Đà Lạt (Lâm Đồng): Cần tôn tạo quần thể lăng mộ Nguyễn Hữu Hào thành điểm đến thu hút du khách

07/12/2021 1369 0
Quần thể lăng mộ Long Mỹ Quận công Nguyễn Hữu Hào rộng khoảng 4 ha (phường 5, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng) có giá trị rất lớn về lịch sử, độc đáo về kiến trúc gắn liền với triều vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu. Tuy nhiên, theo thời gian khu lăng mộ này đang dần bị bỏ hoang, đi vào quên lãng, không mấy ai quan tâm biết về sự hiện hữu của nó.

Hiện nay, việc tôn tạo khu lăng mộ này để trở thành điểm du lịch về nguồn, thu hút khách du lịch là hết sức cần thiết, tránh lãng phí tài nguyên di tích.

Công trình có giá trị lịch sử, văn hóa

Cổng lăng  Long Mỹ Quận công Nguyễn Hữu Hào bao gồm 4 trụ biểu có để thơ của Nam Phương Hoàng hậu

Những ngày đầu tháng 12, trong tiết trời se lạnh chúng tôi đến Đà Lạt để trải nghiệm các không gian của thành phố ngàn hoa này. Một điểm đến mà chúng tôi được khám phá trong dịp này đó là khu lăng mộ Long Mỹ Quận công Nguyễn Hữu Hào rộng 4 ha nằm trên đỉnh một quả đồi phía Tây Nam thuộc phường 5, TP. Đà Lạt. Khu lăng mộ được bao phủ bởi rừng thông hàng chục năm tuổi. Cách Khu du lịch thác Cam Ly chỉ tầm 200m, lại tiếp giáp tuyến đường đi làng hoa Vạn Thành, tuy nhiên gần như có rất ít người biết rằng đây chính là khu yên nghỉ của nhân vật lịch sử Long Mỹ Quận công Nguyễn Hữu Hào giàu có, tiếng tăm lừng lẫy bậc  nhất đất Nam Kỳ trong những năm đầu thế kỷ XX.

Được biết, quần thể Lăng được hoàn thành vào năm 1941, tức 4 năm sau khi vị Quận công này mất. Đây được biết đến là công trình do vua Bảo Đại (con rể) và Nam Phương Hoàng hậu (con gái) cho xây dựng để làm nơi yên nghỉ cuối cùng cho Long Mỹ Quận công Nguyễn Hữu Hào. Tổng thể lăng có thể chia làm 3 phần gồm: Cổng lăng và lối đi dẫn đến lăng; lăng chính và các công trình phụ cận. Cổng lăng được dựng với 4 trụ biểu cao thấp khác nhau. Trên đỉnh trụ có chóp hình hoa sen và 2 chú chó cách điệu. Ở mặt ngoài hướng ra đường của các trụ biểu này có đề 4 câu thơ chữ Hán được cho là do người con gái thứ của ông là Mariette Jeannette Nguyễn Hữu Thị Lan (tức Nam Phương Hoàng hậu) đề tỏ lòng thành kính với cha.

Đi qua cổng khoảng 200m với 158 bậc thang thì đến khu lăng chính. Các bậc thang tại đây được xây dựng bằng vôi vữa, bề mặt trên lát gạch men. Cứ lên vài bậc lại có một chiếu nghỉ đan xen xuyên suốt đến hết đoạn đường tạo cảm giác thoai thoải không quá dốc đối với người đi lên xuống. Bao quanh khu vực lăng chính là hàng rào được xây dựng với những họa tiết hoa văn tinh tế. Trước khi vào chính lăng Long Mỹ Quận công Nguyễn Hữu Hào, phải qua một sân tế. Ngay bậc tam cấp ở đầu sân tế một cặp sư tử được đặt án ngữ hai bên được xem như linh vật trấn giữ lăng. Tiếp đến là sân chầu với 2 lối lên xuống, mỗi lối có 13 bậc. Ngoài ra, để vào được chính lăng còn phải tiếp tục qua 20 bậc nữa, đây cũng là lối lên xuống duy nhất.

Điểm nhấn chính và quan trọng nhất của quần thể lăng này chính là một tòa lăng được xây dựng theo lối kiến trúc cung đình Huế với 4 cạnh mái ngói cong hướng lên trên. Bên trong công trình này là phần mộ của Quận công Nguyễn Hữu Hào và vợ là bà Lê Thị Bình. 2 phần mộ kể trên được tạc bằng đá xanh nguyên khối, bề mặt được chạm khắc hoa văn hết sức công phu thể hiện quyền uy và sự giàu có.

Cần tôn tạo để thu hút khách du lịch

Khu lăng mộ của Long Mỹ Quận công Nguyễn Hữu Hào xây dựng trên một quả đồi với rừng thông hàng chục năm tuổi

Sau năm 1975, lăng Quận công Nguyễn Hữu Hào đã có thời gian dài rơi vào tình trạng quên lãng, nhiều hạng mục của công trình không được bảo dưỡng đã xuống cấp nghiêm trọng, một số khác bị những người dân sống xung quanh tháo dỡ mang về sử dụng. Chỉ đến vài năm trở lại đây công trình này mới được chính quyền địa phương cho tôn tạo, sửa chữa và phục dựng lại. Theo người bảo vệ lăng cho biết, thời gian gần đây đã có một số người dân địa phương cũng như khách du lịch tìm đến để tìm hiểu, khám phá địa điểm ít người biết tới này và cũng để thắp cho người quá cố nén nhang.

Ông Nguyễn Viết Vân – Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng cho biết: Quần thể lăng Long Mỹ Quận công Nguyễn Hữu Hào là một công trình kiến trúc có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa và đến nay vẫn chưa được công nhận, xếp hạng là di tích lịch sử. Hiện tại, địa điểm này được chính quyền địa phương giao cho Công ty cổ phần Du lịch Lâm Đồng chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ. Thời gian tới, Sở sẽ nghiên cứu củng cố hồ sơ tham mưu UBND tỉnh tôn tạo khu lăng mộ này, trở thành điểm đến thu hút khách du lịch trong nước, quốc tế.

Theo tài liệu lịch sử, ông Nguyễn Hữu Hào quê huyện Gò Công, (tỉnh Tiền Giang), vốn sinh ra trong một gia đình khá giả. Về sau ông lấy con gái của đại điền chủ Huyện Sĩ - Lê Phát Đạt là bà Lê Thị Bình. Với trí thông minh nhạy bén trong vấn đề làm kinh tế cộng với sự hậu thuẫn lớn từ phía gia đình vợ ông đã tạo cho ông một cơ nghiệp hết sức giàu có. Theo các tài liệu còn lưu lại, chỉ tính riêng quận Long Mỹ, tỉnh Lạch Giá (nay thuộc Cần Thơ), vào năm 1928 gia đình ông đã có hơn 1.000 mẫu ruộng. Ngoài ra, ông còn có rất nhiều đất đai, đồn điền trồng lúa, cao su… ở các tỉnh Tây Nam bộ, Đông Nam bộ và vùng Tây Nguyên.

Vợ chồng ông có tất cả 2 người con gái là Agnès Nguyễn Hữu Hào và cô em là Mariette Jeannette Nguyễn Hữu Thị Lan. Đặc biệt, người con gái út của ông là Mariette Jeannette Nguyễn Hữu Thị Lan là người có nhan sắc hơn người, thông minh, học rộng, có bằng Tú tài toàn phần năm 18 tuổi, thuộc diện nữ giới học cao bậc nhất đất Nam kỳ bấy giờ. Vua đương thời của triều Nguyễn là Bảo Đại đã “phải lòng” Mariette Jeannette Nguyễn Hữu Thị Lan và đã cưới làm vợ.

Lăng chính nơi đặt mộ phần của Quận công Nguyễn Hữu Hào và vợ

Vì ông Nguyễn Hữu Hào là người rất yêu mến vùng đất Đà Lạt nên đã đưa cả gia đình lên đây tiến hành khai hoang rất nhiều đất đai để lập nên hàng loạt trang trại cà phê, chè rộng lớn ở Xuân Trường, Trạm Hành. Ngoài ra, ông cũng là người sở hữu rất nhiều biệt thự tráng lệ thời đó tại đây, tiêu biểu là căn biệt thự nằm trên đường Hùng Vương ngày nay. Sau đó, căn biệt thự này được vợ chồng ông tặng con gái Nguyễn Hữu Thị Lan với tên gọi là Cung Nam phương Hoàng hậu (hiện nay biệt thự này thuộc sở hữu của Bảo tàng Lâm Đồng).

Ngày 13-9-1937 ông đã trút hơi thở cuối cùng tại Đà Lạt. Nam Phương Hoàng hậu cùng với vua Bảo Đại đã nhờ nhiều cao nhân phong thủy ra sức tìm kiếm vị trí đắc địa để an táng ông. Và đó chính là vị trí lăng ngày nay.

Theo baovanhoa.vn

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu