Tập trung chỉ đạo sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022

15/11/2021 979 0

Vụ Đông Xuân 2021 - 2022 là vụ sản xuất chính trong năm của địa phương với các sản phẩm đa dạng, thị trường tiêu thụ rộng, ổn định và mang lại thu nhập cao cho người dân. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc cung cấp lương thực, rau xanh cho toàn xã hội, nhất là trong bối cảnh tác động của dịch bệnh COVID-19 hiện nay.

Nông dân phun xịt thuốc trừ nấm bệnh gây hại cho rau màu ngắn ngày tại xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương

Vụ Đông Xuân năm 2020 - 2021 toàn tỉnh đã gieo trồng 39.462 ha, đạt 100% kế hoạch, tăng hơn 896 ha so cùng kỳ năm 2019. Trong đó, sản lượng đạt 839.686 tấn, tập trung cây ngô sản lượng đạt 12.653 tấn; hoa các loại 1.345.083 ngàn cành;… 

Trong khi đó, vụ Đông Xuân năm 2021 - 2022, nhằm chủ động trong công tác chỉ đạo sản xuất trồng trọt, đảm bảo diện tích, năng suất, sản lượng các loại cây trồng cung cấp sản phẩm ra thị trường, thích ứng với ảnh hưởng của tình hình dịch COVID-19, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cuối tháng 10/2021 đã có kế hoạch triển khai thực hiện. Theo đó, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng năm 2021 - 2022 phấn đấu gieo trồng 40.248 ha, tăng 786 ha so với năm 2020. 

Trong đó, cây lúa theo kế hoạch gieo trồng 8.855 ha, sản lượng 51.416 tấn; ngô 1.901 ha, sản lượng 13.417 tấn; lạc, đậu tương 90 ha, sản lượng 118 tấn; khoai lang 535 ha, sản lượng 8.846 tấn; rau các loại 24.696 ha, sản lượng 856.152 tấn; hoa các loại 3.724 ha, sản lượng 1.402.205 cành; đậu các loại 447 ha, sản lượng 515 tấn. Một số địa phương có diện tích sản xuất vụ Đông Xuân năm nay lớn với nhiều loại cây trồng như Đơn Dương; Đức Trọng; Đà Lạt; Cát Tiên; Lạc Dương,...

Là vựa rau của cả tỉnh và cũng là huyện có nhiều ca nhiễm COVID-19 thời gian qua, đời sống sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân huyện Đơn Dương nhìn chung vẫn được duy trì theo nhịp độ thường nhật, tức vừa sản xuất vừa gắn với công tác phòng, chống dịch. Tại các cánh đồng rau trên địa bàn xã Lạc Lâm những ngày này, người dân vừa thực hiện đeo khẩu trang khi ra đồng, vừa hối hả thu hoạch các loại rau cuối vụ để làm sạch đất, chuẩn bị xuống giống cho vụ mùa mới.

Ông Trần Văn Tuấn (49 tuổi, xã Lạc Lâm) cho biết: “Vụ Đông Xuân năm nay gia đình tôi gieo cấy hơn 2.000 m2 khoai tây và 3.000 m2 rau xà lách. Về cơ cấu giống, gia đình chọn giống như Atlantic hay TK 15.80. Hai giống khoai này cho năng suất khá cao, thời gian thu hoạch ngắn” - ông Tuấn nói và cho biết dự kiến cuối tháng 12 sẽ xuống giống khoai tây để cung ứng cho thị trường sau tết và xuống giống xà lách cuối tháng 11 để bán cho các thương lái thu mua trong dịp Tết Nguyên đán 2022.

Theo thống kê của huyện Đơn Dương, từ tháng 12 tới trung tuần tháng 1/2022 nông dân địa phương sẽ xuống giống khoảng 11.000 ha rau, hoa phục vụ nhu cầu thị trường nội tỉnh và ngoại tỉnh. Nhắm vào nhu cầu của người tiêu dùng và lịch nông vụ hàng năm, nông dân Đơn Dương thường chọn trồng các loại rau củ như: cải thảo, xà lách, cải muối dưa cho vụ tết. Đặc biệt, năm nay một số nông dân đã bắt đầu khôi phục trồng giống tỏi tím hay còn gọi là tỏi Đà Lạt để phục vụ nhu cầu tết. 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, về khung thời vụ xuống giống, đối với cây lúa ngành nông nghiệp khuyến cáo vụ Đông Xuân sớm (tập trung tại vùng sản xuất 3 vụ lúa/năm như Đạ Tẻh, Cát Tiên và những diện tích chủ động được nguồn nước...) và kết thúc xuống giống trước ngày 10/12/2021 Dương lịch. Đông Xuân chính vụ tập trung tại vùng sản xuất 2 vụ lúa/năm như Di Linh, Lâm Hà, Đức Trọng, Đam Rông.... Với những vùng cân đối nguồn nước có nguy cơ thiếu vào cuối vụ (mùa khô), các địa phương phải tính toán cân đối diện tích xuống giống phù hợp lượng nước trong hồ, đập và khuyến cáo sử dụng giống ngắn ngày, gieo sạ sớm hơn lúa đại trà.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, về cơ cấu giống phải căn cứ tình hình cụ thể từng địa phương như: chú trọng sử dụng cấp giống xác nhận, giống ngắn ngày có năng suất, chất lượng cao, cứng cây, chống đổ ngã, chống chịu khô hạn. Các địa phương cần bám sát điều kiện đất, nguồn nước, tập quán canh tác của người dân và nhu cầu thị trường tiêu thụ để chọn giống và bố trí cây trồng cho phù hợp. Đặc biệt, cần tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với các đơn vị thu mua và các hộ nông dân để có kế hoạch chủ động sản xuất các loại rau, hoa, quả phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2022 với ưu tiên lựa chọn loại cây trồng mà những địa phương khác không sản xuất được hoặc sản xuất kém hiệu quả.

Theo baolamdong.vn

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu