Để thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” vươn xa

09/05/2024 221 0
Qua 7 năm hình thành và phát triển, thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành" được Lâm Đồng xây dựng đã cơ bản đạt mục tiêu đề ra, tạo sản phẩm mới trong phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, thu hút đông đảo du khách đến trải nghiệm, nghiên cứu, học tập; thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản được mở rộng, phân phối tại các hệ thống kinh doanh hiện đại.

Hoạt động quảng bá nhãn hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành" được tỉnh quan tâm

Theo đánh giá từ Ban quản lý thương hiệu, chiến lược quảng bá sâu rộng đến cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng trong nước và quốc tế đã giúp thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành" tạo sự vượt trội về chất lượng, uy tín của sản phẩm và ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng. 

Nhãn hiệu chứng nhận "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành" được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng năm 2017, áp dụng cho 4 sản phẩm đặc thù địa phương, gồm rau, hoa, cà phê Arabica và du lịch canh nông. Tính đến ngày 31/12/2023, đã cấp 114 nhãn hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành". Lũy kế đến nay đã cấp nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” được 768 nhãn hiệu. Trong đó có 648 tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh hoa; 95 tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh rau, 10 cơ sở du lịch canh nông và 15 cơ sở kinh doanh cà phê.

Qua kết quả rà soát và báo cáo của các huyện, thành phố trong 406 sản phẩm/220 chủ thể được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP Lâm Đồng có 52 sản phẩm OCOP của 18 chủ thể được UBND TP Đà Lạt cấp Giấy chứng nhận sử dụng thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành". 

Giá trị nông sản từ đó được khẳng định

Với phương châm mở rộng thêm các nhóm sản phẩm mới gồm: quả hồng, hồng (sấy khô, treo gió), dâu tây, các sản phẩm từ dâu tây (mứt dâu, nước cốt dâu) nấm Đông trùng hạ thảo, nấm Linh chi, Atiso và trà từ Atiso, chè (trà) Ô long,... được sản xuất, kinh doanh tại TP Đà Lạt và vùng phụ cận, Ban Quản lý thương hiệu đề xuất với UBND tỉnh mở rộng phạm vi và chủng loại sản phẩm của thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành", xây dựng các tiêu chí lựa chọn sản phẩm được thực hiện cho từng nhóm sản phẩm cụ thể, trong đó chú trọng về chất lượng; bao, bì, nhãn mác và đặc biệt là tiêu chí về an toàn thực phẩm. 

Tháng 12/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành"; đồng thời, hoàn thiện hồ sơ gửi Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp quyền sở hữu trí tuệ đối với thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành". Nhãn hiệu chứng nhận "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành" cũng đã được đăng ký tại Nhật Bản, Hàn Quốc. 

Theo Sở Công thương, trong năm 2023, các ngành, địa phương và đơn vị đã tích cực triển khai các hoạt động phát triển và quảng bá thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” theo nội dung, nhiệm vụ được giao. Từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cũng đã hỗ trợ các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh nhằm quảng bá thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.
Bên cạnh đó, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiến hành nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương xúc tiến với các đối tác nước ngoài; kết nối với các trang thương mại điện tử cho các sản phẩm gắn nhãn hiệu chứng nhận với nhiều hình thức thực hiện. Hướng dẫn, khuyến khích, thẩm định đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh đủ điều kiện, tiêu chuẩn để cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận. Xây dựng kế hoạch đề xuất UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tiềm lực cho hoạt động thử nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hoá đối với hoạt động thử nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hoá; tổ chức triển khai lấy mẫu, kiểm tra, kiểm soát chất lượng nông sản gắn nhãn hiệu chứng nhận, qua đó đã chấn chỉnh và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về chất lượng sản phẩm, nâng cao uy tín sản phẩm mang thương hiệu.

UBND TP Đà Lạt - cơ quan được UBND tỉnh giao quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đã chủ động trong việc xây dựng, tạo lập, quản lý và phát triển thương hiệu nông sản theo sự chỉ đạo chung của tỉnh Lâm Đồng đóng vai trò quan trọng để nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm. 

Hằng năm, đơn vị đã tập trung nguồn lực thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; phát triển sản xuất có hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái phải dựa trên các căn cứ hợp lý, cân đối giữa mục tiêu đề ra, nâng cao tính khả thi, đáp ứng nhu cầu của thị trường, tận dụng các lợi thế và điều kiện tự nhiên; tiếp thu, vận dụng tốt các chủ trương, chính sách, các chương trình phát triển kinh tế xã hội của Trung ương, của tỉnh và thành phố. Trong quá trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, địa phương xác định coi trọng lĩnh vực nông nghiệp, là nền tảng để phát triển bền vững về kinh tế, ổn định về chính trị, xã hội. 

Cùng với đó là ưu tiên phát triển nhanh một số sản phẩm có giá trị kinh tế cao để tạo bước chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Đẩy mạnh hình thức hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp... 

Hằng năm, Ban Quản lý thương hiệu phối hợp với TP Đà Lạt và các ngành tiến hành tổ chức khảo sát, đánh giá và cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” cho các tổ chức, cá nhân tại địa phương; tham mưu thực hiện hiệu quả công tác quản lý, phát triển, quảng bá thương hiệu của địa phương gắn với công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm. 

Qua đó, từng bước nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các hộ gia đình và các hợp tác xã đang sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” thông qua các hoạt động như: triển lãm sản phẩm tại các hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối cung - cầu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, hỗ trợ quầy kệ cho các cửa hàng kinh doanh sản phẩm mang nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”…

Thực hiện nhiệm vụ phát triển trong thời gian tới, công tác truyền thông, quảng bá thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” tiếp tục được đẩy mạnh đến với chính quyền, đoàn thể của địa phương, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và người dân, du khách. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn pháp luật sở hữu trí tuệ, vai trò, tầm quan trọng của thương hiệu ở Việt Nam và quốc tế nhằm giúp doanh nghiệp, người dân hiểu, nhanh chóng đầu tư thực hiện đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp, lựa chọn một số doanh nghiệp điển hình hỗ trợ việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, các thương hiệu thế mạnh khác đến các thành phần kinh tế và người nông dân. 

Tiếp tục hỗ trợ các đơn vị, tổ chức sản xuất và kinh doanh nông sản được sử dụng thương hiệu tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm, trưng bày giới thiệu sản phẩm,… nhằm tăng cường quảng bá sản phẩm, quảng bá thương hiệu. Từ đó, các tổ chức, cá nhân sử dụng thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” có điều kiện tiếp tục khẳng định thương hiệu nông sản của TP Đà Lạt. Tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động nhằm tôn vinh thương hiệu Đà Lạt đến bạn bè trong nước và quốc tế. 

Theo dalat.lamdong.gov.vn

Related Post

Sample Plan