Đừng đánh mất giá trị Đà Lạt!

10/11/2021 1196 0
Đà Lạt cần cải tạo lại phù hợp cho phát triển, không nhất thiết phá vỡ cảnh quan, khu trung tâm vốn nhỏ hẹp không thể gánh thêm nhu cầu mới

UBND TP Ðà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) vừa công bố Quyết định phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, TP Ðà Lạt.

Bị cuốn vào vòng xoáy nhà cao tầng

Theo 3 mô hình của 3 phương án quy hoạch kiến trúc khu đồi Dinh do UBND TP Đà Lạt cho trưng bày, phương án 1 đưa dinh Tỉnh trưởng lên cao 28 m so với vị trí ban đầu để xây tổ hợp khách sạn 10 tầng với nhà hàng, khu thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ. Phương án 2 giữ nguyên dinh Tỉnh trưởng, bao quanh là khối nhà hình chữ U cao 10 tầng. Phương án 3 giữ nguyên dinh Tỉnh trưởng nhưng cạnh đó là khối khách sạn đồ sộ hình vòng cung.

Dinh Tỉnh trưởng trên đồi thông hay còn gọi là khu vực đồi Dinh có từ năm 1910 gắn với lịch sử Đà Lạt và có tên trong danh sách bảo tồn đặc biệt. Đồi Dinh (nơi tọa lạc dinh Tỉnh trưởng) được xem là khu đất "vàng", có vị trí đắc địa, cao nhất ở khu vực trung tâm Đà Lạt. 

Đồng thời, đây còn là mảng xanh công cộng duy nhất sót lại ở khu trung tâm Hòa Bình. Nếu khách sạn đồ sộ được xây dựng sẽ làm hỏng cảnh quan kiến trúc, giá trị vốn có, công trình di tích độc đáo cùng với con người như bị nuốt chửng vào bên trong quần thể đó. 

Chính vì vậy, ngay thời điểm công bố các phương án, dư luận xã hội và giới chuyên môn đã lên tiếng phản đối.

Đà Lạt (Lâm Đồng) có đặc thù địa hình tự nhiên và đặc sắc về lịch sử, văn hóa, di sản, kiến trúc… cần gìn giữ Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Đà Lạt những năm qua đô thị hóa tràn lan, không chỉ có nguy cơ phá vỡ cảnh quan kiến trúc mà ảnh hưởng môi trường và chất lượng cuộc sống. Thành phố này có tổng diện tích tự nhiên hơn 394 km² xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt không phải điều bất ngờ với những ai tìm hiểu lịch sử, xây dựng đô thị nơi đây. 

Hơn 90 năm trước, những kiến trúc sư người Pháp quy hoạch Đà Lạt khi khảo sát và tính toán đã cảnh báo nguồn nước ngầm chỉ đủ cung ứng cho 120.000 người. 

Đến nay Đà Lạt có hơn 300.000 người, mỗi năm đón khoảng 5 triệu lượt khách du lịch. Đà Lạt ngày càng bị bê-tông hóa, mất dần mảng xanh, giảm chỗ trữ nước, thiếu nước sinh hoạt là điều dễ hiểu. Những ngày cuối tuần, dịp lễ, Tết, nội ô, đặc biệt khu vực trung tâm Hòa Bình - hồ Xuân Hương kẹt xe với dòng người chen chúc. 

Đầu năm 2021, Đà Lạt đã phải lắp đặt đèn tín hiệu tại các nút giao có mật độ lưu thông lớn và chính thức không còn sở hữu danh hiệu "thành phố không đèn giao thông". Quá tải ở Đà Lạt nằm ở điểm thắt khu vực trung tâm tập trung quá nhiều công trình dịch vụ, khách sạn, cơ sở lưu trú nên mọi luồng giao thông đều dồn về đây.

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý từng góp ý Đà Lạt không nên xây nhà cao tầng khu vực trung tâm, nếu muốn phát triển hãy tạo đô thị vệ tinh như Đà Lạt 2 ở Đơn Dương hoặc điểm nào gần Bảo Lộc... Thế nhưng, Đà Lạt bị cuốn vào vòng xoáy nhà cao tầng kéo theo bao hệ lụy là ngày càng nóng lên, thời tiết bất thường, kẹt xe, thiếu nước sinh hoạt nhưng lại bị ngập úng do mưa.

Phát triển nhưng không đánh mất bản sắc

Mỗi đô thị có đặc thù khác nhau, không theo kiểu "một lát cắt" đều thích hợp. Đà Lạt có đặc thù địa hình tự nhiên và đặc sắc về lịch sử, văn hóa, di sản, kiến trúc, như một tác phẩm nghệ thuật có tâm hồn... 

Quy hoạch hay thiết kế xây dựng cần xem xét thêm yếu tố đó, người thụ hưởng có cảm thấy hứng thú và bảo đảm điều kiện sống, ăn ở, làm việc, đi lại hay không? Mà nhu cầu người dân về thành phố sống tốt có lẽ trước tiên là chữ "an": an toàn, an lành, an bình.

Mô hình cải tạo các thành phố như Seoul (Hàn Quốc), Paris (Pháp), Thượng Hải (Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Jakarta (Indonesia), Kuala Lumpur (Malaysia)... đáng để tham khảo cho Đà Lạt. 

Đô thị hóa, phát triển nhưng không đánh mất bản sắc. Di tích bất khả kháng không thể bảo tồn được mới dịch chuyển đến vị trí khác, ngay vị trí cũ sẽ lưu lại một tấm bảng ghi sự kiện xảy ra. Seoul còn quy định xây dựng công trình dịch vụ có diện tích sàn từ 100.000 m2, nhà cao từ 10 tầng phải cách trung tâm 30 km. 

Paris cũng không cho phép xây nhà cao tầng trong khu nội thành để bảo vệ di sản, chỉ cho xây ở khu mới La Défense... Thực tế hầu hết du khách ghé thăm nội thành cũ, ít khi đi thăm thành phố mới.

Vì vậy, Đà Lạt cần cải tạo phù hợp cho phát triển, không nhất thiết phá vỡ cảnh quan, khu trung tâm vốn nhỏ hẹp không thể gánh thêm nhu cầu mới. Khách sạn, nhà cao tầng có thể xây dựng ngoài trung tâm Đà Lạt. Trung tâm thành phố ưu tiên cho các hoạt động giao thông công cộng, đi bộ, cũng thích hợp với loại hình xe đạp.

Đừng vì lợi ích trước mắt mà đánh mất di sản quý giá, cảnh quan, mảng xanh, ảnh hưởng cuộc sống lâu dài sau này mà nếu khắc phục là vô cùng khó khăn hoặc không thể. Hãy thận trọng xử lý tốt mối quan hệ giữa cải tạo xây dựng đô thị và giữ gìn di sản, bản sắc để phát triển bền vững, thật sự phục vụ người dân, bất kỳ ai đến cũng có thể thấy được giá trị văn hóa kiến trúc Đà Lạt.

Lập quy hoạch và thiết kế đô thị, ngoài chính quyền, kiến trúc sư, cần có sự tham gia của các nhà đô thị học, kinh tế học, xã hội học, lịch sử, giáo dục, khí tượng, thủy văn, nghệ thuật... để loại bỏ những điểm không phù hợp.

Theo nld.com.vn

 

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu