Số ca nhiễm COVID-19 đang bùng phát tại nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có Lâm Đồng. Số người nhiễm tăng nhanh hàng ngày. Có những gia đình cả nhà đều bị nhiễm. Vì thế, nhu cầu kít xét nghiệm rất cao, nhà nhà, người người đổ xô nhau tìm mua kít xét nghiệm nhanh. Số lượng mua ít nhất 5 kít, còn lại hầu hết là hàng chục tới vài chục kít.
Điều đáng mừng là kít xét nghiệm không thiếu. Cũng có một vài cửa hàng tạm thời hết hàng và khan hiếm trong một vài ngày rồi lại có. Nhưng giá thì liên tục leo thang và không quản lý được. Tại nhiều nơi, có cửa hàng bán với giá 55.000 đồng/kít, nhưng những ngày đầu tháng 2, giá đã lên tới 70.000- 85.000- 95.000- 120.000 đồng/kít tùy theo loại. Có một thực tế là người mua cần chứ người bán không cần bán nên dù họ hét với giá nào, người dân cũng phải cắn răng mà mua. Hơn nữa, đi mua thuốc hay kít xét nghiệm bây giờ đều phải xếp hàng, ít thì nửa tiếng, nhiều là hàng giờ, nên tới lượt mà chê đắt không mua là lại tốn công, tốn thời gian. Có thể thấy, người dân đang phải chịu rất nhiều áp lực, lo lắng về dịch bệnh, nhất là tại các gia đình có người già, trẻ em bị nhiễm COVID-19. Chi phí cho xác định có mắc bệnh hay không (cả PCR và tets nhanh) đều rất cao. Tính sơ sơ một nhà có 4 người nhiễm cũng mất tới hơn 4 triệu đồng PCR (2 lần), chưa kể test nhanh cùng tiền thuốc men; chi phí ăn uống, bồi dưỡng và hàng loạt chi phí khác. Các gia đình có người nhiễm đều phải nghỉ việc, ít nhất 7-10 ngày, nguồn thu nhập không có. Thế mà lại có tình trạng “đục nước béo cò”, lợi dụng nhu cầu tăng cao, tâm lý lo sợ trước dịch bệnh của Nhân dân để tăng giá kiếm lời bất chính. Dư luận đến giờ vẫn chưa nguôi ngoai về tình trạng giá kít xét nghiệm của Việt Á, giờ tới chuyện loạn giá này càng cho thấy những yếu kém trong quản lý giá thiết bị, vật tư y tế.
Có thực tế là người dân hầu như rất mù mờ về các loại kít test nhanh. Theo các chuyên gia, kít test nhanh có 2 loại là xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể. Tuy nhiên, đối với các loại kít test nhanh được bày bán trên thị trường, người dân khó phân biệt được giữa kháng nguyên và kháng thể. Mặt khác, các kít test có độ nhạy và độ đặc hiệu khác nhau sẽ cho kết quả khác nhau. Kít test khi đưa vào sử dụng cần phải được các cơ quan y tế uy tín cấp phép. Ở Việt Nam, chỉ nên dùng các loại đã được Bộ Y tế cấp phép mới có thể đảm bảo chất lượng. Như vậy, người dân rất khó biết được kit test nào có độ nhạy, độ đặc hiệu bao nhiêu và loại nào đã được các cơ quan y tế uy tín kiểm định và cho phép lưu hành… Đã loạn giá, lại mù mờ về loại, về chất lượng…, quả thật người dân đang phải chịu quá nhiều thiệt thòi giữa lúc dịch bệnh hoành hành.
Mới đây, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) chủ trì, phối hợp với Cục Hải quan Hà Nội kiểm tra lô hàng vi phạm, thu giữ hơn 85.000 test nhanh COVID-19 các loại. Lô hàng được vận chuyển từ Hàn Quốc về Việt Nam qua Sân bay quốc tế Nội Bài. Điều đó cho thấy, do nhu cầu và giá trong nước tăng cao nên loại hàng hóa này đang được nhập khẩu bằng mọi hình thức với thủ đoạn rất tinh vi.
Để “chữa cháy”, Bộ Y tế đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tăng cường phối hợp, liên thông cung cấp thông tin về giá nhập khẩu trang thiết bị y tế, trong đó có giá nhập khẩu test xét nghiệm nhanh và xét nghiệm kháng nguyên chẩn đoán SARS-CoV-2. Đồng thời, chủ trì phối hợp với Bộ Y tế sớm nghiên cứu, xem xét trình Chính phủ đưa mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế (bao gồm kit test xét nghiệm) vào diện bình ổn giá trong thời kỳ phòng, chống dịch COVID-19; ban hành quy định về mức giá trần xét nghiệm COVID-19 đối với cơ sở y tế tư nhân. Biện pháp đề ra là đúng rồi, nhưng cần phải làm nhanh hơn, thật khẩn trương và chủ động không thể để người dân chịu mãi chi phí vô lý về kit xét nghiệm, cũng như những chi phí y tế khác như giá thuốc, thiết bị y tế chữa COVID-19 giữa lúc có quá nhiều khó khăn và phải điêu đứng do dịch bệnh kéo dài 2 năm liên tiếp gây ra.