Tăng cường quản lý hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, phát huy giá trị di sản văn hóa

11/10/2022 1095 0
Thực hiện Chỉ thị số 274 của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Lâm Đồng đã triển khai tăng cường quản lý hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục hồi và phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước nhằm bảo tồn giá trị nguyên bản các lễ hội truyền thống dân tộc

Thời gian qua, các hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục hồi và phát triển du lịch từng bước đi vào nề nếp, đem lại nhiều giá trị tích cực, góp phần giáo dục truyền thống, định hướng về thẩm mỹ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thụ hưởng văn hóa tinh thần của Nhân dân, đặc biệt là sau thời gian dài gián đoạn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, tổ chức một số hoạt động vẫn còn hạn chế, gây dư luận xấu trong xã hội, cụ thể như: Biểu diễn nghệ thuật, triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh tổ chức khi chưa được cấp phép, chấp thuận hoặc thực hiện không đúng với nội dung đã được cấp phép; ở một số nơi, vẫn còn tình trạng di sản bị xâm hại, xuống cấp, hoạt động bảo quản, tu bổ, tôn tạo di tích chưa tuân thủ đúng quy định của pháp luật; hiện tượng kinh doanh dịch vụ lữ hành trái phép, trục lợi, chèo kéo, không niêm yết giá công khai và không bán theo giá niêm yết cho khách du lịch vẫn còn diễn ra vào các dịp cao điểm...

Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, khắc phục dứt điểm những tồn tại, hạn chế trên, Sở Văn hóa Thể thao và Du Lâm Đồng triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị của Bộ nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm quản lý nhà nước; chủ động, linh hoạt và quyết liệt trong thực thi nhiệm vụ; thường xuyên theo dõi tình hình, xử lý tình huống, tiếp nhận và giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân trong tỉnh. 

Rà soát, thẩm định chặt chẽ các hồ sơ cấp giấy phép, cấp văn bản chấp thuận, thỏa thuận và chịu trách nhiệm về nội dung; phối hợp chặt chẽ và phát huy vai trò của các cơ quan liên quan đối với các hoạt động phức tạp, nhạy cảm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi tình hình thực thi pháp luật trong tổ chức các hoạt động, xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. 

Thiết lập cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý về hoạt động nghệ thuật biểu diễn; chủ động có biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời đối với hoạt động biểu diễn nghệ thuật, cuộc thi người đẹp, người mẫu có vi phạm.

Thẩm định chặt chẽ hồ sơ ghi danh di sản văn hóa phi vật thể theo thẩm quyền; thực hiện hiệu quả công tác quản lý di sản văn hóa và tu bổ di tích, xây dựng và triển khai các đề án bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Tổ chức lễ hội bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, an toàn, hiệu quả, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương, tránh phô trương, hình thức, lãng phí; nhanh chóng thực hiện thống kê lễ hội tại địa phương; tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ quản lý và tổ chức lễ hội.

Thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; quản lý chuyên môn mỹ thuật đối với xây dựng công trình tượng đài, tranh tường nơi công cộng bảo đảm chất lượng thẩm mỹ, nội dung tư tưởng; chú trọng công tác thẩm định cấp phép các triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh, tránh để xảy ra triển lãm có nội dung nhạy cảm, phức tạp.

Thực hiện nghiêm quy định tại Luật Du lịch; trong đó, tập trung vào công tác cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch, quản lý lưu trú du lịch và quản lý điểm đến. Tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh du lịch nhằm bảo đảm an ninh, an toàn, văn minh, thân thiện trong hoạt động du lịch. 

Phối hợp xúc tiến, quảng bá du lịch, phát triển sản phẩm du lịch mới phù hợp với thị hiếu của du khách sau đại dịch, khắc phục tình trạng "đứt gãy nguồn nhân lực du lịch"... để thúc đẩy phục hồi, phát triển du lịch, thu hút du khách.

Phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước cho địa phương theo quy định như chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật, cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn, triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh... Quản lý chặt chẽ các cuộc thi người đẹp, người mẫu trên địa bàn bảo đảm tính thống nhất, phù hợp thuần phong, mỹ tục của dân tộc, văn hóa truyền thống, phù hợp với lứa tuổi, giới tính và điều kiện thực tiễn của địa phương.

Phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm phạm di tích, thực hành sai lệch di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát huy vai trò của cộng đồng và trách nhiệm của chính quyền địa phương ở cơ sở. Giới thiệu về nguồn gốc của các lễ hội, về các giá trị, ý nghĩa của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống; tăng cường kiểm tra, theo dõi trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, biến tướng, làm sai lệch lễ hội truyền thống. 

Theo baolamdong.vn

 

 

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu