Sương đêm Đà Lạt

23/08/2022 1128 0
Lê Hoàng Mến chia sẻ trải nghiệm săn khoảnh khắc sương đêm hay ánh sáng xuyên qua màn sương khắp Đà Lạt.

Thiên nhiên ban tặng cho vùng cao nguyên Lâm Đồng những khung cảnh say lòng người, với muôn loài hoa khoe sắc, màu xanh của những ngọn đồi, rừng thông và đặc biệt là mùa sương, mây phố núi.

Bức ảnh sương ở trung tâm Cầu Đất, Xuân Trường, TP Đà Lạt lúc gần 5h nằm trong bộ ảnh của Lê Hoàng Mến (sinh năm 1992). Tác giả quê Đồng Nai, hiện sống tại TP HCM từng đoạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước như HC vàng ảnh Dalat Yersin 2022 hạng mục Chân dung; HC bạc Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực TP HCM; HC đồng ảnh nghệ thuật khoảnh khắc SEA Games 31. Bộ ảnh được thực hiện trong các lần tác giả rong ruổi Lâm Đồng từ năm 2020 đến nay.

"Mỗi khoảng thời gian trong ngày ở Đà Lạt mang một vẻ đẹp khác nhau. Trong những lần thức canh chụp ảnh sương, tôi tranh thủ chụp dải ngân hà trên bầu trời đêm tại khu vực cây cô đơn ở đồi chè Cầu Đất lúc gần 2h sáng”, Mến chia sẻ.

Du khách muốn ngắm sương đêm, phải leo lên những ngọn đồi Đà Lạt từ khoảng 23h hôm trước. Khi đó, sương từ vùng cao sẽ dần dần tràn xuống thành phố, bao phủ từng ngôi nhà, nhành cây, ngọn cỏ. Ảnh chụp lúc 2h từ đồi Du Sinh, cách trung tâm Đà Lạt khoảng 6 km với hướng nhìn về phía thành phố.

Hoàng Mến kể muốn lên được đồi Du Sinh ngắm sương phải vượt qua nghĩa trang Du Sinh trong màn đêm tĩnh mịch. Bù lại, lúc hừng sáng mãn nhãn với quang cảnh các ngôi nhà và rừng thông lãng đãng trong lớp sương và ráng bình minh.

Phố núi thật sự cuốn hút và tuyệt đẹp, nhất là lúc chờ đợi ánh bình minh của buổi sớm ban mai. Trên ảnh là trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt chìm trong sương lúc bình minh, một trong những bức ảnh yêu thích của Hoàng Mến.

Sớm bình yên trong khuôn viên Dinh 1 Bảo Đại, Đà Lạt, nằm trên một ngọn đồi cao 1.550 m so với mực nước biển, xung quanh được bao quanh rừng thông. Du khách có thể dạo bước tận hưởng vẻ đẹp Đà Lạt xanh khi ngày mới nắng lên hòa lẫn làn sương, thả hồn lắng nghe những câu chuyện tình lãng mạn, tạm quên đi những khó khăn, vất vả trong cuộc sống đời thường.

Di chuyển xa hơn sẽ giúp du khách thỏa ước mơ ngắm sương mây dày hơn. Quãng đường từ trung tâm thành phố Đà Lạt vào đến các điểm ngắm sương tuỳ nơi từ 10 đến 55 km, như địa phận đèo Omega, huyện Lạc Dương, cách Đà Lạt khoảng 55 km. Trên ảnh là quang cảnh đèo Omega trong lớp sương mây khi nắng lên 6 giờ sáng. Ngoài tên gọi Omega, đèo được biết đến nhiều với tên gọi như Hòn Giao, Khánh Lê, Bidoup hay Long Lanh.

Sương cao nguyên như thôi miên du khách với góc nhìn từ đồi Đa Phú, nơi nổi tiếng trong danh sách những địa điểm săn mây đẹp nhất Đà Lạt, cách trung tâm thành phố 12 km.

"Đa phần các điểm đến có đường nhựa dễ đi, nhưng khi đến chân đồi, phải leo hoặc có thể chạy thẳng xe máy vào đồi cỏ theo những đường mòn có sẵn. Để bắt trọn những khoảnh khắc sương, ngoài lòng đam mê, di chuyển nhiều lần đến nơi chụp thì còn phụ thuộc vào yếu tố may mắn là thời tiết. Có những lúc khi đến được địa điểm nhưng hôm đó lại không có sương, đành ngậm ngùi ra về", Mến cho hay.

Trung tâm xã Dasar, huyện Lạc Dương, cách Đà Lạt khoảng 20 km mờ ảo sương trong nắng vàng lúc hơn 6h. Không còn gì tuyệt vời hơn khi ra vùng ngoại ô ngắm nhìn làn sương thoát ẩn, thoát hiện. Cảnh vật bình yên đến lạ thường khi đắm chìm trong bầu không khí đầy sương.

Một góc suối Tía, hồ Tuyền Lâm, cách trung tâm Đà Lạt khoảng 5 km về phía nam, bối cảnh thu hút nhiều nhiếp ảnh đến chụp ảnh mùa sương. Địa điểm này dù lúc nắng lên nhưng vẫn còn bao phủ màn sương dày, khiến cảnh sắc hồ như chốn thần tiên.

Hoàng Mến chia sẻ một số lưu ý khi du khách khi đi chụp ảnh mùa sương là chuẩn bị một chiếc xe số đủ mạnh để leo dốc đồi, đổ đầy bình xăng trước buổi tối vì về khuya Đà Lạt không có chỗ đổ xăng. Ngoài ra, chuẩn bị áo ấm, găng tay, nón len, để giữ nhiệt cơ thể trước cái lạnh Đà Lạt.

Ray nắng xuyên qua lớp sương bao phủ hàng thông dọc quốc lộ 20, đoạn nhà thờ Đa Lộc, xã Xuân Thọ, Đà Lạt.

Theo vnexpress.net

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu