tổ chức giữa các buôn làng, vừa để ăn mừng cũng là để khẳng định sức mạnh, vẻ đẹp của con người”, Krajan Truik kể.

Theo Krajan Truik, hiện nay, truyền thống nuôi ngựa vẫn còn được một số gia đình giữ lại. Tuy nhiên, thay vì là phương tiện vận chuyển, ngựa đã cùng với người dân tham gia vào quảng bá hình ảnh du lịch cao nguyên LangBiang. Trong đội ngựa LangBiang của thị trấn Lạc Dương hiện có 23 con, chủ yếu phục vụ nhu cầu chụp hình, quay phim, đóng các MV ca nhạc… của du khách.

Dù không phải lần đầu tiên tham dự giải đua nhưng Krajan Truik cũng đang tích cực chuẩn bị cho cuộc đua khá công phu. Mỗi ngày, anh đều tranh thủ cùng với các nài ngựa khác thường xuyên đưa ngựa vào rừng để tập cưỡi, khéo léo xử lý các tình huống có thể gặp phải trên đường đua. Bởi so với trước đây, ngựa bị bó hẹp không gian sống, việc ít di chuyển cũng khiến ngựa giảm sức bền bỉ và tốc độ. 

“Cũng đã lâu rồi mới trở lại lưng ngựa để thi đấu nên mình cũng rất hồi hộp. Khi tham gia thi đấu, các kỵ sĩ phải thể hiện hết khả năng qua những pha đua rượt đuổi mà không thể thiếu đi sự mạnh mẽ, khéo léo. Vì đua ngựa không có yên, không bàn đạp giữ chân mà chỉ có đai buộc ngựa để điều khiển, vừa phải cầm dây cương vừa điều khiển vừa giữ thăng bằng. Nếu không khéo léo thì rất khó để điểu chỉnh tốc độ, nhất là đối với địa hình đồi dốc quanh co”, nài ngựa Liêng Hot Tè Quang (Tổ dân phố B’Nớ B) chia sẻ.

Theo ông Cao Anh Tú - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lạc Dương, cuộc thi năm nay thu hút 32 kỵ sĩ, là những chàng trai đồng bào dân tộc K’Ho, có hộ khẩu thường trú tại huyện Lạc Dương, độ tuổi từ 16 - 45, có sức khỏe. Và hầu hết đây là những người yêu thích và có kỹ năng điều khiển ngựa đua. Những chú ngựa cỏ địa phương khỏe mạnh được kiểm dịch và tiêm phòng dịch, bảo đảm khả năng thi đấu tốt.

Năm nay, để góp phần đưa Giải đua ngựa không yên trở nên chuyên nghiệp, Công ty Cổ phần SXHQ đã đầu tư xây dựng trường đua bài bản, đúng chuẩn tại Tiểu khu 120, xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương. Bên cạnh đó, đơn vị còn tài trợ toàn bộ chi phí tổ chức và toàn bộ giải thưởng của giải đua với tổng kinh phí hơn 110 triệu đồng.

Theo ông Trần Duy Khanh, đại diện Khu du lịch sinh thái - văn hóa SXHQ, đến nay, trường đua đã hoàn thành gần như toàn bộ các hạng mục, sẵn sàng chào đón kỵ sỹ và khán giả tới tham quan, thưởng thức những màn tranh tài gay cấn. Đường đua rộng 10 m, được thảm cỏ, bố trí các khúc cua ven hồ và uốn lượn giữa rừng thông để tăng thêm thử thách đối với các kỵ sỹ. Đồng thời, khán giả có thể ngồi ở khán đài để chiêm ngưỡng cuộc đua một cách an toàn.

Ông Cao Anh Tú cho biết, Giải đua ngựa không yên cũng là dịp để quảng bá những hình ảnh đất và người, nét đẹp văn hóa bản địa đến với du khách. Qua các năm, Giải đua ngựa không yên trong khuôn khổ Mùa hội cỏ hồng LangBiang ngày càng được tổ chức chuyên nghiệp, quy mô hơn. Với người K’Ho, đây cũng là một sản phẩm văn hóa xuất phát từ chính cuộc sống của người dân từ xa xưa. 

Cùng với đó, huyện Lạc Dương đang nỗ lực phục dựng lại theo hướng bài bản, chuyên nghiệp. Theo thể lệ giải đấu, các chàng trai K’Ho phải mặc trang phục truyền thống trong quá trình thi đấu. Hình ảnh này gợi lên tình cảm gắn bó giữa con người vùng cao với loài vật trung thành, thân thuộc trong cuộc sống sinh hoạt từ lâu đời. Lạc Dương đặt mục tiêu đưa vào tổ chức bài bản, hướng đến mục tiêu năm 2025, Giải đua ngựa không yên có thể được công nhận là di sản văn hóa cấp tỉnh và đạt cấp quốc gia năm 2030.

Theo baolamdong.vn

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu