Thiếu giống cho vụ hoa tết

25/10/2021 1105 0
Cứ giữa tháng 8 đầu tháng 9 Âm lịch là thời điểm các nhà vườn Đà Lạt chuẩn bị xuống giống cho vụ hoa tết. Tuy nhiên, năm nay do tác động của đại dịch COVID-19 khiến nguồn cung giống hoa trở nên thiếu hụt cho vụ hoa quan trọng nhất trong năm.

Chuẩn bị giống hoa cúc tại cơ sở ươm giống Hải Hiền, Phường 12, Đà Lạt

Khi chúng tôi đến thăm vườn hoa của chị Đặng Thị Thanh Thủy, 39 tuổi, người tổ Thái Phước, đường Nguyễn Thái Bình tại làng hoa Thái Phiên - Phường 12 thành phố Đà Lạt, chị đang cùng các nhân công thu hoạch hoa cúc vụ trước còn sót lại. 

Vườn nhà chị Thủy khá nhỏ, chỉ chừng 400 m2, tại đây gia đình chị trong năm rồi đã đầu tư nhà kính, mái lợp ni lông để trồng hoa cúc quanh năm. Chị cho biết, chỉ mới hai tuần từ đầu tháng 10 Dương lịch trở lại đây, khi dịch bệnh có những diễn biến tích cực, nhà chị mới bắt đầu nhận được đơn đặt hàng từ thương lái đưa hoa đi miền Trung và TP Hồ Chí Minh.

Theo chị Thủy, vào thời điểm này hàng năm việc xuống giống cho vụ hoa tết trong vùng đã gần như xong xuôi. Nhưng trong năm nay, đến thời điểm này mọi thứ đều không có gì chắc chắn. Dịch bệnh vẫn còn nhiều nơi, không biết thị trường hoa sẽ ra sao nên gia đình chị rất đắn đo. “Chỉ sợ dịch bùng trở lại, thì chỉ có lỗ vốn” - chị Thủy nói. 

Đợt dịch vừa rồi đã khiến làng hoa Thái Phiên gần như đóng băng. Vận chuyển hoa gặp khó khăn, nhiều chợ đóng cửa, hoa xuống giá, việc tiêu thụ không thuận lợi, nhiều người bỏ vườn trống. Trước tình hình dịch kéo dài, không ít người đã chuyển đất sang trồng rau để cung ứng cho vùng dịch theo sự vận động của thành phố. Có nhiều nhà đã phải phá bỏ hoa cúc vì hoa rớt giá thê thảm, nhiều cơ sở cung ứng giống hoa cũng giảm bớt công suất. 

Chính vì vậy, khi thị trường hoa vừa bắt đầu trở lại trong tuần vừa rồi, nhiều nhà vườn muốn trồng hoa cúc trở lại cho mùa tết đang đến nhưng nguồn giống đang thiếu hụt, thậm chí có cơ sở còn không có giống để mua. “Nhiều vườn khi đi mua đến hỏi bảo đã hết giống” - chị Thủy cho biết.

Và không chỉ người trồng hoa cúc mà ngay cả các nhà vườn trồng hoa ly - một trong những loại hoa bán chạy nhất ở vụ tết tại làng hoa nơi đây cũng đang trong tình trạng thiếu giống tương tự. 

Như ông Nguyễn Đức Thảo, 54 tuổi, một nhà vườn chuyên canh hoa ly ở xóm Đình, Thái Phiên cho biết, ông đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc mua củ giống hoa cho vụ tết. 

Trong đợt dịch vừa rồi, ông Thảo cho biết giá hoa ly xuống rất thấp, chỉ từ 10 - 15 nghìn đồng một bó 5 cây so với giá 60 - 70 nghìn đồng thường ngày. “Hoa không bán được để nở trong vườn thấy xót. Đâu chỉ riêng tôi mà các nhà vườn nơi đây ai trồng ly cũng gặp tình cảnh tương tự. Dịch bệnh thì ai biết trước được gì đâu ” - ông Thảo nói.

Vừa rồi, khi dịch bệnh thuyên giảm trong nước, nhiều tỉnh mở cửa, thị trường hoa dần trở lại, ông Thảo cùng nhiều người nơi đây mạnh dạn bắt tay xuống giống hoa ly cho vụ tết năm nay. Nhưng đến thời điểm này, thay vì xuống hơn 100 nghìn củ trên 7 sào đất như mọi năm thì ông chỉ mới xuống chưa được 20 nghìn củ ly. Rất nhiều những loại giống ly ăn khách trong dịp tết như ù vàng, ù đỏ đến lúc này ông chưa mua được giống. 

Theo ông Thảo, củ ly giống được nhập từ nước ngoài nhưng trước đó do dịch bệnh, bà con không dám lấy giống nên các công ty mua giống từ nước ngoài buộc phải hủy đơn hàng. Đến nay làm lại thì không có củ giống, đợi nhập về thì không kịp. Thế mạnh của vườn ông Thảo trong tết là các giống hoa đẹp nhưng năm nay do không có củ giống các loại ly mới ăn khách nên buộc ông phải trồng nhiều loại ly giống cũ không được vừa ý lắm.

Cùng đó, theo ông Thảo, nhiều loại vật tư nông nghiệp như phân bón, xơ dừa dùng trồng hoa lâu nay nhưng năm nay dịch bệnh, khó khăn trong vận chuyển nên giá thành cũng tăng từ 40 - 50% so với giá mọi năm, phí vận chuyển cũng lên trên 150 nghìn đồng một chuyến. Chưa kể, củ giống ly cũng tăng từ 13 - 14 nghìn đồng/củ lên đến 17 - 18 nghìn đồng/củ, tăng 3 - 4 nghìn đồng so với năm ngoái. Với tình hình này, ông Thảo tiên đoán “diện tích trồng ly năm nay tại Đà Lạt sẽ giảm mạnh”.

Theo ông Lê Văn Hải, chủ nhân cơ sở ươm giống Hải Hiền - một trong những địa chỉ cung cấp giống hoa cúc cho làng hoa Thái Phiên, dù đã nỗ lực hết sức nhưng cơ sở của ông chỉ có khả năng cung cấp khoảng 50% số giống cho vụ hoa tết so với mọi năm.

“Bình thường chúng tôi có gần 3 ha cây giống cung cấp quanh năm, nhưng năm nay do dịch bệnh giảm diện tích cây trồng nên chúng tôi chỉ duy trì 1,5 ha cây giống mà thôi. Người dân sợ dịch bùng trở lại nên không dám lấy giống” - ông Hải cho biết. 

Thái Phiên chính là làng hoa lớn nhất trong các làng hoa tại Đà Lạt và cũng là làng chuyên canh hoa lớn nhất Việt Nam hiện nay. Một thống kê của Phường 12 cho biết, trên 1.200 hộ dân sinh sống nơi đây hầu hết đều tham gia sản xuất nông nghiệp, chủ yếu canh tác hoa trong nhà kính. Trong tổng diện tích khoảng 430 ha đất canh tác của làng hoa, đã có khoảng 360 ha diện tích là nhà kính. Đây chính là địa phương tiêu biểu nhất Đà Lạt về mức độ áp dụng rộng rãi các kỹ thuật tiên tiến của nông nghiệp công nghệ cao trong chuyên canh hoa để cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước quanh năm.

Theo ông Đặng Bảo Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân Phường 12, làng hoa Thái Phiên năm nay thiếu hụt giống khoảng 30% so với năm ngoái. “Rất khó khắc phục tình trạng thiếu giống hiện nay, người dân bị động vì dịch” - ông nói. Để đối phó với tình trạng này, theo ông Vinh, người trồng hoa tại Đà Lạt sẽ phải xoay xở bằng cách chăm sóc để làm sao kéo dài thời vụ hoa rằm tháng Chạp đúng vào thời điểm tết, hoặc thúc lứa hoa cho rằm tháng Giêng nhanh hơn sao cho vừa dịp tết hoặc qua tết một vài ngày. 

Đến thời điểm giữa tháng 10 này, ông Vinh cho biết diện tích hoa xuống giống cho vụ tết năm nay tại Phường 12 chừng khoảng 80 - 100 ha trên tổng 360 ha nhà kính (bao gồm cả rau). Nhiều người hy vọng từ đây đến cuối năm dịch bệnh sẽ giảm, thị trường tiêu thụ hoa rồi sẽ ổn định trở lại để nông dân Đà Lạt có một mùa hoa tết, gỡ lại một phần khó khăn trong thời gian dịch bệnh vừa rồi. 

Theo baolamdong.vn

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu